Khi trạm dừng xe buýt không chỉ “chờ xe buýt”
(Sóng trẻ) - Tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích các trạm dừng xe buýt vẫn là một "điệp khúc" không thể kết thúc.
Hiện nay, những trạm dừng xe buýt không còn quá xa lạ với mọi người, chúng là công cụ để có thể thuận tiện hơn cho người sử dụng phương tiện này. Thế nhưng, bên cạnh việc tôn trọng phần không gian công cộng, vẫn còn có trường hợp lấn chiếm, sử dụng trạm dừng xe buýt sai mục đích.
Theo ghi nhận của phóng viên, một số trạm dừng xe buýt bị lấn chiếm làm chỗ để xe, đỗ xe ô tô, thậm chí còn bị lấn chiếm để làm nơi tập kết rác thải.
Những người sử dụng xe buýt phải đứng gần lòng đường, thậm chí một số còn không thể đứng đúng trạm dừng mà sẽ cách xa trạm dừng 200 - 300m, sau khi nhìn thấy xe buýt gần tới nơi mới đến trạm dừng để đón xe buýt.
Việc này không những gây bất tiện cho người chờ xe buýt mà còn khiến cho các trạm dừng xe buýt không phát huy được hết chức năng của mình. Một số phương tiện ô tô lấn chiếm trạm dừng còn gây trở ngại cho xe buýt ra vào bến.
Chia sẻ với phóng viên, bạn Tố Thị Lê Na - sinh viên năm nhất trường Đại học Văn hóa cho biết: “Mỗi chiều, mình phải đi xe buýt qua bốn trạm để đến trường. Thường ngày, bác bảo vệ cửa hàng sẽ dắt xe của khách để ở gần trạm dừng, có lúc ít xe thì mình vẫn có thể đứng chờ ở trạm dùng được còn nhiều xe thì mình sẽ đứng gần mé đường. Đôi lúc, mình cảm thấy hơi bất tiện, không đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho chính mình".
Tại khu vực đường Láng, một trạm dừng xe buýt bị chiếm dụng làm chỗ tập kết rác. Lượng xe rác nhiều đến mức chiếm gần 1/2 trạm xe. Bạn sinh viên Đăng Mạnh đứng đợi xe buýt tại khu vực này chia sẻ với phóng viên: “Chuyến xe buýt mình thường đi đến trạm vào buổi tối, sau khi tan công việc làm thêm. Lúc này, trạm xe buýt bị lấn chiếm để làm chỗ tập kết rác. Rác thải rất nhiều, mùi hôi nồng nặc nên mình thường không chờ xe tại trạm mà sẽ cách một khoảng xa, lúc nào xe buýt mình đi gần đến, mình sẽ chạy đến trạm để lên xe”.
Bạn còn nhấn mạnh rằng việc chiếm dụng trạm xe để làm chỗ đổ rác không phải ngày một ngày. Tình trạng này đã diễn ra một thời gian dài.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 3.755 điểm dừng, 361 nhà chờ, trong đó có nhiều điểm dừng và nhà chờ xe buýt thường xuyên bị chiếm dụng. Câu chuyện chiếm dụng trạm dừng xe buýt không còn quá xa lạ nhưng việc xử lý hiệu quả tình trạng đó lại là một thách thức lớn đối với cơ quan chức năng.
Theo ThS. Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT cho rằng: "Chúng ta phải xem xét các giải pháp về quản lý và xử phạt hành chính thường xuyên, nghiêm minh để trả lại không gian cho người đi bộ, hành khách sử dụng xe buýt. Về dài hạn thì tăng cường các giải pháp quản lý về công nghệ, ví dụ sử dụng camera an ninh đối với những điểm dừng quan trọng, tập trung lượng hành khách lớn. Chúng ta cũng có thể xem xét lựa chọn vị trí, quy hoạch điểm dừng xe buýt".
Điểm chờ xe buýt một phần phản ánh tình trạng tham gia quản lý đô thị, trình độ giao thông văn minh tại các thành phố. Vì thế, việc lấn chiếm trạm dừng cần được suy xét và quản lý, xử phạt nghiêm khắc đối với trường hợp vi phạm.