Người dân Hà Nội “treo chuồng cọp” trong nhà
(Sóng trẻ) - Những “chuồng cọp, lồng chim" bất đắc dĩ treo lơ lửng ở các khu chung cư cũ không còn xa lạ gì đối với người dân Hà Nội. Mỗi “lồng chim” chỉ khoảng dăm bảy mét vuông nhưng lại giúp cuộc sống sinh hoạt của họ dề thở hơn rất nhiều.
“Lồng chim, chuồng cọp” là những danh từ người ta vẫn thường dùng một cách mỉa mai để chỉ khoảng không gian cơi nới ở những khu tập thể cũ. Ban đầu trông chúng còn lạ lẫm, mất mỹ quan lại nguy hiểm nhưng dần dần, người ta cũng trở nên quen mắt và xem chúng như điều “bao lâu nay vẫn thế”.
Khi những chiếc “lồng” trở thành vị cứu tinh
Bao năm nay hình ảnh những “lồng chim,chuồng cọp” san sát, nhấp nhô, lồi lõm ở các khu tập thể, khu chung cư cũ ở Hà Nội đã trở nên quen thuộc, nhiều người còn nói rằng đó là “đặc sản” của Hà Nội. Còn đối với mỗi hộ dân sinh sống ở đây thì dăm bảy mét vuông chật hẹp ấy lại như “vị cứu tinh” cho họ ở cái nơi “đất chật người đông” như Hà Nội.
"Lồng chim" ở khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy
Nghĩa Tân, Thành Công, Kim Liên, Giảng Võ,.. là những nơi có nhiều khu tập thể cũ xuống cấp, chật hẹp lại đông đúc dân cư. Rất nhiều gia đình phải chấp nhận cảnh sinh hoạt chật chội do có tận 6,7 người cùng chung sống, trong khi đó, diện tích mỗi căn hộ lại chỉ vỏn vẹn có 60 mét vuông. Đối với những hộ gia đình như thế, đôi khi chỉ dăm ba mét cơi nới đã là vô cùng quý giá. Dẫu biết những “lồng chim, chuồng cọp” treo leo giữa trời rất nguy hiểm và trái với quy đinh của đinh của Nhà nước nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã giúp ích rất nhiều cho việc sinh hoạt.
Khoảng diện tích chật hẹp do cơi nới ra đó được người dân tận dụng đến từng xen-ti-mét đất, hộ thì dùng để làm chỗ nấu nướng, phơi phóng, hộ thì dùng để trồng rau,nuôi gà,nuôi chim, có hộ cơi nới rộng hơn một chút còn kê giường ngủ, bàn học, có hộ mua cái máy chạy thể dục xong cũng đành để nó nằm chễm chệ trong “lồng chim”…
Gia đình anh Nguyễn Văn Đông sinh sống ở khu trung cư Nghĩa Đô đã 8 năm nay, nhà anh có 6 người cả già trẻ lớn bé nhưng diện tích chưa đầy 60 mét vuông, vì thế anh đành phải cơi nới thêm. Anh Đông nói: “Nhà anh có 60m2, thêm cái 'chuồng cọp' cũng được hơn chục mét nữa, chỗ đó tôi kê cái giường, một cái máy giặt và một cái tủ lạnh. Tôi thì không thấy nó nguy hiểm gì cả vì đều làm bằng sắt thép rồi khoan sâu vào trong tường cả rồi. Nếu bây giờ mà bỏ nó đi thì gi đình lại chật chội, không có chỗ đi ra đi vào, vợ chồng con cái lại dễ mà xích mích, bất tiện lắm!”
Một góc "chuồng cọp" được dùng để giày dép và đồ đạc trong gia đình
Từ tạm bợ đến kiên cố, chắc chắn
Mỗi chiếc “lồng” như vậy rộng khoảng từ 5-7 mét vuông, tùy thuộc vào ban công của mỗi nhà. Tuy nhiên, càng ngày nó càng được mở rộng thêm do nhu cầu sinh hoạt của người dân, có những “lồng chim” còn rộng tới 11-12 mét vuông, chiếm 1/5 diện tích của cả nhà. Nếu trước đây chúng được cơi nới một cách tạm bợ thì giờ được xây dựng chắc chắn và kiên cố hơn để tránh mưa gió và kê những vật có khối lượng nặng. Những thanh sắt lớn vừa là “cột”, lại cũng là “móng” nhà, các tấm tôn lớn dùng để che chắn thay cho áo mưa hay vải, nhựa như trước.
Một hộ gia đình đang tiến hành xây dựng "lồng chim"
"Lồng chim" được xây dựng kiên cố và chắc chắn hơn trước
Gia đình bác Khuya (khu tập thể Nghĩa Đô) cho biết: “Trước khi làm cái 'chuồng cọp' này, mọi sinh hoạt của nhà chúng tôi bất tiện lắm, muốn mua thêm cái giường cái tủ cũng không biết để đâu, họ hàng dưới quê lên thăm không có chỗ ngủ lại. Xây thêm được cái “chuồng” này cũng được 4-5 năm rồi. Nhà tôi kê được cái giường ngủ, với cái máy tập thể dục. Trông nhỏ nhỏ thế thôi nhưng có ích lắm đấy!”
Giường ngủ và máy chạy thể dục trong "lồng chim"
Giữa mảnh đất thủ đô hào nhoáng, tráng lệ với những ngôi biệt thự trăm tỉ rộng thênh thang hay căn hộ chung cư cao cấp, sang trọng vẫn có đâu đó dăm bảy mét vuông quý giá như vậy và cái dăm bảy mét vuông ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của nhiều người dân Hà Nội.
Nguyễn Thương
Báo Mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận