Một ngôi trường bừng sáng!

(Sóng Trẻ) - Hai mươi sáu năm qua, có một ngôi trường bé nhỏ mang tên vị văn sĩ mù từ lâu đã lặng lẽ nuôi dưỡng và thắp sáng niềm tin cho rất nhiều thế hệ trẻ em bị khiếm thị. Ngôi trường đó là PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Chân bước đi, bàn tay quờ quạng như tìm kiếm một chỗ bấu víu, hình ảnh bé nhỏ, mong manh của cô bé có đôi mắt lạc lõng rưng rưng nước vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. “Em Nguyễn Minh Nguyệt đấy, mới 8 tuổi thôi mà bị mù bẩm sinh”- cô Tuyết, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết. Điều đặc biệt là ở ngôi trường này không chỉ có một mà có hàng trăm hoàn cảnh em nhỏ khác giống Minh Nguyệt.

Mỗi em là một mảnh đời, đều là những đứa trẻ thiệt thòi và đáng thương: Có em bị mù bẩm sinh do bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố; Em thì do đột biến gen nên vừa bị mù vừa mắc chứng bệnh bệch tạng – chân tay co quắp, lông tóc bạc trắng; Nhiều em lại không may bị tai nạn khiến đôi mắt không còn nhìn được nữa…

Các thầy cô ở trường cho biết, các em khiếm thị thiệt thòi hơn nhiều rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Các em yếu đuối về cả thể chất và tinh thần nên khi thiếu đi tình cảm gia đình các em thường xuyên khóc, buồn bã và không có tâm trạng học hành. Để cho các em thực sự hoà nhập được với cộng đồng thật không dễ dàng. Vì vậy, nài sự nỗ lực cố gắng của chính các em là sự nhiệt tình, không ngại vất vả, mệt nhọc của các thầy cô.  

Ngọc Văn Quỳnh là người dân tộc Tày quê ở Điện Biên. Quỳnh bị mù bẩm sinh, mẹ mất sớm nên bố đi lấy vợ hai và có con riêng. Bà dì ghẻ không yếu quý gì đứa con mù loà của chồng nên Quỳnh phải sống cô đơn tủi nhục nơi vùng núi cao heo hút suốt 12 năm trời. Mãi đến năm 12 tuổi, em được đưa vào trường Nguyễn  Đình Chiểu theo chính sách ưu tiên của Uỷ ban dân tộc miền núi. Quỳnh đã 21 tuổi rồi nhưng mới chỉ học đến lớp 8, trong đôi mắt lạc lõng của ‘chàng trai” này như chất chứa hàng ngàn nỗi niếm: “Nói chung sống tự lập cũng quen dần đi chứ em  không được về nhà thăm nhà bao giờ cả. Em chỉ cảm thấy thiếu thốn tình cảm gia đình thôi chứ ở trường rất tốt.”

Em cũng rất chững chạc và tự tin khi nói về mong muốn sau này của mình: “Nếu được học tiếp thì em mong muốn sau này sẽ về quê để vận động các bạncó cùng hoàn cảnh như em đi học và sau sẽ thành lập một hội người mù. Trên quê em nhiều người có hoàn cảnh như em nhưng không có một hội nào cả.”

Lê Thị Hằng là học sinh bị mù do nhiễm chất độc màu da cam. Hồi mới vào trường, Hằng luôn luôn mặc cảm về bản thân, em sống khép kín với tất cả mọi người nhưng: “Bây giờ em đã tìm lại được niềm vui, giờ em chỉ muốn được ở trường cùng thầy cô và các bạn.”

Thành lập từ năm 1982, hai mươi sáu năm qua, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Nài các kiến thức về văn hoá, các em còn được học các kỹ năng trong cuộc sống, định hướng nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh khiếm thị.

Đến nay, trong số gần 600 học sinh đến học tại trường, đã có hơn 160 em tốt nghiệp Trung học phổ thông, hơn 30 em đang học tại các trường Cao đẳng, Đại học và Nhạc viện Hà Nội; Gần 40 em đang công tác tại Hội Người mù, 50 em đang làm nghề bấm huyệt xoa bóp và hơn chục em khác là vận động viên Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật. Một trong những gương mặt tiêu biểu nhất như cô giáo, thạc sĩ Nguyễn Thị Mai hiện là một giảng viên đại học tại Mỹ hay anh Vũ Anh Minh hiện là Phó chủ tịch Hội người mù Việt Nam...  Năm 2007, nhà trường đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm học 2008-2009, nhà trường đón thêm 31 em học sinh khiếm thị mới, nâng tổng số học sinh khiếm thị ở đây lên 131 em. Các em  khiếm thị học tập tại trường thì được học miễn phí và mỗi tháng được trợ cấp thêm 75 nghìn đồng. Tuy nhiên với một ngôi trường có tính chất giáo dục đặc biệt, hiện nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Tuyết, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cơ sở vật chất của nhà trường đã xây dựng từ lâu nên nhiều chỗ đã xuống cấp. Một bộ sách giáo khoa chữ nổi hoàn thiện cho các em học rất đắt đỏ, có khi lên tới 5 triệu một bộ. Kể cả giấy viết cũng phải là loại giấy dầy đặc biệt”

“Tàn nhưng không phế”, “Khiếm thị nhưng không mù” là điều mà hôm nay thầy trò trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã và đang chứng minh cho toàn xã hội thấy. Xin được gọi ngôi trường này là một ngôi trường bừng sáng! Mong sao các em học sinh khiếm thị của trường Nguyễn Đình Chiểu nói chung, học sinh khiếm thị cả nước nói chung sẽ noi gương các cô chú, các anh chị đi trước, không ngừng nỗ lực trong học tập và rèn luyện, trở thành người công dân có ích cho xã hội. Cũng mong rằng toàn xã hội sẽ quan tâm hơn nữa đến các em, giúp các em tự tin hơn để thắp sáng niềm tin vào cuộc sống.

Trần Huyền

Lớp Phát thanh K.26

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN