Kí ức về Tết cổ truyền trong tâm thức giới trẻ
(Sóng trẻ) - Tết không chỉ đặc biệt bởi đào, mai rực rỡ, những nồi bánh chưng ngút khói hay hộp mứt chứa đầy hương vị mà điều đặc biệt nhất là những dư vị mà nó để lại trong mỗi người con xứ Việt. Trải qua biết bao năm tháng, Tết liệu có khác đi hay vẫn còn vẹn nguyên. Hãy cùng khám phá những kí ức về Tết cổ truyền trong tâm thức giới trẻ để thấy dư vị của Tết đã có bao phần đổi thay.
Với rất nhiều người, Tết không chỉ là một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, đoàn tụ cùng gia đình mà còn là hồi ức tươi đẹp chất chứa biết bao kỉ niệm, niềm vui và cả nỗi buồn cho những điều chưa làm được. Đó là những mảnh ghép đa sắc làm nên bức tranh tổng thể về Tết trong tâm thức mỗi người. Mỗi mảnh ghép đó là những kỉ niệm sâu sắc ghim vào trong trí óc, trái tim và trở thành định nghĩa riêng về Tết.
Đối với giới trẻ, những người mà kỉ niệm của họ vương qua cả hai thời kì thì chắc hẳn dư vị về Tết còn đặc biệt hơn nữa. Khi còn là đứa trẻ ngây ngô trong cái Tết xưa và giờ là một người dẫn đầu xu hướng trong cái Tết hiện đại, người trẻ chỉ cần nhìn lại kí ức của mình là sẽ nhận ra ngay những chuyển mình sâu sắc của Tết theo hơi thở thời đại.
Kí ức về Tết đối với rất nhiều người cũng chính là kí ức về sự đoàn viên, sum họp gia đình
Bạn Nguyễn Đức Anh (22 tuổi, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm giản đơn Tết hồi nhỏ: “Kí ức về Tết là những ngày giáp Tết tất bật phụ mẹ bán hàng, tối 29 tụ tập đi ăn cơm lớp, đêm 30 được ăn một bữa tất niên thịnh soạn rồi vừa chờ pháo hoa vừa xem táo quân, đón giao thừa cùng cả gia đình…”
Tuy nhiên bạn cũng tiếc nuối khi Tết ngày nay không còn được háo hức chờ đón như trước nữa: “Ngày nay, Tết có nhiều đổi thay, cuộc sống ngày càng gấp gáp, vội vã hơn, giới trẻ thường xem pháo hoa và chúc Tết trên máy tính, cũng không háo hức như ngày trước nữa.”
Bạn Bùi Thu Hương (21 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền, Hà Nội) lại thích nhất là khoảng thời gian giáp Tết. Hương chia sẻ: “Kí ức về Tết là từ những hôm 23, 24 tháng Chạp mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, ông thì gói bánh trưng, anh chị em trong nhà ngồi trông nồi bánh thâu đêm. Cả xóm cùng tụ tập bàn chuyện Tết, rục rịch sắm Tết, đi mua hoa đào trang trí nhà. Ai cũng có cả niềm vui và nỗi lo riêng, mỗi trẻ con tụi mình hồi đó là vui nhất.”
Quây quần bên nhau để chuẩn bị Tết cũng là miền kí ức đẹp trong tâm thức mỗi người con xứ Việt
Chắc hẳn cảm giác hân hoan chờ đợi một điều gì đó thật tốt đẹp sắp đến là một dư vị sâu đậm mà Tết để lại trong tiềm thức của rất nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cảm giác đó không còn trọn vẹn trong cái Tết hiện đại “cái gì cũng mua sẵn, không khí Tết giảm đi, kiểu như mọi thứ đều đại khái, bánh chưng hay mứt cũng chỉ là biểu tượng” Thu Hương đã nhìn lại cái Tết hiện nay của bản thân mình mà tiếc nuối quá khứ như thế.
Quả thực, Tết ngày nay đã có quá nhiều đổi thay. Xã hội hiện đại, cuộc sống gấp gáp nên Tết cũng phải tự thu mình lại sao cho hợp thời, hợp cảnh. Có nhiều điều không còn được như trước, cũng có nhiều nét đặc biệt của Tết xưa giờ chỉ còn là dư vị tuy nhiên cái hồn cốt của Tết vẫn được nâng niu trong trái tim mỗi người dù trẻ hay già, dù họ có bị cuốn vào nhịp sống xô bồ của xã hội hiện đại hay không. Chỉ vậy thôi là chúng ta vẫn còn rất nhiều lý do để chờ đón Tết, để trao cho Tết tất cả những hi vọng và niềm vui của một năm dài.
Mâm cơm đoàn viên có thể không trọn vẹn các món như xưa nhưng vẫn là mâm cơm nn nhất bởi vì được
ngồi bên gia đình, sẻ chia vui buồn
Nhìn nhận Tết hiện đại ở một góc nhìn mới mẻ, bạn Lưu Ly (21 tuổi, sinh viên đại học Văn Hóa Hà Nội) vẫn tràn đầy niềm vui rằng: “Có khi vì tính tình vô tư nên mình vẫn rất thích cái Tết hiện đại, vẫn hào hứng khi Tết đến. Cả năm rồi lặn ngụp nới đất khách quê người chỉ trông mong ngày Tết để được về nhà, gạt hết mọi nhọc nhằn, nỗi lo để về bên ba mẹ, nhìn thấy nụ cười của mọi người, được mọi người chào đón hỏi thăm. Đúng là ngày nay cái nét truyền thống của Tết ít đi nhưng những cảm xúc về Tết thì vẫn vẹn nguyên như thế.”
Tết dù có bao đổi thay nhưng linh hồn của Tết vẫn vẹn nguyên, đong đầy khi chúng ta còn trao nhau yêu thương
Có bao giờ bạn nghĩ rằng Tết đổi thay vì bạn đã thay đổi. Không phải Tết kém vui, Tết bị bão hòa mà chính con người ở các độ tuổi hay khoảng thời gian khác nhau lại cảm nhận niềm vui bằng những cách khác nhau. Yếu tố góc nhìn cũng chi phối rất nhiều đến cảm xúc của mỗi người. Thay vì buồn rầu rằng Tết giờ không còn như trước sao bạn không chấp nhận những thay đổi mà nó phải có và nhìn nhận những mặt tích cực.
Tết vẫn là khoảng thời gian vô giá để đoàn viên, nghỉ ngơi sau một năm vất vả mưu sinh xuôi ngược. Tết vẫn là khoảng lặng hiếm hoi để người ta sống chậm lại, trao yêu thương nhiều hơn, lên dây cót tinh thần để chào đón một năm mới với rất nhiều thử thách chờ đón. Giá trị lớn lao của Tết có khi không nằm ở tiền lì xì, quần áo mới, cây đào, mai rực rỡ như hồi nhỏ ta vẫn say mê nữa mà ở cái tình, cách người ta gác lại dòng chảy xô bồ của cuộc sống mà xích lại gần nhau hơn.
Khi bạn càng lớn, càng có nhiều nỗi lo toan trong cuộc sống này thì những điều đó càng đáng được trân quý. Có phải đâu Tết mất đi ý nghĩa, chẳng qua là ý niệm về Tết của bạn đã đổi thay mà thôi.
Trần Mai
Báo chí Đa phuong tiện K34A2
Cùng chuyên mục
Bình luận