Nỗi lòng của giáo viên dạy trẻ tự kỷ
(Sóng trẻ)- Mỗi nghề đều có những nỗi vất vả riêng với mức độ nặng nhẹ khác nhau, nghề dạy trẻ tự kỷ không chỉ là giáo viên dạy học, là bác sĩ chưa bệnh mà còn giống như cha mẹ dìu dắt con bước từng bước đi.
“Duyên” và “tâm” trong nuôi dạy trẻ tự kỷ
Đối với những trẻ phát triển bình thường, giáo viên khi lên lớp đều có giáo án cụ thể bởi hầu hết nhận thức của các bé đều giống nhau. Tuy nhiên, với trẻ tự kỷ các cô không hề có giáo án trước mà đòi hỏi phải có sự đánh giá đúng về tình hình của trẻ, để từ đó xây dựng giáo án riêng phù hợp với từng trường hợp.
Mỗi trẻ là một cá thể khác nhau, một cá tính và có những biểu hiện đặc trưng ra bên nài khác nhau. Việc tương tác với trẻ là vô cùng khó khăn, phải có cách nhìn nhận và đánh giá đúng để có thể áp dụng những biện pháp phù hợp giúp trẻ tiếp nhận bài một cách tốt nhất.
“Đôi khi có bé phản ứng quá khích khi tiếp xúc với người lạ như: nhổ bẩn, chạy lung tung, thậm chí còn đánh cô ngay lập tức…với người đã dạy lâu thì đã quen nhưng với những cô mới đi làm sẽ cảm thấy tổn thương, thất vọng và chán nản”, cô Vân Anh tại trung tâm dạy trẻ tự kỷ tâm sự.
Các con tham gia sinh hoạt cộng đồng vui vẻ tại trung tâm dạy trẻ tự kỷ Sao Mai (nguồn internet)
Việc dạy trẻ mệt “một” thì dạy trẻ tự kỷ phải mệt “mười”, trẻ bình thường nhận thức nhanh cũng phải mất một thời gian nhất định mới hiểu vấn đề, với trẻ tự kỷ phải mất vài tháng là chuyện bình thường. Chính vì thế, sự kiên trì, nhẫn nại, đặc biệt là tấm lòng bao dung yêu thương các con tha thiết mới có thể vượt qua thách thức này.
Các cô còn phải chạy đua với thời gian “vàng” của trẻ, đối với trẻ tự kỷ trước 3 tuổi là khoảng thời gian tốt nhất để dạy, để trao kiến thức giúp trẻ nhận thức được căn bản cuộc sống. Nếu như trẻ đã vượt ngưỡng 5 tuổi, thời điểm này độ khó được tính bằng cấp số nhân khi đánh giá về mức độ có thể tiếp nhận được kiến thức của bé.
Mỗi cá thể trẻ là một thế giới khác nhau, đòi hỏi các cô phải biết đánh giá đúng mức độ, phải biết “tùy cơ ứng biến” đối với từng trường hợp và hơn hết phải biết tương tác một cách linh hoạt để trẻ không có những phản ứng quá khích xảy ra.
Trong vô vàn những khó khăn đặt ra nhưng đối với các cô dạy trẻ tự kỷ này vẫn luôn luôn có niềm vui, niềm hạnh phúc đến từ chính các con để có thể tự tin bước tiếp. Cô Thu Trà giáo viên dạy trẻ tự kỷ có chia sẻ:
Để đến được với nghề này đầu tiên đó phải là chữ Duyên, cái duyên với nghề và cái quan trọng hơn nữa là cái “Tâm” yêu thương, muốn giúp đỡ những số phận không may mắn được hòa nhập một phần nào đó với cuộc sống này.
“Dù là căn bệnh quái ác nhưng các con cũng có nét đáng yêu riêng có, đó là sự chân thật một cách giản dị, các con không hề biết nói dối hay nịnh bợ ai đó, đôi mắt thì luôn hiện lên sự trong sáng tinh khiết. Khi con làm được một hành động nhỏ như gọi được tên cô sau 1 tháng dạy, nó đã khiến cô vui mấy ngày liền” cô Trâm nghẹn ngào tâm sự.
Nhọc nhằn nghề nuôi dạy trẻ tự kỷ
Đây là công việc đem lại tương lai mới cho trẻ, bởi vậy mà các cô luôn được gia đình các con đặc biệt quan tâm, ưu ái, tạo nhiều điều kiện tốt để cô trò được thoải mái nhất. Tuy nhiên, không ít những gia đình đặt tiêu chuẩn nhận thức của con sau 1, 2 tháng phải biết làm cái này, cái kia hoặc khi con đã biết được một số thứ cơ bản thì yêu cầu phải cao hơn. Áp lực thêm đè nặng, điều này khiến cho không ít cô chán nản, có ý nghĩ từ bỏ nghề.
Cô Phạm Thị Trang tại Trung tâm dạy trẻ tự kỷ tâm sự:
Với cái giá 150 nghìn trả cho một tiết học khoảng một tiếng là nhiều hay ít? Nếu với trẻ nhận thức bình thường thì giá này là cao, nhưng với một đứa trẻ giống như trang giấy trắng, trang giấy này không nằm im, không phải đặt đâu ngồi đấy, nói gì biết đấy, bảo gì làm theo thì việc dạy với mức chi trả đó đâu có phải nhiều.
Hiện nay, ở nước ta số lượng giáo viên lựa chọn theo nghề dạy trẻ đặc biệt còn đang rất hạn chế, trong khi đó số lượng trẻ mắc bệnh lại tăng rất nhanh. Chính vì thế, cần phải có những giải pháp tạo điều kiện hơn về thời gian cũng như tiền lương để hỗ trợ một phần nào đó trước sự vất vả, nhọc nhằn và công sức của các cô bỏ ra.
“Thực sự tôi rất khâm phục và biết ơn các cô, điều mà những người bố, người mẹ chúng tôi không làm được. Tôi đã sốc và vỡ òa trong hạnh phúc khi nhìn thấy sự thay đổi, sự tiến bộ vượt bậc của con”, cô Tâm mẹ bé Thành 3 tuổi bị mắc bệnh tự kỷ từ rất sớm nghẹn ngào tâm sự.
Đào Hiền
Báo ĐPT k34a1
Cùng chuyên mục
Bình luận