Nhà trọ mùa cao điểm - Nỗi trăn trở của chủ và người thuê
(Sóng trẻ) - Tìm trọ luôn là vấn đề nan giải của nhiều người dân, đặc biệt là các tân sinh viên, người lao động thu nhập thấp. Xung quanh câu chuyện tìm trọ là những vấn đề cần tìm lời giải đáp với vô vàn các vấn đề tiêu cực còn tồn đọng.
"Bài toán" về giá thành
Hiện nay, đứng trước tình trạng nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, người dân thuê trọ luôn có xu hướng mong muốn tìm được những căn trọ rẻ về giá thành, tốt về chất lượng. Đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều chủ trọ đã và đang cải tiến khu trọ của mình đạt chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều chủ trọ lại lợi dụng chính tâm lý “ham rẻ” để thực hiện những chiêu trò lừa đảo, gia tăng những khoản phí dịch vụ phát sinh, nhằm kiếm lợi nhuận nhiều hơn từ người đi thuê.
Nhiều người dân đi thuê trọ rơi vào những chiếc “bẫy” vô hình mà không hề hay biết. Bạn Đức Minh, sinh viên tại trường Cao đẳng FPT là một trong những nạn nhân của “phi vụ” lừa đảo tinh vi này. Đức Minh cảm thấy hoang mang khi sau 2 tháng ở trọ, tiền phòng nhảy vọt lên một cách bất ngờ so với hợp đồng đã ký từ trước mà không rõ nguyên nhân. “Không chỉ riêng mình mà còn cả một vài phòng khác cũng gặp phải tình trạng này. Có trường hợp còn bị đuổi và không được trả cọc. Tiền phòng từ 3.800.000 đồng bị đẩy lên thành 4.800.000 đồng, đồng thời tiền điện tăng lên thành 4000đ/kWh. Cuối cùng mình và bạn không đủ khả năng chi trả nên phải tìm và chuyển gấp sang trọ khác trong vòng 10 ngày”, bạn bức xúc.
Không chỉ riêng Đức Minh, Trần Giang (sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng đau đầu vì vấn đề tìm trọ. Giang chia sẻ bản thân bạn cũng gặp nhiều khó khăn khi ở phòng trọ cũ: “Phòng hiện tại mình đang ở có giá là 3.800.000 đồng, giá thành không đi đôi cùng chất lượng nhưng do gần trường nên mình quyết định thuê. Tuy nhiên, sau một thời gian, chúng mình quyết định tìm chỗ khác vì chủ trọ thường xuyên có những khoản phí “không tên”, không hề có trong hợp đồng. Không chỉ vậy, mình không có sự riêng tư khi chủ trọ thường xuyên tự ý mở cửa vào phòng”.
Tại khu trọ của Trần Giang, ngoài việc phát sinh những khoản phí không tên, chủ trọ còn hay tăng giá phòng để đuổi người thuê cũ ra khỏi phòng và cho người mới vào thuê với mức giá cao hơn nhằm thu thêm lợi nhuận. Hành vi này của chủ trọ khiến cuộc sống của những người đi thuê trọ, đặc biệt là các bạn sinh viên gặp nhiều trở ngại lớn.
Mặt khác, hiện nay, nhiều chủ trọ có sự đồng cảm với những người phải đi sinh sống ở nơi “đất khách quê người”. Họ đã và đang dần tiếp thu những nhu cầu của người dân để diều chỉnh giá thành hợp lý. Tại khu vực ở Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm,... các khu trọ, chung cư mini thiết kế tiện nghi, có đầy đủ những nội thất cơ bản như: giường ngủ, tủ quần áo, bàn ghế,... với mức giá dao động từ 3.000.000 đến 5.000.000/đồng một tháng tùy theo diện tích phòng. Hành động này của các chủ trọ mở ra tia hy vọng cho những người đang mong muốn có một chỗ ở hợp lý.
"Thước đo" cơ sở vật chất
Không chỉ riêng giá thành là điều đáng lưu tâm, chất lượng căn phòng còn là điều đáng lo ngại. Hiện nay, để thuê được một căn phòng tốt, đạt chất lượng, người dân phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Đối với những người không đủ điều kiện thuê những căn phòng, họ chấp nhận sống trong những căn hộ có phần chật hẹp với mức giá thấp hơn. Gia đình 3 người của chị Lê Hồng (28 tuổi) chính là một ví dụ diển hình.
Hai vợ chồng chị Hồng hiện là công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long với mức lương khá khiêm tốn. Gia đình chị đang thuê một phòng trọ nhỏ giá 1.500.000 đồng/ tháng. Hàng tháng, gia đình chị trả thêm 500.00 đồng tiền điện nước và các khoản phí sinh hoạt khác. Chị Lê Hồng cho biết, vợ chồng chị có thể cố gắng xoay sở được với số tiền đó. Mặc dù tiền điện nước khá cao nhưng đổi lại, chủ trọ rất quan tâm đến người thuê. Chủ nhà biết mọi người sống trong khu này đều là dân lao động khó khăn nên từ trước đến nay chưa bao giờ tăng tiền nhà.
Câu chuyện sống trong một căn phòng chật hẹp do điều kiện kinh tế không chỉ là câu chuyện của riêng gia đình chị Hồng. Sống bằng nghề giao hàng với đồng lương ít ỏi, Nguyễn Kiên (22 tuổi, Nam Định) chỉ có thể thuê một căn trọ nhỏ cùng với anh trai. Kiên cho biết, hàng ngày, bản thân phải chi tiêu tiết kiệm để có thể gửi tiền về cho bố mẹ ở quê và lo liệu phí sinh hoạt cho bản thân.
“Thật lòng tôi cũng muốn tìm một căn phòng rộng hơn ở một khu phố tiện nghi, tuy nhiên điều kiện tài chính không cho phép. Hiện tại, căn phỏng thuê của tôi có giá 1.500.000 đồng/tháng cùng với chi phí điện nước thấp. Với tôi, mức giá này khá hợp lý. Căn phòng nhỏ hẹp một chút nhưng có chỗ để nghỉ ngơi sau một ngày lao động cực nhọc vẫn tốt hơn”, anh Kiên tâm sự.
Có thể thấy những căn phòng trọ lụp xụp, chật hẹp ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, họ không thể chuyển đến một nơi khác có điều kiện tốt hơn. Điều này về lâu dài sẽ gây nên nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống.
Bài học sau nhiều tai nạn
Bên cạnh những vấn đề tiêu cực, nhiều nhà trọ hiện nay cũng đã cải tiến theo hướng tích cực để phục vụ nhu cầu khắt khe của người dân. Nhiều khu trọ đang có sự cải tiến về nhiều mặt như cơ sở vật chất, an ninh, dịch vụ và công tác phòng cháy chữa cháy. Theo khảo sát, các khu trọ có xu hướng xây dựng theo không gian mở, thoáng đãng hơn tại những ngõ lớn, thuận tiện cho nhiều loại phương tiện giao thông phòng những trường hợp cấp bách. Bên trong mỗi phòng trọ, hành lang đều có lối thoát hiểm cũng như được trang bị các phương tiện giúp ích cho công tác phòng cháy chữa cháy.
Rút kinh nghiệm từ những sự việc từng xảy ra trước đó, nhiều chủ trọ e ngại với việc khách thuê trọ sử dụng xe điện. Ông Nguyễn Thể - chủ một khu trọ 4 tầng tại phố Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đối với tôi, việc cho gửi xe điện ở trong nhà là một điều đáng lo ngại. Sự cố cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi cũng không mong muốn xảy ra những tai nạn như vậy, do đó tòa nhà cho thuê của tôi không nhận xe điện để đảm bảo cho khách thuê trọ”, ông Thể thẳng thắn chia sẻ. Tuy nhiên, chính vấn đề này lại khiến nhiều sinh viên đang sử dụng xe điện gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được một căn phòng ưng ý.
Không chỉ riêng ông Nguyễn Thể, nhiều chủ trọ ở những khu vực khác cũng có chung tâm lý lo sợ việc cháy nổ, hỏa hoạn. Thậm chí, chị Vũ Hạnh - chủ của một khu trọ tại Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) còn đưa ra quy định từng phòng trọ cần hạn chế việc nấu ăn trong phòng, đặc biệt là nấu bằng bếp ga. “Đối với những phòng có ban công, khách thuê có thể mang dụng cụ ra ngoài nấu với điều kiện phải đóng cửa ban công, phòng trường hợp khói và mùi lan vào phòng”, chị Hạnh cho hay.
Không chỉ công tác phòng cháy chữa cháy được bảo đảm và thực hiện một cách nghiêm ngặt hơn, các chủ trọ còn rất quan tâm đến công tác an ninh của nhà trọ. Phần lớn, các nhà trọ đều được xây dựng ở những khu chợ, khu tập thể đông đúc hay những cung đường lớn, các khu trọ được lắp đặt hệ thống camera ở hành lang và trong thang máy. Điều này khiến người dân sống tại những khu trọ đó cảm thấy an toàn, yên tâm hơn.
Hện nay, nhiều khu trọ có sự cải thiện, nâng cấp về cơ sở vật chất, điều chỉnh về giá thành nhưng những vấn đề tiêu cực vẫn còn tồn tại nhiều. Đây cũng chính là một vấn đề khá khó khăn, nan giải cần tìm cách giải quyết để đời sống của nhân dân tốt đẹp hơn.