Nghề dạy trẻ tự kỷ: Nỗi niềm cô giáo “đặc biệt”

(Sóng trẻ) – Mỗi trẻ ý thức được hành động của mình, biết ngoan ngoãn ăn cơm, biết gọi tiếng “cô ơi”,… Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng đối với các cô giáo dạy trẻ tự kỷ ở các trường chuyên biệt, các trung tâm giáo dục hòa nhập đã là một món quà rất lớn.

Gian nan chuyện nghề

Cô giáo Trần Thị Hải Yến – giáo viên trường Giáo dục Hòa Nhập Happy House (Hà Nội) cho biết, chị làm nghề đã được hơn 5 năm, được tiếp xúc với rất nhiều trường hợp khác nhau, mỗi trẻ đều có một hoàn cảnh, tình trạng riêng, nhưng đến nay, chị vẫn còn rất nhiều điều trăn trở với nghề.

Cô Hải Yến chia sẻ: “Dạy trẻ tự kỷ là một công việc rất đặc thù và phức tạp. Không thể áp dụng một giáo án chung cho tất cả các con được. Mỗi đứa trẻ tự kỷ là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Vì vậy đòi hỏi người giáo viên phải có sự hiểu biết tình trạng của các con, cộng thêm với kinh nghiệm của bản thân để có thể dạy các con một cách hiệu quả nhất”.

img_1006.JPG
Cô giáo Trần Thị Hải Yến

Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã là một công việc đầy khó nhọc. Nhưng chăm sóc trẻ tự kỷ thì nó còn gian nan hơn gấp bội. Bởi đa số trẻ tự kỷ đều gặp nhiều khó khăn trong các lĩnh vực phát triển như ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ,… Vì vậy, để theo được nghề thì cần phải có lòng say nghề rất lớn. Lòng say nghề, tình yêu nghề nhất quyết phải xuất phát từ tình yêu con trẻ.

Cô Hải Yến tâm sự: “Khi còn ngồi trên giảng đường, tôi cũng đã mường tượng được đôi chút nỗi vất vả của nghề. Nhưng chỉ đến khi thực sự bước vào nghề, mới thấu hiểu được hết những khó khăn, vất vả của các giáo viên. Nhưng không vì thế mà chúng tôi than vãn hay chán nản mà thay vào đó là luôn tự hứa với lòng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể giúp đỡ nhiều hơn những bé không may mắn”.

5 lần khóc những không bỏ nghề

Hơn 5 năm gắn bó với nghề, cũng được xem là một trong những giáo viên dày dạn kinh nghiệm của trường Giáo dục Hòa nhập Happy House thế nhưng cô Hải Yến cũng đã phải khóc tới… 5 lần vì áp lực công việc và những trăn trở với nghề nghiệp. Vậy nhưng chưa lần nào cô nghĩ mình sẽ chuyển sang công việc khác.

Nhớ về kỷ niệm những ngày đầu mới bước chân vào nghề, cô Yến bày tỏ: “Khi ấy mới ra trường nên còn rất nhiều bỡ ngỡ. Tôi được phân công phụ trách một bé thì bé này có rất là nhiều hành vi và không thể kiểm soát được những hành vi của mình. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn để mà tiếp cận và gần gũi được với bé. Có những khi, cô trò đang ngồi thì đột nhiên bé tát mạnh cô một cái. Lúc ấy tôi vừa bất ngờ, vừa sốc. May mắn là không bật khóc ngay trước mặt các con”.

Tiếp xúc và dạy dỗ trẻ tự kỷ, những câu chuyện như các con đánh, tát, giật tóc,… các cô dường như đã là những câu chuyện rất dỗi bình thường, thậm trí nó còn là một trong những yếu tố cấu thành đặc trưng nghề nghiếp. Ấy vậy mà khi được hỏi có buồn tủi, có muốn bỏ nghề không thì các cô giáo dạy trẻ tự kỷ đều chung một câu trả lời rất dứt khoát: Không!

Cũng giống như đồng nghiệp của mình, cô Vũ Thị Trang – giáo viên dạy trẻ tự kỷ của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục CHIC (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng từng phụ trách một bé 3 tuổi, bé này cũng rất hay đánh cô, đánh các bạn. Khi ấy còn trẻ nên tôi rất lúng túng và chẳng biết phải xử lý sao, may thay được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp và các thầy cô ở trường Sư phạm nên tôi đã vượt qua được dễ dàng. Nói thật, thực sự nhiều lúc tôi cũng có cảm thấy tủi thân hoặc giận dữ, cũng có ý định bỏ nghề. Nhưng ý định đó chỉ xuất hiện trong thoáng chốc rồi sẽ biến mất ngay lập tức. Bởi vì khi tiếp xúc, các con dường như đem đến cho tôi một lòng trắc ẩn rất lớn vậy. Tôi thương các con vô cùng”.

Nghề dạy trẻ tự kỷ có biết bao gian nan, vất vả. Để bám trụ được với nghề cần phải có một lòng can đảm rất lớn. Có thể nói, nghề này không dành cho những ai hời hợt, thiếu sự nhiệt tình, tâm huyết và đặc biệt là tấm lòng, là tình yêu hết mình với trẻ.

Những niềm hạnh phúc lớn lao

Cô Hải Yến chia sẻ: “Với chúng tôi, mỗi sự tiến bộ của các con là một sự cố gắng liên tục, bền bỉ. Chẳng cần điều gì quá to tát, lớn lao; chỉ cần thấy các con nói được những tiếng đầu tiên, biết cầm bàn chải đánh răng, biết bày tỏ phần nào cảm xúc là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi. Có hôm, phụ huynh gọi diện khoe con đã nói được 2 từ “đẹp quá” mà tôi mừng rơi nước mắt”.

b.jpg
Sự tiến bộ của các con là niềm hạnh phúc lớn nhất của các cô

Bé T.N.S năm nay 4 tuổi, khi mới vào trường bé cứ coi như không có ai xung quanh mình cả, không nói chuyện, không giao tiếp, không biết làm bất cứ việc gì. Nhưng đến giờ bé đã có phản ứng hơn. Ví dụ khi bảo N.S ngồi xuống, không được đứng dậy nghịch như thế thì bé đã biết nghe lời ngoan ngoãn. Đặc biệt, thi thoảng bé đã biết mở miệng nói vài từ ê a. Chỉ chừng đó thôi đã làm cho những thầy cô ở trường Happy House cảm thấy vô cùng phấn khởi.

Cô Ngà – giáo viên trường Happy House cho biết: “Ở đây có những bé rất quấn các cô. Cứ thấy các cô là chạy đến ôm hôn thật chặt. Thậm chí bé còn quấn cô hơn quấn mẹ. Ví dụ như có bé B.D, nhiều hôm mẹ đến đón rồi mà bé cứ ôm cổ cô mãi không chịu buông. Thực sự, với những người làm nghề như chúng tôi đó quả là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn”.

img_7851.JPG
Có những bé rất tình cảm và cách thể hiện tình cảm của các con cũng vô cùng đáng yêu. Có những khi mệt mỏi, áp lực thì chính những cái ôm thật chặt của các bé đã tiếp sức cho các cô rất nhiều

Niềm vui của những người dạy trẻ tự kỷ chỉ đơn giản như là cuối mỗi buổi học, thấy các bé cười hớn hở, biết lấy dép, lấy mũ và balo của mình về mỗi khi bố mẹ tới đón và quay lại vẫy tay chào thầy cô…

Với các thầy cô, dù gắn bó với trẻ vô cùng nhưng không hề mong muốn trẻ ở lại mãi trung tâm, cũng như không hy vọng một ngày đón trẻ trở lại. Hạnh phúc lớn nhất chính là nhìn thấy các bé có thể “tốt nghiệp” về học hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN