Khi truyền thông chỉ thỏa mãn trí tò mò
(Sóng trẻ) - Đầu năm 2014, trò chơi Flappy Bird đã trở thành tiêu điểm của làng game di động thế giới. Đến tháng 1 năm 2014, game thuần việt này mới được biết đến rầm rộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Flappy Bird đình đám đã bị chính tác giả khai tử. Một trong những nguyên nhân được biết đến chính là sức ép dư luận.
Trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình về chủ đề "Áp lực của dư luận và tính chính xác của thông tin", Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang - Phó trưởng khoa Phát thanh truyền hình, Học viện báo chí và tuyên truyền đã nhận định: “Trong những ngày qua, tác giả Nguyễn Hà Đông đã phải hứng chịu rất nhiều nguồn dư luận, thông tin khác nhau. Thật đáng tiếc cho một trò chơi của người Việt được thế giới biết đến và yêu chuộng đã có thể trở thành một dấu ấn đáng tự hào, có thể kích thích sự sáng tạo và tài năng. Nguyên nhân tại sao tác giả gỡ bỏ game có một phần lý do từ sức áp lực của dư luận xã hội mà do truyền thông tạo nên. Thái độ của cộng đồng mạng thái quá đã gây áp lực lớn đến tác giả”.
Tiến sĩ Trường Giang trong chương trình talk show trên VTV1
Sự kiện gỡ bỏ Flappy Bird khiến người ta nghĩ đến một sự việc diễn ra cách đây không lâu, đó là việc dư luận nghi vấn về độ trung thực của cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” của tác giả Huyền Chíp. Cuốn sáng kể về hành trình trải qua 25 nước của Huyền cũng đã phải hứng một luồng dư luận tiêu cực, khiến nữ tác giả phải giải trình trước báo chí và nhận những chỉ trích của độc giả. Đáng lẽ, câu chuyện của cô gái 23 tuổi dám nghĩa, dám làm, một mình trải nghiệm 25 nước trên thế giới chỉ nên dừng lại ở đó. Thế nhưng, về phía công chúng, sự hoài nghi đã biến thành những cuộc truy hỏi gắt gao về phần trăm sự thật của câu chuyện “Xách ba lô lên và đi” của nữ tác giả trẻ. Thay vì đưa lên những suy nghĩ tích cực, truyền cảm hứng mới cho giới trẻ, rất nhiều bài báo mạng lại đăng tải những thứ thỏa mãn sự tò mò của công chúng thay vì những thứ có ích lợi hơn.
Những trang báo mạng điện tử- loại hình truyền thông vốn được xem là nhanh nhạy, hữu dụng trong thời đại số đang dần trở nên gần gũi hơn đối với công chúng. Không ít người giật mình khi nhìn thấy rất nhiều bài báo có tit giật gân, câu khách ở ngay trên những trang báo mạng điện tử được cho là uy tín. Điều đáng nói là nhiều người thường xuyên tìm và tiếp nhận những tin tức mang tính giật gân như vậy. Rất nhiều phóng viên, nhà báo không thể phân biệt được đâu là lợi ích, đâu là thỏa mãn tính tò mò của công chúng. Theo Tiến sĩ Trường Giang: Nguồn thông tin trên internet đến từ nhiều nguồn khác nhau, điều đó khiến cho việc kiểm chứng độ chính xác của thông tin là vô cùng khó khăn. Và việc kiểm soát các thông tin trên mạng điện tử phụ thuộc rất nhiều vào tính chuyên nghiệp của nền báo chí truyền thông, tính chuyên nghiệp của cả một hệ thống quá trình xử lý thông tin, tính chuyên nghiệp của nhà báo và của chính khả năng tiếp nhận thông tin của công chúng.
Nguồn ảnh: Internet
Chúng ta đều biết rằng, truyền thông tạo nên dư luận. Đối với những trường hợp như tác giả game Nguyễn Hà Đông, giới truyền thông cần phải sớm phát hiện và cổ vũ, khích lệ tinh thần sáng tạo của người Việt. Nhưng thay vào đó là hàng loạt bài viết đầy tiêu cực, thậm chí là “dìm hàng” tác giả. Bên cạnh những bài viết về độ “hot” của game, nhiều cổng thông tin điện tử còn đăng vô tội vạ những bài dịch từ nước nài không có căn cứ, gây hoang mang cho những người trong cuộc. Như vụ việc về game Flappy Bird, có những bài báo hùng hồn đưa tin rằng Nguyễn Hà Đông sẽ bị kiện bởi công ty game hàng đầu thế giới. Văn hóa đọc và bình luận của chính công chúng cũng thể hiện những mặt trái đầy xấu xí, thậm chí có thể nói là đầy sự đố kị và cào bằng. Dư luận khắt khe đã khiến Nguyễn Hà Đông phải thốt lên rằng: “Tôi có thể gọi Flappy Bird là một game thành công của mình nhưng nó cũng huỷ hoại cuộc sống của tôi. Vì thế giờ tôi ghét nó”.
Vậy tại sao tác giả Flappy Bird lại nhanh chóng rơi tuyệt vọng như vậy, phải chăng bởi báo chí truyền thông đã không hậu thuẫn, giúp đỡ mà còn đưa ra nhiều thông tin không nguồn ngọn? Chính tác giả Nguyễn Hà Đông cũng đã lựa chọn im lặng trước những thông tin trái chiều và gỡ bỏ trò chơi khỏi các cửa hàng ứng dụng. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là một hành động rất thông minh của anh. Bởi chính Flappy Bird đã tạo được thương hiệu cho dòng game của Nguyễn Hà Đông. Khác với thông tin trên báo chí được đăng tải trong thời gian đầu, công ty Nintendo không những không khởi kiện mà còn đưa ra lời mời hợp tác rất hấp dẫn đối với anh. Có thể nói, những bài báo vô căn cứ đã làm nhũng loạn thông tin truyền thông, định hướng sai dư luận, gây ra sức ép và ảnh hưởng không hề nhỏ đến suy nghĩ và cuộc sống của những cá nhân trong lẫn nài cuộc. Dù cho sau đó, có bao nhiêu bài báo đính chính sự thật thì những lỗ hổng để lại trong niền tin của công chúng cũng không thể lấp đầy. Thực trạng này vẫn đang diễn ra, khiến báo chí truyền thông chưa thể thực hiện những chức năng vốn có của mình một cách tốt nhất.
Đúng như Tiến sĩ Trường Giang đã nói, thật đáng tiếc khi một trò chơi của người Việt được thế giới biết đến lại nhanh chóng chết yểu như vậy. Và làm thế nào để báo chí truyền thông trở nên sáng suốt hơn, lành mạnh hơn, hữu ích hơn thì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất vẫn chính là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
L.C
Cùng chuyên mục
Bình luận