Ngôn ngữ mạng tự do có quá giới hạn?
(Sóng trẻ) - Thế giới mạng đang tạo ra một môi trường tự do cho tất cả mọi người thể hiện ý kiến, quan điểm của mình. Tuy nhiên, nhiều người đang lạm dụng điều này và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Tự do
Ai cũng có quyền tự do ngôn luận để bày tỏ ý kiến, nói ra suy nghĩ của mình. Bạn có thể nhận xét người khác theo kiểu: Bạn mặc bộ quần áo này xấu lắm, tóc mới của bạn nhìn già như 50 tuổi ấy; bạn chẳng làm được gì nên hồn đâu... Nhưng khi bạn nói thế đã bao giờ bạn nghĩ đến người đối diện bạn bị tổn thương như thế nào chưa?
Gần đây, dư luận rất xôn xao với “Những kẻ lắm lời”. Sau khi bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngừng phát hành vì có nội dung phản cảm, talkshow này đã trở lại với tên gọi và hình thức mới.
MC Thùy Minh mở đầu cho show bằng lời khẳng định: "Nhân danh 43.000 người theo dõi trên Youtube của Những kẻ lắm lời, chúng tôi quyết định trở lại". Với số lượng lớn người truy cập hàng ngày trên youtube thì không biết sự nhân danh này còn tăng lên bao nhiêu. Nhưng có vẻ theo lời nói của MC, sự quay trở lại là hợp tình hợp lý dù cơ quan chức năng không biết yêu cầu tạm dừng phát hành đến bao giờ.
Talkshow vẫn giữ gần như nguyên vẹn format cũ của “Những kẻ lắm lời”. Trong hai phần của tập đầu tiên, họ bàn luận về những chủ đề chính trị, xã hội, văn hóa... đang được quan tâm trên mạng xã hội như: chiếc váy hở bạo của Ngọc Trinh, Oanh Yến đi thi "chui" và bị phạt...
Việc phát hành này quả thật đơn giản, chỉ cần đổi tên là xong. Nó cũng tương tự như việc tổn thương người khác trong xã hội hiện nay. Làm chương trình bàn luận, chỉ trích chẳng biết phản cảm hay không rồi click chuột, bình luận chẳng biết có gây tổn thương hay không. Ngôn ngữ hiện nay được dùng quá dễ dàng, bừa bãi mà không lường trước được hết các hậu quả sau đó.
Những bình luận trên mạng đang gây tổn thương ngày càng nhiều. Ảnh minh họa
Người trẻ đang hứng chịu những gì?
ChildLine – một tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên giải quyết những vấn đề của người trẻ đã đưa ra một thống kê đáng kinh ngạc vào năm nái: từ năm 2012 tới 2013, các cuộc gọi và email yêu cầu được giúp đỡ liên quan tới xúc phạm trong thế giới ảo tăng tới 87%. Nếu tính đến năm 2015, số lượng người này sẽ tăng lên bao nhiêu?
Một phân tích tổng hợp cho thấy, lần đầu tiên tỷ lệ tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng nhiều hơn đáng kể so với bị ức hiếp trực tiếp. Và một nghiên cứu khác vào năm 2014 chỉ ra rằng sự sỉ nhục mang lại cảm giác mạnh hơn cả hạnh phúc và tức giận.
Họ nói những điều họ nghĩ nhưng lại không biết những lời nói ấy tác động đến cuộc sống của người khác như thế nào. Monica Lewinsky- nhân vật chính trong scandal tình ái của tổng thống Mỹ Bin clinton gần đây đã chia sẻ: “Vào năm 1998, khi vụ scandal của tôi xảy ra, lần đầu tiên internet đã soán ngôi của các kênh cung cấp tin tức truyền thống. Chỉ bằng một cú click chuột các bạn có thể biết tất cả thông tin chi tiết về tôi. Năm 1998, tôi mất hết danh dự và nhân phẩm. Tôi mất tất cả mọi thứ và gần như mất cả cuộc đời của mình.”
Internet đang tạo nên một thế giới phẳng, mọi người trên khắp thế giới được kéo gần nhau hơn, tuy nhiên hiện nay ngôn ngữ đang mất dần sự kiểm soát và hậu quả là con người càng dễ bị tổn thương hơn.
Còn bạn, bạn thấy thế nào về tự do của ngôn ngữ mạng hiện nay? Hãy để lại ý kiến bình luận của bạn ở phần bên dưới.
Thu Hà, Thu Hằng, Thùy Dương
Hoàng Sơn, Phạm Hường
Báo Mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận