Người giữ bình yên cho những chuyến tàu Tết

(Sóng trẻ) – Trên những chuyến tàu Tết nối Bắc – Nam, nụ cười của em nhỏ, cái vẫy tay của mọi người cũng trở thành món quà tinh thần lớn đối với những người gác chắn tàu.

Thức trắng đêm cùng những chuyến tàu

Hằng đêm, những chuyến tàu cứ mải miết lăn bánh, và có những con người cứ trông ngóng, âm thầm thức trắng đêm để đợi tàu. Từ đằng xa, nghe tiếng còi tàu ra tín hiệu, họ lại xuống đường, giờ cao đèn bão cảnh giới và điều khiển giàn chắn đường ngang. Ngày nào cũng với từng đó công việc nhưng mỗi ngày đều trải qua những cảm xúc mới với những nỗi niềm khó dứt.

Đêm 29 Tết, có mặt tại gác chắn tàu trên tuyến đường Hùng Vương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, tôi có dịp gặp gỡ anh Tạ Quang Hiến – một nhân viên gác tàu đã có gần 16 năm kinh nghiệm. Theo lời anh Hiến, mỗi tuần một nhân viên sẽ trực 5 ca và luân phiên thay đổi người theo ca trực.

Khi được hỏi về lý do đến với nghề, anh chỉ nghĩ đơn giản: “Tôi cho đó là cơ duyên của cuộc đời. Bố tôi hồi trước cũng làm nghề này và tôi biết nhiều hơn về nghề qua lời kể của bố. Dần dần thấy yêu nghề hơn, thấy mình làm việc nhỏ, giản đơn thôi nhưng thấy rất vui và ý nghĩa”.

Nghề gác chắn tàu vốn không đòi hỏi nhiều kĩ thuật song lại đi liền với đó nhiều mối hiểm họa, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Người làm nhiệm vụ cũng phải là những người kiên nhẫn và thực sự bình tĩnh trước mọi tình huống.

1-1.jpg
Người lặng thầm giữ bình yên cho những chuyến tàu (Ảnh: Hà Trang)

Anh Hiến tâm sự: “Ngồi cả ngày ngay sát mặt đường chính, chúng tôi tiếp xúc với bụi đường, tiếng còi và nhiều hiểm họa từ giao thông. Nhiều khi chứng kiến xe cộ va vào nhau, họ cãi vã rồi mình cũng ra can ngăn, giúp đỡ. Có những người đi đường vội vàng, cố tình lách qua thanh chắn cho bằng được, không đưa thanh chắn lên họ còn quát, tỏ ra cáu gắt, những lúc đó chúng tôi cũng phải đứng ra giải quyết”.

“Thu nhập cũng chỉ đủ sống, chẳng dư dả gì. Nghề này với nam cực 1 thì các chị em phụ nữ khổ 10 vì lịch làm việc phải trực ca đêm, thức khuya nhiều làm rối loạn giờ sinh học, nhiều đồng nghiệp của tôi mắc chứng ù tai, viêm xoang” - Anh chia sẻ thêm.

Tàu Tết mang xuân đến muôn nơi

Tết đến, xuân về, những chuyến tàu vẫn lăn bánh đi đến mọi miền của Tổ quốc. Anh Hiến ngồi trầm ngâm trong căn phòng trực nhìn ra đường phố đầy xe cộ, nhìn về phía xa xăm nơi có những chuyến tàu sắp đến. Tại tuyến đường huyết mạch của thành phố, người đi chơi đêm giao thừa bao giờ cũng đông nghịt.

Anh tâm sự: “Trong suốt 16 năm gắn bó với nghề, tôi chưa lần nào đón giao thừa với gia đình. Năm nào vào đúng giờ này, tôi cũng đang ở chỗ gác. Những năm đầu vào nghề, khi còn trẻ có lúc cảm thấy buồn lòng vì ai ai cũng được về nhà, cũng ở cạnh người thân. 16 năm, 16 cái Tết đặc biệt, giờ tôi quen hơn, nó đã trở thành một phần của cuộc sống đời thường”.

Nửa chừng cuộc trò chuyện, chuông điện thoại vang lên. Anh Hiến bắt máy rồi cùng đồng nghiệp khẩn trương xuống đường. Những người làm nhiệm vụ ngay lập tức điều khiển giàn chắn đường ngang, ngăn mọi người lại ở khoảng cách an toàn. Tiếng còi tàu cùng tiếng còi xe cộ vang lên đồng thời như thay những lời chào, lời chúc đầu năm mới.

2-1.jpg
Chuyến tàu đêm 29 tết (Ảnh: Hà Trang) 

Anh Hiến và đồng nghiệp cười thật tươi, vẫy tay chào cả đoàn tàu. Anh chia sẻ: “Ngày Tết, tàu vẫn chạy, có chuyến ra Bắc, có chuyến vào Nam, điều đặc biệt là cứ đến đêm giao thừa, người lái tàu sẽ để còi tàu kêu thành tiếng dài khi đi qua các đoạn gác chắn để chào mọi người. Đó là một thông lệ và là niềm vui với anh em chúng tôi”.

Những ngày đầu năm mới, các cán bộ, nhân viên ngành đường sắt Việt Nam đến tận mỗi điểm gác chắn tàu gửi lời thăm hỏi, động viên nhau. Người dân địa phương quanh đây xem những người làm công việc này như những người hàng xóm thân cận, Tết đến họ ghé sang nhà nhau chơi và đến tận điểm gác để trò chuyện.

Những tâm sự ngày đầu năm mới

Nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi những nỗ lực nhất định, nghề chân chính nào cũng đáng quý. Với những người lính gác chắn tàu, công việc của họ dù nhỏ bé nhưng đóng vai trò vô cùng to lớn, canh giữ sự bình yên cho muôn vạn chuyến tàu.

Dọc khắp dải đất hình chữ S, có hàng nghìn điểm chắn tàu như thế. Ở đó, họ vẫn đang thầm lặng làm việc, theo dõi những chuyến tàu với thái độ nghiêm túc và kỉ luật cao. Anh Hiến chia sẻ: “Cái tâm trong nghề này là điều quan trọng nhất. Phải luôn đúng giờ và kịp thời. Vốn dĩ công việc không quá khó để thực hiện nhưng lơ là, cẩu thả là không được. Bảo vệ tàu là nhiệm vụ của chúng tôi mà”.

Mỗi sớm thức dậy, có hàng nghìn người cũng đang làm những công việc vô cùng giản dị. Nghề nghiệp của họ không quá cao sang, cũng chẳng có lương cao, bổng lộc đầy mình nhưng họ luôn tràn đầy tinh thần trách nhiệm.

Anh Hiến tâm sự: “Tôi đi trực đêm nhiều nên thường xuyên gặp các chị lao công. Các chị cũng làm cái nghề “thức trắng” như tôi và tôi thấy đồng cảm. Có những người rất trẻ, cũng có những người đã có tuổi nhưng ai cũng hăng say làm việc, không nề hà gì. Nghề nào nghiệp đó, ngành tôi cũng có đặc thù và nghề khác cũng thế. Tôi quan niệm chỉ cần làm thật tốt công việc của mình đã là đóng góp cho xã hội”.

Phút giao thừa, những người gác tàu xúc động ngồi lại cùng nhau. Họ nâng ly trà thay cho ly rượu chúc, tạm quên đi những ưu phiền, nhọc nhằn của cuộc sống để tận hưởng trọn những niềm vui hân hoan cùng người dân cả nước.

3.jpg
Những người gác tàu trao nhau lời thăm hỏi, động viên đầu năm mới (Ảnh: Hà Trang)

Trên những đôi mắt thâm quầng vì thức đêm, tôi vẫn thấy niềm vui, sự phấn khởi, tinh thần nhiệt huyết của. Sự bình yên của những chuyến tàu không ở đâu xa mà nằm ở cái “tâm” trong tim những người lính gác chắn tàu.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN