Nữ điều dưỡng trưởng thành từ tâm dịch

(Sóng trẻ) - “Bạn còn trẻ, lại có trái tim lương thiện, bạn còn sợ cái gì?” - đó là dòng trạng thái mà nữ điều dưỡng trẻ Tường Thị Phương - cựu sinh viên trường Đại học Điều dưỡng Nam Định chia sẻ trên trang cá nhân của mình khi quyết định tham gia chống dịch tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

image3.jpg
Chị Phương (thứ hai từ trái sang) trong buổi lễ xuất quân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: NVCC)

 

Chỉ hai tháng sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về từ tâm dịch Bắc Giang, cô gái trẻ với vóc người nhỏ nhắn chỉ cao có 1m52, nặng 43kg lại tiếp tục khăn gói Nam tiến cùng đoàn Đại học Điều dưỡng Nam định, quyết tâm đóng góp sức trẻ vào công cuộc chống dịch.

“Mệt thể xác nhưng không mệt tinh thần”

Trong đợt đại dịch bùng phát lần thứ tư, Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh dịch bệnh hoành hành mạnh mẽ với số người mắc Covid-19 không ngừng tăng lên. Đảm nhận nhiệm vụ xét nghiệm sàng lọc và tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân, chị Phương chia sẻ: “Có lần mình làm ở bên tiêm chủng tại điểm tiêm trường cấp 2 Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ngày hôm ấy tổng tiêm được 700 mũi mà chỉ có hai người tiêm, hai bàn tiêm với ba bác sĩ khám”. Dưới áp lực thời gian và nỗi niềm canh cánh trong lòng: mỗi giây, mỗi phút trôi qua ngoài kia có thể đã có thêm người nhiễm Covid-19. Vì vậy mà chị Phương cùng mỗi y, bác sĩ ở đây đều cố gắng 200% sức lực, mặc cho đằng sau lớp áo bảo hộ ấy là mồ hôi ướt sũng như tắm và không ít lần chị Phương mệt tới mức tụt huyết áp. “Mình chỉ mong sao góp chút sức lực nhỏ bé để cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh, mệt thể xác nhưng không mệt tinh thần”, chị Phương chia sẻ.

image1.jpg
Hình ảnh chị Phương cùng các đồng nghiệp được Thăng Fly Comics minh họa, tranh nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. (Ảnh: NVCC)

 

Hình ảnh các y, bác sĩ trong những bộ đồ bảo hộ kín mít  căng mình trên trận tuyến phòng, chống dịch đã không còn xa lạ với tất cả mọi người. Tuy nhiên cảm giác phải làm việc, vận động bên dưới lớp áo đó hơn chục tiếng đồng hồ thì không mấy ai có thể hiểu được. Chị Phương cho hay: “Nhiều người hỏi mình mặc đồ bảo hộ có nóng không, mình chỉ cười mà nói: “Nóng lắm!”. Đồ bảo hộ giống như một bộ quần áo mưa, khi mặc và phải hoạt động nhiều thì hơi nóng do nhiệt từ cơ thể tỏa ra, tích tụ ở trong không thoát ra ngoài được, mỗi lần ngồi xuống thì cái hơi nóng đó dồn từ dưới lên, sốc đến tận đầu khiến mình choáng. Nhiều hôm mình nhịn đi vệ sinh 13 tiếng liền vì mặc đồ bảo hộ rồi điểm tiêm không có nhà vệ sinh, thèm uống nước lắm nhưng cũng cố làm xong mới dám uống vì mặc đồ bảo hộ tốn rất nhiều thời gian”.

image2.jpg
Chị Phương cùng các đồng nghiệp thực hiện công tác tiêm chủng (Ảnh: NVCC)
image6.jpg
Những lúc mệt quá chỉ biết nằm dài ra sàn nhà nghỉ vài phút rồi lại tiếp tục nhiệm vụ. (Ảnh: NVCC)

 

Cận kề hiểm nguy

Dù đã được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, dụng cụ sát khuẩn tuy nhiên với cường độ làm việc cao, liên tục tiếp xúc với nhiều ca F0, lằn ranh giữa âm tính và dương tính với Covid-19 của các cán bộ, nhân viên y tế thực sự rất mong manh. Bản thân chị cũng đã không dưới một lần trở thành F1 nguy cơ cao và đồng đội chị cũng đã có nhiều người dương tính khi làm nhiệm vụ. 

Chị Phương kể lại: “Hôm đó khoảng 10 giờ sáng, mình đang làm mẫu PCR ở dưới sân của Ủy ban phường thì nhận được điện thoại của bạn nhờ mua kẹp nhiệt độ đem lên phòng cho Huyền (bạn cùng phòng chị Phương). Lúc lên phòng, mình thấy Huyền có các triệu chứng của người mắc Covid-19 là vừa sốt, vừa sổ mũi, chảy nước mũi. Ngay lập tức mình  lấy đồ test nhanh cho bạn ấy thì kết quả là 2 vạch, dương tính. Lúc đó Huyền khóc luôn, mình cũng rất lo lắng nhưng cũng cố trấn an bản thân và động viên bạn ấy, rồi mấy mẫu PCR để gửi đi xét nghiệm. Ngày hôm sau kết quả PCR báo về khẳng định dương tính, Huyền buộc phải đi cách ly điều trị. Nhưng cũng rất may mắn khi cả phòng sáu người ăn chung, ngủ chung trong một phòng làm việc nhỏ được Uỷ ban phường Long Bình sắp xếp cho nhưng chỉ có Huyền dương tính thôi, không lây cho bất kỳ ai cả. Mình vẫn nhớ như in hình ảnh bạn ấy bước lên xe F0 để chuyển đến bệnh dã chiến nhìn thương lắm, đứng ở cổng UBND phường tiễn Huyền mà mình không kiềm được nước mắt”. 

Chị Phương chia sẻ thêm, để đảm bảo sức khỏe của đội ngũ tuyến đầu chống dịch cứ ba ngày mọi người sẽ test nhanh Covid-19 một lần, một tuần test PCR một lần. Dù vậy, cứ 2 - 3 tuần lại có một nhân viên ở phường hoặc là tình nguyện viên tham gia chống dịch bị nhiễm Covid-19 trong lúc làm nhiệm vụ, nên lúc nào các chị cũng ở trong trạng thái chuẩn bị tâm lý đối đầu với kết quả xét nghiệm dương tính.

unnamed.jpg
Chị Phương thực hiện công tác tiêm chủng. (Ảnh: NVCC)

 

Những ngày không quên

Chống dịch không chỉ là cuộc chiến với virus, các cán bộ y tế còn phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn, vất vả, áp lực. Đối với chị Phương, những ngày ở tâm dịch là những ngày không quên, khi được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc vui, buồn. Khi được hỏi về lần làm nhiệm vụ đem lại cho chị nhiều cảm xúc nhất, chị Phương bồi hồi chia sẻ: “Một lần chị đi xét nghiệm ở khu phố 8, gần như tất cả những người yêu khu Phố Chợ ở tổ đó đều đã đi điều trị Covid-19 và cách ly hết rồi, thì có gia đình này tất cả đều là người miền Tây, giọng nói của họ rất khó nghe và những người ở cái tổ đó thì đa số là dân trí thấp làm lao động nặng nhọc. Khi test ra bố mẹ và một đứa con gái bị dương tính thì mới điều tra được là ở nhà còn một người con gái và một đứa cháu nữa ba tháng tuổi. Đến khi gọi ra test thì cả đứa nhỏ và người con gái còn lại đều dương tính. Nhìn đứa nhỏ ngây thơ vẫn đang đùa với dì, chưa ý thức cả gia đình mình đã trở thành F0 xót lắm em ạ! Mà gia đình đó cũng vừa mới về nhà do hết cách ly F1 được hai ngày thì lại thành F0”.

