Hành trình lấp đầy tri thức cho trẻ em vùng cao

(Sóng trẻ) - Từ câu hỏi đơn giản "Làm sao để các em nhỏ vùng cao no cả tri thức?", Lê Minh Ngọc - chủ nhiệm dự án "Tủ sách nuôi em" đã xây dựng một mô hình độc đáo, kết nối những tấm lòng yêu sách từ khắp mọi miền đất nước. Những cuốn sách không chỉ là quà tặng, mà còn là hạt giống gieo vào tâm hồn trẻ thơ,  giúp các em nuôi dưỡng ước mơ và thay đổi cuộc đời.

PV: Mới đây dự án “Tủ sách nuôi em” vinh dự được trao giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize năm 2024. Vậy ý tưởng hình thành dự án “TỦ SÁCH NUÔI EM” xuất phát từ đâu?

Chủ nhiệm dự án Minh Ngọc: “Tủ sách nuôi em” bắt đầu được hình thành từ câu hỏi: “Làm sao để các em nhỏ ở vùng cao ngoài no bụng còn phải ‘no’ cả tri thức?”. Trước khi dự án chính thức được triển khai thì “Nuôi em”, dự án nền tảng của các dự án khác trong hệ sinh thái cũng đã nhận hỗ trợ quyên góp sách. Tuy nhiên mô hình cũ có những điểm không tối ưu thời gian và tài chính. Trong khi số lượng điểm trường nhận được sách lại rất ít. Chính những bất cập này đã thôi thúc chúng mình triển khai Tủ sách nuôi em, một dự án 0 đồng.

 

PV: Làm thế nào để dự án đảm bảo sách được phân bổ đến đúng nơi cần thiết?

Chủ nhiệm dự án Minh Ngọc: Mọi quy trình từ quyên góp đến gửi sách đều được tối ưu hóa và minh bạch. Dự án "Tủ sách nuôi em" đã xây dựng một hệ thống mà ở đó người đóng góp có thể tự tay gửi sách đến các điểm trường, nhận được phản hồi trực tiếp từ giáo viên, từ đó thấy rõ tác động mà mình tạo ra. Đây là một cách làm không chỉ mang tính minh bạch mà còn tạo động lực để mọi người tiếp tục tham gia, đồng hành cùng dự án lâu dài. Trước khi sách được gửi đi các điểm trường, dự án đều sẽ kiểm tra hết các đầu sách để chọn điểm trường phù hợp nhất với số sách đó tránh trường hợp quyên góp nhiều nhưng không có giá trị sử dụng phù hợp. 

PV: Thách thức lớn nhất anh/chị từng gặp phải trong dự án là gì?

Chủ nhiệm dự án Minh Ngọc: Từ những ngày đầu tiên làm dự án (3/2023), các khâu đều là 1 mình mình đảm nhiệm (không có tình nguyện viên). Đây là ý đồ của anh Hoàng Hoa Trung: leader của dự án cần phải làm tất cả công đoạn để nắm đc khó khăn ở đâu, nhằm chuyển giao lại quy trình cho tình nguyện viên về sau. 3 tháng đầu tiên vô cùng vất vả: phải gọi điện cho giáo viên ở các điểm trường để trao đổi, khảo sát và làm truyền thông ở trên các fanpage. “Nuôi em” sở hữu lượng follower cực lớn là 300k người. Sau 3 tháng thì may mắn có các tình nguyện viên, nhưng tiếp tục phát sinh khó khăn vì họ chưa quen quy trình làm việc nhiều bước, dẫn đến số lượng tủ sách gửi đi rất ít. Dù là thời điểm nào thì đôi lúc cũng sẽ có những vấn đề khác nhau, điều mình tự hào nhất là có đội ngũ tình nguyện viên luôn cố gắng cống hiến để cùng nhau vượt qua mọi thử thách.

img_0890.JPG
Chủ nhiệm dự án “Tủ sách nuôi em” Lê Minh Ngọc.

 

PV: Chị nghĩ rằng việc trẻ em tiếp cận với sách ở độ tuổi nhỏ đặc biệt là trẻ em vùng cao sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào trong tương lai của các em?

Chủ nhiệm dự án Minh Ngọc: Mình nghĩ rằng việc trẻ em tiếp cận với sách từ sớm, đặc biệt là trẻ em vùng cao, sẽ tạo ra sự khác biệt cực kỳ lớn trong tương lai của các em.

Xuất phát từ câu chuyện thực tế trong những dự án mình từng tham gia, khi được hỏi về ước mơ, các em nhỏ thường nói muốn trở thành giáo viên, bộ đội hay y tá. Điều này phản ánh môi trường sống xung quanh, nơi chỉ có những người làm các công việc quen thuộc này. Các em không biết đến những ngành nghề khác như kỹ sư, thiết kế thời trang hay những lĩnh vực xa hơn vì chưa từng được tiếp cận thông tin hay hình ảnh liên quan.

 

Trong một lần mang đồ chơi và sách ảnh đến cho các em, mình nhận ra rằng chính những cuốn sách đơn giản ấy đã vô tình mở ra cho các em cánh cửa đến những ngành nghề và khái niệm hoàn toàn mới lạ. Những cuốn sách đã nhen nhóm trong các em những ước mơ mà trước đó tưởng chừng "mù mờ".

Những cuốn sách được gửi lên không chỉ là sách ảnh mà còn là sách kỹ năng, song ngữ, những đầu sách rất hữu ích với các em. Việc tiếp cận sách sớm không chỉ trao cho các em tri thức mà còn trao cho các em cơ hội thay đổi cuộc đời. 

PV: Có câu chuyện nào đặc biệt đáng nhớ trong quá trình thực hiện dự án mà anh/chị muốn chia sẻ không?

Chủ nhiệm dự án Minh Ngọc: Mỗi một người gửi sách lên, đều có những tâm thư rất riêng. Có một trường hợp mà mình đặc biệt ấn tượng, đó là 2 bạn nhỏ học lớp 4, lớp 5 ở Vĩnh Long đã gửi sách lên cho các bạn cùng độ tuổi ở Hà Giang, hai địa điểm cách nhau hàng nghìn cây số. Các bạn ấy đã viết theo một bức thư tay và chia sẻ với dự án rằng “đó là những cuốn sách chúng em vô cùng yêu thích, trân trọng và mong nó cũng sẽ trở thành những cuốn sách bổ ích cho các bạn”. Mình đã rất xúc động khi đọc bức thư đó, nhưng bất ngờ hơn nữa là những bạn nhỏ ở Hà Giang cũng hồi âm lại. Các em đã viết những lời cảm ơn chân thành và còn hứa rằng sẽ giữ gìn, trân trọng những cuốn sách ấy. Khi đọc được cả hai bức thư, thực sự mình đã bật khóc, mình quá bất ngờ trước sự kết nối kỳ diệu từ 2 đầu cầu xa xôi như Vĩnh Long và Hà Giang. Chính sự sẻ chia ấy đã cho mình thấy rằng, những cuốn sách không chỉ mang tri thức mà còn là sợi dây kết nối, truyền đi tình yêu thương và sự đồng cảm. Đây là một trong những khoảnh khắc khiến bản thân tin tưởng hơn vào giá trị mà sách và những dự án của bọn mình mang lại.

 

PV: Dự án đã xây dựng hơn 1.000 tủ sách. Anh/chị làm thế nào để duy trì tiến độ và hiệu quả khi dự án ngày càng mở rộng?

Chủ nhiệm dự án Minh Ngọc: Dự án đặc biệt bởi nó hướng đến 2 mục tiêu lớn: Lấp đầy tủ đói và duy trì văn hoá đọc. Cứ mỗi 2 tháng, các thầy cô cần gửi lại hình ảnh các em nhỏ đọc sách như thế nào, để dự án và người gửi sách biết được văn hoá đọc tại các điểm trường đang được duy trì ra sao. Ngoài ra, dự án còn tổ chức rất nhiều cuộc thi, tiêu biểu là “Cùng em đọc sách”, trên fanpage đăng tải video các bạn nhỏ kể truyện rất hay. Chúng mình cũng giữ liên lạc với các điểm trường để đưa ra điều chỉnh về việc gửi sách sao cho phù hợp. 

PV: Người ta thường nói các dự án cộng đồng dễ thiếu nguồn lực, anh/chị nghĩ gì về điều này?

Chủ nhiệm dự án Minh Ngọc: Mình nghĩ điều này cũng có một phần đúng bởi đơn giản cho đi sẽ không bao giờ là đủ. Ngoài xã hội vẫn còn đó rất nhiều người cần được hỗ trợ đồng nghĩa với việc dự án phải cố gắng giúp đỡ được nhiều hơn nữa. May mắn, dự án “Tủ sách Nuôi em” đã được mọi người tin tưởng và ủng nhiều chúng mình rất nhiều cả về tinh thần lẫn vật chất. Bên cạnh các nhà tài trợ, đồng hành hỗ trợ về sách, chúng mình tự tin về mô hình hoạt động với quy trình làm việc cụ thể, minh bạch, các tình nguyện viên dù ở lứa tuổi nào cũng dễ dàng tham gia và thực hiện được. Do đó dự án sẽ không bị giới hạn về nguồn lực.

PV: Dự án “Tủ sách nuôi em” có gì khác biệt so với những dự án quyên góp sách khác?

Chủ nhiệm dự án Minh Ngọc: Có 2 điều mình luôn “ghim” trong đầu từ những ngày đầu tiên làm dự án: làm sao để mô hình ngày càng tối ưu và làm thế nào để duy trì được văn hoá đọc. Đây là 2 yếu tố làm nên sự khác biệt của “Nuôi em” so với các dự án quyên góp sách khác. Bên cạnh đó, “Nuôi em” còn hướng đến sự minh bạch trong mô hình. Chúng mình thường nói với những người gom sách là: mọi người vất vả thêm một chút nhưng bù lại sẽ biết được sách của mình đang được lưu dùng tại điểm trường cụ thể chứ không “vạ vật” ở một nơi nào đó. Điều này cũng giúp cho chúng ta gắn kết hơn với các thầy cô và các bạn nhỏ. Hơn nữa bọn mình tự tin có mô hình tối để các em nhỏ có thể tiếp cận được nhiều sách nhất có thể. Ví dụ như cùng một tỉnh nhưng sau 2 năm sẽ tiến hành trao đổi sách với nhau để các bạn được đọc nhiều sách nhất có thể.

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN