Mượn danh “văn hóa ẩm thực” để câu view

(Sóng trẻ) - “Gắn mác” review món ăn đặc sản, nhiều kênh YouTube đã sản xuất và đăng tải những video ăn động vật sống, thu hút lượt xem cao ngất ngưởng. Thế nhưng, liệu đây thực sự là văn hóa bản địa hay chỉ là chiêu trò câu view “bẩn”?

Biến tướng văn hóa ẩm thực

Trong văn hóa Việt Nam, ẩm thực là một nghệ thuật, nó không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản của con người mà còn có mối quan hệ mật thiết đến lối sống, truyền thống dân tộc.

Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện các video review các món ăn đặc sản vùng miền, tiêu biểu là món cá nhảy của người dân tộc Thái. Theo tìm hiểu, món cá nhảy của người Thái rất đặc biệt. Để thưởng thức món ăn này, phải trải qua các bước chế biến cầu kỳ. Những loại cá được chọn là cá nhỏ, sống ở các làn suối trong không có bùn. Sau khi bắt cá, người dân phải thả cá vào nước sạch và thay nước liên tục cho con cá nhả hết chất dơ, bùn đất, ngâm cá với nước măng chua khử mùi tanh, ăn kèm với các loại lá rừng để thêm vị, phòng tránh giun sán.

Trái ngược với cách thưởng thức món ăn đặc sản của người Thái, trong các video được đăng tải, các food reviewer sử dụng những loại cá có kích thước lớn, xử lý một cách cẩu thả, không đảm bảo vệ sinh. Cách ăn uống nhồm nhoàm, thô tục, thậm chí, máu vẫn dính trên miệng của người ăn gây phản cảm đối với người xem.

Việc ăn sống không đúng cách kéo theo những hậu quả khôn lường về sức khỏe. Riêng ăn cá sống làm tăng nguy cơ nhiễm sán dây cá, nguy cơ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tắc ruột, thậm chí còn gây trụy tim mạch.

1.jpg

Hình ảnh ăn cá sống một cách kinh dị gây phản cảm cho người xem. Ảnh: Chụp màn hình

 

Từ một món ăn mang bản sắc vùng miền, món cá nhảy bỗng biến tướng thành loạt video ăn đồ sống kinh dị. Chủ nhân của các kênh cũng không ngại đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến kinh hãi khác khi công khai thưởng thức những món ăn “gắn mác” đặc sản với đủ những cung bậc cảm xúc rất chân thực.

Chỉ cần 1 cú click chuột với từ khóa “ăn cá sống” trên YouTube là có đến hàng trăm kết quả xuất hiện, những video thu hút sự tò mò của khán giả ngay từ cách đặt giật tít, đến những hình ảnh gây sốc được đặt ở phần mô tả. Đây không phải là cách quảng bá thuần phong mỹ tục, văn hóa ẩm thực. Đây là cách để những YouTuber trở nên nổi bật giữa hàng trăm, hàng nghìn người cùng làm công việc giống mình.

Không chỉ ăn cá sống, những video như ăn pịa dê, pịa bò, ăn rết, cua sống,.. cũng xuất hiện nhiều trên YouTube, thu hút lượng quan tâm lớn của công chúng. Tuy nhiên, việc dùng chiêu trò câu view, câu like, kiếm tiền để rồi bất chấp đúng sai, đánh đổi cả sức khỏe của bản thân liệu có đáng?

“Đại tiệc” đồ ăn sống muôn hình vạn trạng được các Food reviewer kỳ công thực hiện.
Ảnh: Chụp màn hình
“Đại tiệc” đồ ăn sống muôn hình vạn trạng được các Food reviewer kỳ công thực hiện. Ảnh: Chụp màn hình

 

Phần đông các khán giả đều cho rằng những nội dung này có thể làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh văn hóa ẩm thực của người Việt và khiến cho nhiều người có suy nghĩ lệch lạc. Ngoài ra, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Bạn Nguyễn Hoàng Phi – sinh viên Đại học Y tế Công cộng chia sẻ: “Bản thân mình nhận thấy những video này không chỉ gây phản cảm với người xem mà còn tác động xấu tới nhận thức góc nhìn của nhiều người về văn hóa ẩm thực vùng miền của Việt Nam, có thể kéo theo những hệ lụy về sức khỏe. Mình không ủng hộ việc phát triển những video có nội dung phản cảm như vậy.”

Dưới những video có nội dung “mượn danh” review ẩm thực nhận về rất nhiều phản ứng của công chúng, tài khoản Khôi Đặng chia sẻ: “Tôi thấy bạn có tầm ảnh hưởng, có rất nhiều người theo dõi nên quay cái gì hợp lý hơn. Cái này không phù hợp với sức khỏe cộng đồng”.

“Nhìn sợ quá tôi từng sống trên Lào Cai, tôi vào các bản Mông bản Dao, người Tày nhưng chưa từng thấy ăn uống như này” – tài khoản Trực Ngô Thị bình luận.

Phản hồi của khán giả bên dưới bài đăng của 1 YouTuber trải nghiệm món cá nhảy. Ảnh: Chụp màn hình
Phản hồi của khán giả bên dưới bài đăng của 1 YouTuber trải nghiệm món cá nhảy. Ảnh: Chụp màn hình

 

Mượn danh Food reviewer để trục lợi?

Thời gian gần đây, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin về vụ việc kênh YouTube có tên Hưng Vlog đã đăng tải video nấu cháo gà nguyên con lên tài khoản của mình. Video đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng và nhận về rất nhiều phản hồi tiêu cực. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc để tìm hiểu về sự việc này. Kết quả, ngày 10/9, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định xử phạt Hưng Vlog 7,5 triệu đồng vì đã có hành vi đăng tải video không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Video được đăng tải trên kênh Hưng Vlog nhận về rất nhiều phản ứng trái chiều của khán giả Ảnh: Chụp màn hình
Video được đăng tải trên kênh Hưng Vlog nhận về rất nhiều phản ứng trái chiều của khán giả. Ảnh: Chụp màn hình

 

Bên cạnh Hưng Vlog, trên YouTube không thiếu những YouTuber bất chấp đúng sai chỉ cần thu hút được sự quan tâm của công chúng, chủ nhân các kênh YouTube này sẵn sàng đánh đổi để tạo ra những video phản cảm. Hưng Vlog chỉ là một trong số ít những trường hợp đăng tải video phản cảm bị xử phạt. Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều các kênh YouTube khác đang tiếp tục phát triển các nội dung sai lệch về thông tin với những thử thách đầy rẫy nguy hiểm và kinh dị tràn lan trên không gian mạng.

Có thể kể đến kênh YouTube như: Đời sống Tây Bắc, kênh YouTube hiện có 104 nghìn người đăng kí. Các video của kênh này thu về lượt tương tác khủng lên đến hàng triệu view. Khi truy cập vào kênh này, dễ dàng nhận thấy những video với tiêu đề “rùng mình” khi thưởng thức một món ăn “gắn mác” đặc sản Tây Bắc như: “Rùng mình ăn cá sống nguyên con đang bơi kinh dị món cá nhảy Tây Bắc” đạt 2,7 triệu lượt xem, “Rùng mình ăn thịt bò tươi chấm pịa sống kinh hoàng” thu về 1,2 triệu lượt xem.

Những video về ẩm thực “độc – lạ” có lượt view cao trên kênh YouTube Đời sống Tây Bắc. Ảnh: Chụp màn hình
Những video về ẩm thực “độc – lạ” có lượt view cao trên kênh YouTube Đời sống Tây Bắc. Ảnh: Chụp màn hình

 

Trên danh nghĩa chia sẻ văn hóa ẩm thực vùng miền, phần lớn các video trên kênh YouTube này là trải nghiệm các món ăn gây ám ảnh cho người xem ngay từ cách đặt tít. Hàng loạt các kênh ẩm thực có cùng nội dung tương tự như: Tam Mao, Sa Pa TV,… luôn đạt được lượt xem khủng.

Câu chuyện mượn ẩm thực để câu view một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả những người làm nội dung trên nền tảng YouTube. Làm sao để có thể sáng tạo những nội dung lành mạnh vừa thu hút được người xem vừa quảng bá được nét đẹp của ẩm thức Việt Nam?

“Trái với thuần phong mỹ tục thì không phải văn hóa ẩm thực”

Bên cạnh một số kênh ẩm thực được tạo ra với mong muốn quảng bá văn hóa ẩm thực của địa phương thì không ít các kênh làm video “ăn sống nuốt tươi” theo ý muốn riêng chứ không đại diện cho văn hóa ẩm thực của bất cứ vùng miền nào. Nói thẳng ra là… câu view. Những cách ăn uống này không những làm xấu hình ảnh văn hóa vùng miền mà còn kéo theo những hậu quả khôn lường về sức khỏe.

Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Lê Quý Đức (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa) cho biết: “Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam thực tế vẫn có những món gỏi cá, gỏi hải sản đó đều là đồ sống. Nhưng đấy là ăn sống văn minh, còn những hình ảnh cho hẳn con cá vào miệng nó không phải phong tục hay văn hóa ẩm thực gì cả”. 

6.jpg
PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa. Ảnh: NVCC

 

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, văn hóa ẩm thực Việt Nam rất phong phú và đẹp đẽ, những video review núp bóng văn hóa ẩm thực vùng miền đang làm xấu đi hình ảnh Việt Nam.

Ở Việt Nam, các kênh YouTube nói chung và các YouTuber nói riêng đang tạo ra cuộc ganh đua “view ngầm”, bất chấp thuần phong mỹ tục, nội dung phản cảm. Video với nội dung càng lạ, càng gây tò mò thì lượt tương tác, view càng cao. Có những video thu hút nhiều triệu lượt người xem.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên - Phó Trưởng khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: “Chúng ta phải nhìn nhận đây là tính hai mặt của một vấn đề. Họ làm YouTube với mong muốn lôi kéo được nhiều người người xem để kiếm tiền nên họ tạo ra những nội dung kích thích người xem. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có những quy định, chế tài cụ thể để quản lý các nội dung trên không gian mạng. Từ đó chúng ta sẽ tránh được những video phản cảm xuất hiện”. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên, về lâu dài, những video với nội dung như vậy không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến văn hóa ẩm thực của Việt Nam mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa nghe – nhìn của người dân, làm suy thoái đạo đức của một bộ phận người.

Bạn nghĩ thế nào về việc núp bóng món ăn địa phương để câu like, câu view phản cảm? Quý độc giả có thể tham gia bình luận, đóng góp ý kiến ý kiến của mình qua địa chỉ: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN