Kí ức trung học “3 năm online”: Những mảnh ghép vụn vặt mà quý giá
(Sóng trẻ) – Vượt qua mọi khó khăn của đại dịch, niên khóa 2004 tìm ra được những giá trị của cuộc sống, và sợi dây tình bạn đã giúp đỡ các em vượt lên chính mình.
Niên khóa 2004 là niên khóa đầu tiên và đặc biệt nhất khi trải qua quãng thời gian trung học với 3 năm học online liên tiếp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Khoảng thời gian dịch bệnh xuất hiện và bùng nổ cũng là khoảng thời gian từ những học sinh cơ sở còn nhiều bỡ ngỡ, mới bước chân vào môi trường trung học xa lạ, đã phải tập thích nghi với việc thay đổi liên tục hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến.
Những khó khăn của bước đầu trưởng thành
Do chỉ có thể học tập thông qua hình thức trực tuyến, quá trình tiếp thu kiến thức và rèn luyện phương pháp học tập của học sinh gặp phải những bất lợi khác nhau. Đáng lẽ học sinh sẽ được tiếp cận phương pháp giảng dạy chuyên biệt của từng môn học, nay chỉ có thể gói gọn trong một chiếc màn hình hạn hẹp. Đặc biệt, đối với các môn tự nhiên, các em được nghiên cứu và thực hành theo phương pháp giải bài tập riêng của giáo viên, nhưng giờ đây chỉ được quan sát thông qua những bài giảng mẫu không có phương pháp cụ thể.
Đồng thời, những hạn chế trong việc tiếp xúc và sử dụng công nghệ cũng khiến việc truyền tải kiến thức và hướng dẫn thực hành của người giáo viên không được trọn vẹn. Những gián đoạn trong bài giảng là nguyên nhân khiến các em không thể tập trung tinh thần để lĩnh hội đầy đủ tri thức.
Bên cạnh vấn đề học tập, các em học sinh cũng “đánh rơi” những khoảnh khắc quý giá đến từ hoạt động ngoại khóa của tập thể. Những buổi liên hoan văn nghệ, những ngày lễ kỉ niệm lớn, những hoạt động thi đấu thể dục thể thao đều bị lược bỏ. Các em không có nhiều thời gian tiếp xúc với bạn bè cùng lớp, không thể trò chuyện trực tiếp, thẳng thắn về những tâm tư, nguyện vọng của mình.
Có thể nói, đó là những nuối tiếc không nguôi của tuổi trẻ mà các em phải trải qua. Với Duy Minh (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh), một cậu trai trẻ đầy năng động, mặc dù được tham gia một số hoạt động thể thao của trường với quy mô nhỏ, song cũng cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối khi không thể tham gia các hoạt động cùng tập thể. “Thật ra 3 năm trung học đối với chúng em thật sự trôi qua rất nhanh, đôi khi những khoảnh khắc ngắn ngủi đó lại có ý nghĩa rất lớn. Có thể sau này khi họp lớp, đó sẽ là những câu chuyện vui vẻ để mọi người gợi nhớ lại”, Minh chia sẻ.
Nhận ra những giá trị tốt đẹp của cuộc sống
Dịch bệnh lấy đi nhiều khoảnh khắc quý giá, nhưng cũng để bản thân mỗi học sinh nhận ra những giá trị tốt đẹp, điều mà trong cuộc sống bình thường đôi khi các em mải mê học tập mà lãng quên đi những giá trị đó.
Trong đợt dịch gần đây, Duy Minh đã được tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại khu phố. Bản thân cậu cũng học tập và rèn luyện được những tinh thần trách nhiệm cao cả. Đó là tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng, vì xã hội. Và trong khoảng thời gian hạn chế ra ngoài, Minh đã dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, quý trọng những khoảnh khắc gia đình vui vầy.
Việc học trực tuyến không hề dễ dàng, nhưng đã giúp học sinh rèn luyện tinh thần tự giác và kỹ năng tự học. Vì những hạn chế trong trao đổi vấn đề với thầy cô, các em phải tự mày mò phương pháp học tập, hình thành kỹ năng nghiên cứu kiến thức, trở thành người thầy của chính bản thân mình.
Cô gái xinh đẹp, tài giỏi Quỳnh Trang (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) đã khám phá ra những phương pháp học tập kết hợp trò chơi, tạo động lực cũng như cảm hứng học tập trong thời gian nghỉ dịch. Em và bạn bè cùng trao đổi và kết hợp các phương pháp khác nhau, đây cũng là phương thức để gắn kết tình bạn và lưu giữ những kỉ niệm đẹp.
Những tình bạn còn mãi về sau
Vì khoảng cách thế hệ và khoảng cách địa lý, những vấn đề cùng tâm tư tuổi “mới lớn” của học sinh không thể trao đổi trực tiếp với giáo viên, thì đâu đó vẫn còn những người bạn luôn sẵn lòng lắng nghe và đưa ra lời khuyên phù hợp. Những cuộc gọi thâu đêm, những tin nhắn kể chuyện nhỏ to và đôi lời tâm sự cũng phần nào làm giảm bớt tâm lý bí bách của các em trong thời gian nghỉ dịch.
Để tiếp sức tình bạn, Quỳnh Trang cùng các bạn đã hẹn nhau tập một bài thể dục vào mỗi buổi chiều, hay cùng nhau tâm sự về những chủ đề yêu thích. Đó cũng là cách các em động viên, cổ vũ, vực dậy tinh thần sau những nỗi buồn về dịch bệnh. “Điều đáng tiếc là chúng em không thể gặp mặt trực tiếp, nhưng chúng em cũng thử nghiệm nhiều điều mới lạ trên mạng xã hội để củng cố và duy trì tình bạn”, Quỳnh Trang chia sẻ.
Với một số học sinh, các em cho rằng việc học trực tuyến giúp các em thuận tiện hơn trong việc trao đổi bài tập. Các em có thể dễ dàng tạo lập nhóm học tập, dễ dàng giúp đỡ và hỗ trợ những bạn yếu về mảng kiến thức. Bởi vì dịch bệnh ngăn cách sự gặp mặt, các em càng quý trọng hơn những người bạn bên cạnh luôn sẵn sàng giúp đỡ mình.
Kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới gần, dù trải qua nhiều khó khăn nhưng các em cũng ý thức được cần phải cố gắng không ngừng nghỉ và luôn tìm đến sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè, gia đình. Vượt qua ngưỡng cửa này, các em sẽ tiến bước vào một thế giới mới nhiều chông gai hơn, song chỉ cần vượt qua chính mình thì các em đạt được những thành công trong cuộc sống.