Lạm dụng rượu bia gây tai nạn giao thông - câu chuyện chưa dứt
(Sóng Trẻ) – Lạm dụng rượu bia gây tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối trong suốt thời gian dài. Những câu chuyện thương tâm tiếp tục xảy ra; nhưng người ta dường như vẫn chưa thể học được cách coi trọng tính mạng chính mình.
Bệnh viện Việt Đức hằng ngày tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân, trong đó số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ không nhỏ. Những bệnh nhân được chuyển đến đây cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, phải mổ cấp cứu, nhiều bệnh nhân sau khi hồi phục vẫn mang thương tật suốt đời cùng với những tổn thương ám ảnh khó lành.
Lạm dụng rượu bia gây những tai nạn giao thông đáng tiếc – nguồn Internet
Kết quả khảo sát tại Bệnh viện Việt Ðức và Saint Paul cho thấy: 62% số nạn nhân bị TNGT đường bộ có nồng độ cồn cao trong máu (cao nhất 458 mg/100 ml máu, gấp chín lần cho phép). Cũng theo thống kê của Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, tại Việt Nam có tới 12 nghìn người chết/năm và 32 người chết/ngày vì TNGT, trong đó hơn 10% do sử dụng rượu, bia gây nên.
Tạ Văn Trưởng, 18 tuổi, quê Lục Ngạn, Bắc Giang, cậu đi làm công nhân đã được 3 năm ở quê nhà. Bị bạn bè rủ rê, cậu ra Hà Nội tìm cơ hội đổi đời. Trong một lần cùng bạn bè uống say, trên đường về, do say rượu không làm chủ được tay lái, Trưởng đã gây tai nạn nghiêm trọng. Trưởng được đưa vào bệnh viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương, trong đó có chấn thương sọ não và cột sống. Bạn bè bỏ mặc, chỉ còn người thân của cậu ở lại bên giường bệnh, họ vừa nắm lấy tay cậu, vừa cầu nguyện, vừa chờ mong trong nỗi đau đớn, khắc khoải.
Bác Tạ Văn Phong, là chú của nạn nhân cho biết: “Gia đình rất buồn khi biết tin cháu bị tai nạn nghiêm trọng như thế. Chi phí cho cháu nằm viện đến thời điểm này là rất tốn kém.Chỉ muốn khuyên mọi người rằng không nên uống rượu bia khi tham gia giao thông”.
Rượu, bia có chứa cồn, tên hoá học là ethanol (C2H5OH) là một chất gây nghiện làm ức chế hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương. Rượu bia đã trở thành thói quen trong nếp sống, nếp nghĩ của người Việt. Người ta cho rượu, bia là điều không thể thiếu trong các dịp lễ tết, hiếu hỉ, tiệc tùng. Với đa số, uống một lượng nhỏ rượu, bia không gây ra tác hại gì đáng kể; nhưng nếu lạm dụng rượu, bia sẽ gây ra các các hệ lụy khôn lường về sức khoẻ cá nhân và quan hệ xã hội.
Người uống rượu bia thường có tâm trạng bị kích động, mất kiểm soát và không làm chủ được hành vi. Uống nhiều bia rượu dẫn đến say xỉn, những người cầm lái không đủ tỉnh táo khi điều khiển xe. Chỉ một phút không làm chủ được tay lái, họ đã gây nên những tai nạn khủng khiếp, để lại cho gia đình và người thân của những nỗi đau mãi mãi không bao giờ lành.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Hùng, trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện Việt Đức cho biết: “Theo thống kê của bệnh viện Việt Đức từ 2012 – 2013, trong tổng số 18,983 nạn nhân bị tại nạn giao thông đến cấp cứu, thì có 10% số trường hợp bị tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu. Con số đáng báo động này cho thấy rằng, rượu bia đang ngày càng trở thành vấn đề đáng lưu tâm với bất cứ người tham gia giao thông nào. Người tham gia giao thông khi say xỉn không những gây tai nạn cho chính họ, mà còn gây nguy hiểm cho những người đi đường khác”.
Nói về những biện pháp để làm giảm tình trạng uống nhiều rượu bia khi tham gia giao thông, bác sỹ Nguyễn Xuân Hùng đưa ra lời lý giải: “Rượu bia đã trở thành thói quen của nhiều người, tuy nhiên rượu bia có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, đã có rất nhiều trường hợp uống rượu bia gây tai nạn đáng tiếc. Mong rằng mọi người không nên uống rượu khi tham gia giao thông để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của bản thân và cộng đồng”.
Để ngăn chặn tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông, ngày 25/10, Phòng cảnh sát PC67, Công an thành phố Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều trường hợp cho rằng mình chỉ uống ít rượu, bia nên vẫn tham gia giao thông, trong khi bị kiểm tra thì nồng độ cồn lại vượt mức cho phép.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn – nguồn Internet
Theo quy định của pháp luật, người điều khiển ô tô trên đường có nồng độ cồn vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng. Nếu người điều khiển ô tô, nồng độ vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt 10 - 15 triệu đồng; người điều khiển mô tô, xe gắn máy, vi phạm mức trên bị phạt 2 - 3 triệu đồng.
Mức xử phạt đối với người uống rượu bia khi tham gia giao thông là không hề nhỏ, hợp lý và đủ tính răn đe. Tuy nhiên, nhiều “đệ tử Lưu Linh” vẫn coi thường tính mạng của bản thân, tiếp tục cầm lái sau những cuộc vui, khiến cho thực trạng uống rượu bia gây tai nạn giao thông ngày càng trở nên nhức nhối và khó tháo gỡ. Vấn đề giáo dục ý thức người tham gia giao thông ngày càng trở nên có ý nghĩa quan trọng.
Trong một phút say xỉn không làm chủ được tay lái, họ đã bỏ lại cuộc đời, bỏ lại những người họ yêu thương nhất. Những vụ tai nạn thương tâm gần đây sẽ là bài học đắt giá cảnh tỉnh để những người tham gia giao thông có ý thức hơn với tính mạng của mình và có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội.
Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Báo in K31.A2
Cùng chuyên mục
Bình luận