Ở trong tâm dịch, tận mắt chứng kiến và trải nghiệm chị mới thấu hết nỗi khổ của người dân cũng như những vất vả, khó khăn của lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch. Ở đây có thể thiếu thốn nhiều thứ nhưng chị chắc chắn có một thứ luôn luôn đong đầy đó là tình người. Chị Phương kể: “Hôm đó có một anh thông chốt để đi mua đồ ăn cho vợ, vợ thì chửa nằm một chỗ, mà nhà thì hết sạch đồ ăn. Bị công an bắt đưa về phường, các cán bộ nghe chuyện thì thương lắm nên cho anh ấy rau, thịt đồ ăn mang về nhà trước. Còn ngày hôm sau sẽ quay lại phường để giải quyết vấn đề thông chốt”. 

Chị kể thêm: “Thời tiết ở miền Nam lúc đó đang là mùa mưa, ban ngày trời nắng gắt nhưng đêm xuống thì lạnh lắm, những hôm 11h mới xong nhiệm vụ về tắm rửa mà đâu có bình nóng lạnh, bọn mình tắm bằng nước lạnh hết. Dội nước từ đầu xuống, cảm giác buốt lạnh vô cùng mà mình vẫn phải tắm gội nên cũng bị ốm nhiều lắm. Có những hôm, một rưỡi, hai giờ sáng mình thấy các chú bộ đội là học viên của trường Sĩ quan Lục quân 2 phải bốc những xe rau củ rất lớn, các bạn ấy chỉ khoảng 19, 20 tuổi thôi. Hay có những lần, mình thấy các bạn bộ đội khi đi phun Clo khử khuẩn rồi bị nước Clo ăn vào da làm tụt hết cả da tay da lưng, trông mà xót xa!”. Vất vả là vậy, nhưng chị Phương cùng đồng nghiệp luôn nỗ lực hết mình chỉ mong dịch bệnh mau chóng qua đi, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Trưởng thành từ “điểm nóng”

Hai lần tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm nóng; hơn 30 ngày tại tâm dịch thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng là cơ hội lớn để chị Phương thực hành nghiệp vụ, trưởng thành hơn ngay trong tâm dịch. 

“Lần đầu lấy mẫu cho người dân, mình cũng khá lúng túng, nhưng vài lần là thuần thục ngay”, chị Phương chia sẻ.

Đảm nhận công tác xét nghiệm sàng lọc và tiêm chủng vaccine Covid-19 nên chị Phương được tiếp xúc với nhiều người dân nhất, từ đó cũng đem lại cho chị những kinh nghiệm làm nghề: Khi đi test thì người dân phải xếp hàng, thời tiết thì lúc nắng lúc mưa, đợi lâu nên sinh ra người ta cáu gắt. Hay có nhiều người không chịu được cảm giác bị chọc một cái que vào sâu trong mũi như vậy hoặc là lần đầu đi test, bị đau nên người ta có thái độ gay gắt, mình cũng cố gắng hiểu và thông cảm cho người dân. Còn khi test cho các em nhỏ thì đa số các em sợ test lắm, mình đã có những biện pháp như là mang kẹo, dỗ, thậm chí có lúc phải đe dọa các bạn nhỏ là nếu bây giờ không cho test thì các chú công an bắt đi luôn”, chị Phương tâm sự.

image4.jpg
Chị Phương thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm (Ảnh: NVCC)
image5.jpg

Chị Phương thực hiện công tác tiêm chủng vaccine cho người dân. (Ảnh: NVCC)

Những ngày tháng 8 nắng nóng, công việc phòng, chống dịch Covid-19 lại càng khó khăn hơn. Có lẽ đối với chị Phương đây sẽ là một trải nghiệm khó quên, là “kỳ thực tập đáng nhớ” để trưởng thành hơn từ hành trình tham gia chống dịch này.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN