Nghị định 100: Thuốc đủ liều nhưng có phần nghiêm khắc?
(Sóng Trẻ) - Sau 2 tháng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cùng với Nghị định 100 có hiệu lực có thể coi là “liều thuốc” đủ mạnh nhưng gây ra nhiều ý kiến trái chiều bởi các mức xử phạt có phần nghiêm khắc đối với người vi phạm.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã được Thủ tướng ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngày 01/01/2020. Nghị định 100 ra đời thay thế Nghị định 46; thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia; bổ sung, quy định nhiều hành vi liên quan đến Luật giao thông đường bộ và Luật đường sắt. Đồng thời, Nghị định 100 bổ sung nhiều hành vi và tăng mức xử phạt với 218 hành vi, nhóm hành vi, trong đó tăng mức xử phạt cao với 61 hành vi, nhóm hành vi.
Không chỉ cấm lái xe khi có nồng độ cồn trong người, luật còn quy định rất chi tiết 10 điều cấm khác. Trong đó có cấm xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia. Nếu như đi nhậu cứ ép nhau, xúi nhau để uống với lời lẽ như không uống thì hèn, nam vô tửu như cờ vô phong, không có bản lĩnh đàn ông… sẽ bị kỷ luật. Hoặc ai đó lỡ ép bạn bè uống say, khi tham gia giao thông gặp tai nạn thì có thể bị tố cáo và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức xử phạt của Nghị định 100 liệu có quá khắt khe?
Ủng hộ với mức độ xử phạt mang tính răn đe hiệu quả của Nghị định 100, chị Trương Thị Hoa, làm kinh doanh tự do tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Tôi biết được thông tin về nghị định 100 trên báo đài và tôi rất ủng hộ nghị định này. Nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc đã xảy ra do lái xe sử dụng rượu bia. Do vậy, theo tôi, chỉ có cấm và phạt thật nặng thì mới đủ sức răn đe người dân”.
Anh Hoàng Ngọc Kiên – 25 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội cũng rất ủng hộ những điểm mới của Nghị định 100: “Ở một số nước khác, tôi được biết mức phạt đối với tài xế lái xe sử dụng rượu bia là rất cao, có lẽ nước mình đang làm theo cách làm của họ. Tôi hoàn toàn đồng ý với nghị định 100, điều này sẽ làm giảm tai nạn giao thông”.
Cho rằng một số quy định của Nghị định 100 quá khắt khe đối với người tham gia giao thông, anh Bùi Văn Vinh (Nhân viên văn phòng - 43 tuổi) chia sẻ: “Tôi thấy nghị định cấm lái xe sau khi uống rượu bia là đúng, nhưng có phần quá khắt khe. Chẳng hạn đi tiếp khách mà không uống rượu thì cũng không được. Đi làm cả tháng mà cứ 1 tuần hết hơn 200.000 tiền xe ôm thì lương tháng chẳng còn bao nhiêu cho vợ con nữa”.
Cần có thời gian để đánh giá toàn diện Nghị định 100
Nhiều ý kiến cho rằng những tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP sau 50 ngày thực thi là rất rõ, tạo thời điểm tốt, song thời điểm ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 đi kèm rất sát nhau nên cần có một đề án nghiên cứu tác động chung sâu rộng mọi mặt (đời sống, an ninh trật tự, kinh doanh) đến các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: “Việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 100 đã tác động tích cực đến ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, mà đặc biệt là góp phần xây dựng văn hóa giao thông”. Ý thức, trách nhiệm của người dân về việc không uống rượu bia khi lái xe đã được nâng lên, số lượng vi phạm giảm so với trước khi Nghị định có hiệu lực, ý thức chấp hành yêu cầu kiểm tra cao.
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp
Ai cũng có thể nhận thấy rằng mức chế tài của nghị định 100 là rất nghiêm khắc và bước đầu đưa vào thực hiện có tác động đến ý thức của người dân. Tuy nhiên để đánh giá tính hiệu quả của nó thì cần phải có một thời gian áp dụng cụ thể trong một hoàn cảnh bình thường.
Thời điểm này chúng ta đang tập trung phòng và chống dịch, đồng thời tính toán đến những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các ngành sản xuất để có những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những văn bản pháp luật không phù hợp nữa thì cũng cần phải sửa đổi, đồng thời cần ban hành các cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật phù hợp để kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất sau thời điểm dịch bệnh ổn định.
Mục đích cuối cùng của các văn bản pháp luật cũng như của các hoạt động quản lý nhà nước là để cho các doanh nghiệp phát triển mạnh, có cơ hội phát triển và đóng góp cho xã hội.
Nghị định 100/2019 liệu có phải “thuốc đủ liều” hay vẫn còn quá khắt khe trong các mức xử phạt?
Xin mời bạn đọc cùng bình luận, đưa ra quan điểm của mình về vấn đề “Nghị định 100: Thuốc đủ liều nhưng có phần nghiêm khắc?”
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã được Thủ tướng ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngày 01/01/2020. Nghị định 100 ra đời thay thế Nghị định 46; thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia; bổ sung, quy định nhiều hành vi liên quan đến Luật giao thông đường bộ và Luật đường sắt. Nghị định 100 bổ sung nhiều hành vi và tăng mức xử phạt với 218 hành vi, nhóm hành vi, trong đó tăng mức xử phạt cao với 61 hành vi, nhóm hành vi.
|
BBT Sóng Trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận