Vài suy nghĩ xung quanh vấn đề ảnh báo chí
(Sóng Trẻ) Trong đời sống báo chí hiện nay, ảnh báo chí chưa đạt đúng vị trí của nó. Với những người cầm máy thì rất hiếm có những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc chỉ cần nhìn là đủ hiểu, không cần chú thích. Gặp gỡ và trò chuyện với nhà báo - nhà nhiếp ảnh Lê Thám – Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam để hiểu rõ hơn những vấn đề xung quanh ảnh báo chí.
Chân dung nhiếp ảnh Lê Thám
Thưa ông, ông có thể cho biết thực trạng của ảnh báo chí hiện nay?
Lịch sử phát triển của ảnh báo chí Việt Nam còn rất trẻ, mới hơn nửa thế kỷ. Có thể khẳng định: Đây là loại hình thông tin bằng hình ảnh rất hiệu quả bởi tính chân thực khó thay thế của nó.
Tuy vậy, không phải cứ chĩa ống kính vào những sự việc đang diễn ra mà công chúng quan tâm là có thể có được tác phẩm ảnh báo chí. Trên các mặt báo hiện nay, dù số lượng ảnh sử dụng nhiều nhưng có nhiều bức ảnh chỉ là để minh họa, trang trí. Có những bức còn sai cả nội dung, mục đích. Chúng ta đang thiếu những tác phẩm đích thực của ảnh báo chí. Có lẽ vì vậy mà hình ảnh các cô gái trẻ, đẹp, chụp salon thường được sử dụng nhiều trên các mặt báo.
Để có một tác phẩm ảnh báo chí đích thực đòi hỏi những yếu tố nào ở người phóng viên?
Muốn có được một tác phẩm ảnh báo chí đích thực, người chụp ảnh báo chí trước hết phải là người nhiệt tình, tâm huyết với những vấn đề mà xã hội quan tâm. Phải có cái nhìn báo chí, đầy trách nhiệm với công chúng, luôn trăn trở trước nỗi đau của đồng loại, vì sự nghiệp, vì cuộc sống mà bấm máy.
Ông phân biệt thế nào giữa ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí?
Nếu trong ảnh nghệ thuật càng giàu cảm xúc chủ quan càng cho kết quả cao thì ảnh báo chí càng giàu lượng thông tin, càng chân thực càng được đánh giá tốt. Cũng vì sự khác biệt này mà người chụp ảnh báo chí được gọi là nhà báo – thực chất là nhà hoạt động chính trị, tư tưởng; còn người chụp ảnh nghệ thuật trăn trở đi tìm phút thăng hoa của tâm hồn được i là nghệ sĩ.
Vậy làm thế nào để chụp được một bức ảnh vừa có hiệu quả về kỹ thuật, vừa mang thông tin ảnh báo chí, thưa ông?
Trong thực tế, để chụp một bức ảnh có hiệu quả về kỹ thuật (như độ nét, lượng sáng,…) thường dễ hơn nhiều so với chụp một bức ảnh trở thành ảnh báo chí. Sự già dặn “có nghề” từ tư duy logic đến nhãn quan và sự nhạy cảm chính trị, ý thức chính trị sẽ giúp nhà nhiếp ảnh phát hiện và tìm thấy trong thực tiến những cái mới, những tư tưởng, chính kiến của riêng mình mà gửi gắm lập trường, quan điểm của mình qua ống kính để bức thông điệp bằng hình ảnh đưa ra có sức thuyết phục, có tâm tư, tình cảm của mình trong đó. Tính cách và tài năng của người chụp ảnh báo chí là lượng thông tin nóng hổi, mang tính thời sự. Yêu cầu phải thật (người thật, việc thật, nhiều lúc phải mới, đúng vấn đề công chúng qua tâm). Sự cần thiết phải nhanh, kịp thời cạnh tranh thông tin. Phải có chú thích kèm theo hàm chứa các yếu tố tin tức. Có như vậy mới trả lời được các câu hỏi mà công chúng quan tâm: Cái gì? ở đâu? Bao giờ? Thế nào? Tại sao?... đáp ứng được tính chân thực của ảnh báo chí.
Tuy vậy, cái khó muôn đời vẫn là chuyện khoảnh khắc, nếu quá cầu kỳ trong việc lựa chọn ánh sáng, hình thức thể hiện… thì dễ lỡ thời cơ chụp những bức ảnh mà sự kiện chỉ diễn ra trong chốc lát.
Ông đánh giá thế nào về cách chụp ảnh báo chí của phóng viên hiện nay?
Các phóng viên báo chí của ta hiện nay đa số thường chỉ chụp theo kiểu ghi thực mà ít để ý đến việc khai thác hiệu quả bức ảnh mình chụp. Ghi thực là một thế mạnh có sức thuyết phục lớn nhất của nhiếp ảnh nhưng sự thật trần trụi trước sự hời hợt của người bấm máy sẽ cho ra đời những bức ảnh tựa như ta xem cuốn băng ghi hình từ một máy camera tự động. Hầu hết chưa có thói quen sử dụng các biện pháp kỹ thuật như cách dung kính lọc, các tiểu xảo sử dụng đèn flash… để điều tiết ánh sáng, làm nổi bật chủ đề chính của sự kiện mà người chụp quan tâm.
Quá trình tự rèn luyện giúp nhà nhiếp ảnh có tư duy nhanh, nhạy, từ việc nắm bắt được “cái thần” của sự việc, sự kiện đến việc bố cục, cắt cúp, phương pháp thể hiện… Nhờ thế nhà nhiếp ảnh sẽ không để tuột khỏi tay mình những cơ hội đáng tiếc.
Được biết, năm 2002 tác phẩm “Cho kịp thời vụ” của ông đạt Huy chương bạc trong cuộc thi Triển lãm ảnh nghệ thuật Bắc miền trung, gần đây nhất là tác phẩm “Phục chế” đoạt giải nhất trong cuộc thi ảnh marathon “Huế - mùa lễ hội truyền thống 2013” và rất nhiều giải thưởng khác trong các cuộc thi ảnh Nghệ thuật toàn quốc. Vậy, ông có thể chia sẻ những “mẹo vặt” để làm nên thành công trong những bức ảnh của ông không?
Ví dụ qua một vài bức ảnh mà tôi đã chụp không hề có sự can thiệp của photoshop như sau:
Làm sáng tia nước- bức ảnh Chống úng
Để có được các tia nước sáng lên, đặt máy lên chân máy, để tốc độ B, ISO 200, khẩu độ 5.6, dung đèn flash đánh chếch ngược phía sau tia nước.
Đèn chếch sáng- bức ảnh Cho kịp thời vụ
Đặt đèn flash có gắn nhại chếch theo hướng cần chiếu sáng. Nếu đèn flash trên máy không xoay được cổ, dung một miếng giấy bạc (trang kim) che đèn cho ánh sáng chếch về phía đèn có nhại và bấm máy. Như vậy, vừa có ánh sáng ghi được sự sống động của chiếc máy cày đang hoạt động (như song nước…), vừa có hình khối của chiếc máy cày chứ không bị “bẹt ra” như chiếu sáng trực diện.
Vẽ con đường bằng ánh sáng- bức ảnh Nhà máy về làng
Đây là bức ảnh chưa đẹp về bố cục nhưng để vẽ con đường bằng ánh sáng từ những chiếc xe máy chạy trên đường, đã phơi sáng ở tốc độ 30s, khẩu độ 5.6, ISO 200.
Cuối cùng, ông có những lời “dặn dò” gì đối với thế hệ phóng viên trẻ hiện nay?
Nghề làm báo là một nghề lao động sáng tạo đặc thù, các tác phẩm ảnh báo chí mang tính xã hội hóa cao. Muốn có những tác phẩm tốt, nhà nhiếp ảnh không những phải lăn xả vào đời sống xã hội mà còn phải có bản lĩnh chính trị, luôn học hỏi, không ngừng rèn luyện tự nâng cao trình độ của mình. Có như vậy mới hi vọng lớp nhà báo trẻ sản sinh ra những tác phẩm đỉnh cao mang dấu ấn thời đại, khắc họa và lưu giữ được những hình ảnh tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà chúng ta đang sống.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Hương Giang
Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận