Nhập nhằng đất công, đất tư?
(Sóng trẻ) - Ngày 23/09, ở khu vực trước cửa Toyota Mỹ Đình, Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), xuất hiện một bàn thờ cùng với các vòng hoa và biển tố cáo về việc nhập nhằng trong thu hồi đất ở huyện Từ Liêm (cũ). Người lập ra bàn thờ cùng vòng hoa và biển tố cáo này là bà Vũ Thị Lan (trú tại tổ 10, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm), do bà quá bức xúc vì cho rằng chính quyền đã thực hiện sai khi cưỡng chế thu hồi đất của bà.
Bàn thờ có đủ hương hoa do bà Vũ Thị Lan lập ra bày tỏ nỗi bức xúc khi bị cưỡng chế lấy đất
Bà Vũ Thị Lan cho biết, diện tích đất mà hiện bà đang đặt giường nằm, bày biện bàn thờ và vòng hoa là phần đất còn lại sau khi đường 32 xây dựng xong. Trước đây, vào năm 2009, UBND huyện Từ Liêm ra quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất để nâng cấp quốc lộ 32 đối với phần đất ven mương của gia đình bà Lan cùng 9 hộ dân xung quanh. Khi đó, gia đình bà cùng các hộ dân khác đang canh tác trên diện tích đất đó, nên được bồi thường tiền của cải hoa màu nhưng không có quyết định bồi thường đất. Theo đó, UBND huyện cho rằng phần đất xen kẹt giữa mặt đường và nhà máy Z157 này là do các hộ dân đã tự ý tăng gia trên đất giao thông thủy lợi.
Các vòng hoa đặt xung quanh khu vực đất bị cưỡng chế khiến không khí nặng mùi oan ức, đáng sợ
Về phần bà Lan, bà cho hay: “Người sử dụng đất từ trước ngày 15/10/1993, không có các loại giấy tờ nhưng được cấp phường công nhận không có tranh chấp là đất của người dân”. Tuy nhiên, sau khi quốc lộ 32 hoàn tất xây dựng, phần đất thừa còn lại không thuộc phạm vi làm đường không được trả lại cho người dân.
Ngày 24/3/2014, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 1595/QĐ-UBND thu hồi và giao hơn 2700 mét vuông đất (bao gồm phần đất của bà Lan) cho nhà máy Z157 quản lý, biến khu đất đó thành “đất lưu không”. Do nhận thấy phần đất đó là đất cũ của mình, bà Lan quay lại sử dụng. Tuy nhiên, chính quyền không đồng ý với cách làm của bà, hủy phần hoa màu bà canh tác (8/5/2014). Phần đất ấy sau đó được lát bê tông sạch sẽ, không còn đất tự nhiên dùng cho trồng trọt nữa.
Bà Lan đặt các bức “tâm thư” hướng ra mặt đường để người dân có thể hiểu thấu lòng bà
Từ đó đến nay, bà Lan đã đâm đơn kiện lên nhiều cấp chính quyền nhưng chưa lần nào được giải quyết thỏa đáng. Lần nào bà cũng chỉ nhận được câu trả lời ậm ừ, lờ đi không trả lời hoặc đổ lỗi cho cấp khác từ các lãnh đạo cấp xã phường cho đến cấp thành phố.
“Thành phố người ta trả lời có văn bản, nhưng không trả lời là của dân thì trả cho người dân, chỉ trả lời là công nhận thế (tức đất bà Lan sử dụng trước năm 1993 là hợp pháp - PV), nhưng quận Bắc Từ Liêm thu hồi đất là đúng. Nói thế hóa ra dân lúc nào chẳng sai”. Mặc dù được sự giúp đỡ của các luật sư, sự vào cuộc của các nhà báo nhưng dường như chưa có tín hiệu tích cực cho trường hợp của bà.
Bên cạnh việc theo đuổi các đơn kiện, bà Lan cùng 9 hộ dân cũng thực hiện các biện pháp khác. Bà từng đặt xe đạp cũ, container tại phần đất ấy nhưng sau đó bị UBND phường Phú Diễn xử phạm hành chính vì “chiếm một phần diện tích đã được UBND thành phố Hà Nội giao cho nhà máy Z157 quản lí…” và “cản trở việc sử dụng đất của đơn vị”.
Container mà bà Lan dựng lên đã bị phạt vì làm cản trở hoạt động sử dụng đất của nhà máy Z157
Được biết, việc dựng bàn thờ và giường nằm mới đây bà Lan thực hiện từ ngày 14/9. Bà phân trần rằng không thiếu thốn, nhưng công lý thì phải đòi. Cả con trai, con gái bà đều ủng hộ.
Hoài Thu
ĐPT K34 A2