Những rổ Nấm trên đường mò
(Sóng trẻ) - Những thân hình nhỏ bé gầy gò, những gương mặt nhem nhuốc vì bụi đất và mồ hôi với ánh mắt chờ đợi đầy hi vọng là ấn tượng khó phai trong tôi khi nhớ về những đứa trẻ bán nấm dọc đường mòn Hồ Chí Minh.
Chúng tôi chạy xe trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại từ xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình về trung tâm thành phố Đồng Hới. 3h chiều cái nắng chói chang vàng như mật cứ rọi vào mặt bỏng rát, con đường thưa vắng người đi lại và xe chúng tôi cũng phóng nhanh hơn chạy trốn sức nóng mặt trời.
Hai bên đường những rừng cây cũng xơ xác hơn dưới cái nắng. Phải đi rất lâu chúng tôi mới lại nhìn thấy vài ba nóc nhà dựng một cách tuềnh toàng, tạm bợ. Cảnh tiêu điều, vắng lặng như càng hiện rõ hơn trong lúc này.
Dưới cái nắng như thiêu như đốt ấy và dọc con đường mòn này, có rất nhiều trẻ em bán nấm, cứ khoảng vài cây số lại có một tốp chừng chục em trên tay bưng rổ nấm đứng bên đường chờ khách dừng lại mua. Các em đều là người địa phương tranh thủ lúc chăn bò đi hái nấm bán kiếm thêm chút ít phụ giúp gia đình.
Những đứa trẻ bán nấm dọc đường mòn Hồ chí Minh
Chúng tôi dừng lại cạnh một tốp để mua nấm ăn thử cho biết “vị miền Trung” như lời một thành viên trong đoàn quê Quảng Bình giới thiệu. Vừa thấy chúng tôi, những đứa trẻ ùa đến, rối rít mời chào: “mua nấm đi cô, 15 nghìn một rổ…20 nghìn một rổ thôi…nấm tươi vừa hái xong”, rồi mấy đứa nhỏ chìa cả năm, bảy rổ nấm trước mặt chúng tôi. Bọn trẻ đứa nào cũng một dáng gầy gò, mặt mày nhem nhuốc, da cháy sạm vì nắng, những giọt mồ hôi còn lăn dài trên trán và thấm ướt cả manh áo sờn vai vá chằng vá đụp, chân tay thì nhằng nhịt những vết xước đang tứa máu vì gai rừng cào. Chúng tôi xót lòng hiểu những rổ nấm các em kiếm được thật vất vả và chẳng hề dễ dàng. Đó là thứ hàng hóa được đánh đổi bằng công sức, bằng máu của một tuổi thơ nhọc nhằn. Nhưng cũng không vì thế mà nó được cân đo đong đếm thật chi li, nấm được bán theo rổ, theo chất lượng nấm, rổ to, nấm nn, ít gốc thì 20-30 nghìn một rổ, rổ bé, nấm nhỏ thì 15-20 nghìn, đó là chưa kể nếu dễ mua người bán còn thảo lòng cho thêm.
Cảnh bán nấm cho khách dọc đường
Các em hái nấm bán dọc đường mòn này đã lâu, có nhiều hôm nấm hái được nhiều nhưng chẳng có người mua, bọn trẻ lại đành lòng mang về ăn cho đỡ tiếc công, tiếc của “trên mâm cơm chẳng mấy ngày là không có nấm rừng”, nghe các em kể mà thấy đắng lòng.
Nói thật nếu từng một lần thử ăn thứ nấm này tôi không dám chắc sẽ có người muốn ăn thêm lần nữa. Nấm nấu lên nhão ra, nhìn chẳng hề “nn mắt” lại cộng thêm cái vị đắng ngón, vừa bỏ vào miệng đã đắng, đắng từ đầu lưỡi đến cuống họng, quả thực rất khó ăn. Ấy vậy mà nó lại là loại đồ ăn làm ấm lòng những người dân nơi đây mỗi khi thiếu đói, nó là thứ những đứa trẻ kia vẫn ăn qua ngày.
Có lẽ vị đắng của nấm rừng so với cái khó, cái khổ, cái đắng cay trên dải đất nghèo này chẳng thấm thoát gì.
Chia tay những đứa trẻ bán nấm, chúng tôi tiếp tục hành trình của mình mình với những túi nấm mang theo, chúng tôi không biết liệu có thể ăn hết số nấm rừng đắng ngón đã mua không chỉ biết bữa cơm chiều nay của những em nhỏ bán nấm ấy sẽ không còn đắng nữa.
Như Quỳnh
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận