"Không hy sinh môi trường để đánh đổi kinh tế"
(Sóng trẻ) – Đó là nhận định được TS. Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục Tổng cục Môi trường nhắc tới trong tọa đàm “Ô nhiễm môi trường đô thị và sức khỏe cộng đồng” diễn ra vào chiều ngày 17/3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L’Espace (số 24, Tràng Tiền, Hà Nội). Tại buổi tọa đàm nhiều khía cạnh xoay quanh vấn đề môi trường đô thị và sức khỏe cộng đồng đã được đưa ra trao đổi.
Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện về Môi trường và Phát triển bền vững, do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường & Cộng đồng (Live&Learn) và Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’ Espace) phối hợp tổ chức.
Buổi chia sẻ đã diễn ra trên tinh thần cởi mở và hữu ích về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, những giải pháp một cộng đồng có thể thực hiện để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, cho gia đình đồng thời góp phần cải thiện tình hình ô nhiễm không khí ở các đô thị.
Các diễn gia tại buổi tọa đàm chia sẻ những quan điểm xác đáng xoay quanh vấn đề ô nhiễm đô thị và sức khỏe cộng đồng
Tham gia tọa đàm có các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, y tế và quản lý nhà nước: TS. Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; PGS.TS. Vũ Văn Giáp – Tổng thư ký Hội hô hấp Việt Nam; PGĐ Trung tâm Hô Hấp Bệnh viện Bạch Mai; TS. Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế; TS. Trần Thị Tuyết Hạnh – Giảng viên môn Sức khỏe Môi trường, Đại học Y tế Công cộng.
TS. Hoàng Dương Tùng nêu ra nhận định không có sự phát triển nào là không gây ô nhiễm
Bàn luận về vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị, TS. Hoàng Dương Tùng đưa ra quan điểm: “Trong cái phát triển thì bao giờ cũng có việc gây ô nhiễm, không có cái phát triển nào lại không gây ô nhiễm. Thế nhưng, chúng ta đã cam kết phát triển bền vững nghĩa là không hy sinh môi trường để đánh đổi kinh tế.”
TS. Trần Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh “mỗi cá nhân có thể bằng những hành vi rất nhỏ hằng ngày có thể giảm ô nhiễm không khí”
Về nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí, bên cạnh những yếu tố gây ô nhiễm thường thấy nài cộng đồng, TS. Trần Thị Tuyết Hạnh còn chỉ ra một loạt yếu tố gây ra ô nhiễm không khí trong nhà: “Ở Việt Nam, trong khoảng 47% nam giới trưởng thành hút thuốc lá và rất nhiều người hút thuốc lá ở trong nhà. Đây cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến những người xung quanh. Hoặc là chúng ta có thể nuôi chó, nuôi mèo thì các loại lông, chất thải cũng làm ô nhiễm không khí. Chúng ta đi về nhà, giày dép đi từ nài vào trong tha những vi sinh vật và , sử dụng bếp than cũng gây ô nhiễm không khí. Có rất nhiều yếu tố có thể làm không khí trong nhà của chúng ta ô nhiễm.”
PSG.TS. Vũ Văn Giáp nêu lên tầm quan trọng của việc nhắc nhở giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ý kiến về những giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, PGS.TS. Vũ Văn Giáp chỉ rõ cần: “Tăng cường những hoạt động cải thiện môi trường sống của chúng ta. Và có ý thức nhắc nhở nhau. Điều này là rất quan trọng. Có thể thấy người ta thiếu thông tin, người ta có những hành vi làm nặng thêm ô nhiễm không khí thì chúng ta nhắc nhở họ vì một môi trường chung.”
Những chia sẻ của các diễn giá tại buổi tọa đàm đã cung cấp cho khán giả những kiến thức quan trọng, thiết thực về ô nhiễm không khí và sức khỏe cộng đồng. Từ đó sẽ giúp mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong xã hội hiện nay, đồng thời biết mình cần hành động như thế nào để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
Thái Gia Khánh
Cùng chuyên mục
Bình luận