“Rong chơi miền kí ức” cùng nhà văn Đỗ Phấ
(Sóng Trẻ) - Tiểu thuyết “ Rong chơi miền ký ức” của nhà văn Đỗ Phấn - người "vẽ Hà Nội qua những con chữ", một lần nữa truyền được cảm hứng cho nhiều người về tình yêu và nỗi lo dành cho thành phố thân yêu.
“Gã cao bồi phố cổ” dắt độc giả “ Rong chơi miền kí ức”
Cuốn tiểu thuyết “ Rong chơi miền kí ức” được ra mắt vào dịp nhà văn 60 tuổi, với hơn 20 tác phẩm của mình Đỗ Phấn hướng ngòi bút của mình về Hà Nội. Bằng cảm quan mắt tinh tế của một người họa sĩ và sự nhạy cảm của tâm hồn “người ham chơi”, văn Đỗ Phấn giàu chất hội họa, ông chia sẻ mỗi bức ảnh là một câu chuyện, viết bằng ảnh không chỉ giúp nguồn cảm xúc dạt dào hơn mà còn khiến những kỉ niệm về Hà Nội hiện lên một cách đầy đủ và sinh động. Dù vẽ hay viết thì mục đích chính của người nghệ sĩ này là hướng tới cái đẹp, thẩm mĩ nhân văn cuộc sống.
Cuốn tiểu thuyết “ Rong chơi miền kí ức” của nhà văn Đỗ Phấn
Có mặt trong buổi ra mắt sách, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Diệp nhấn mạnh: “Có những người như thế này, có những cuốn sách như thế này cho mình cơ hội được chạm tay vào kí ức, chạm tay vào cái miền từng là tinh túy của một thời mà mình không có cách gì đến gần. Việc mình đi lang thàng trong một cái thư viện mình đọc hết những quyển như bao từ năm này qua năm khác nó không đem lại cho mình một sự sung sướng, cảm giác như mình được gặp lại Hà Nội”. Và đặc biệt là “ Tôi rất sung sướng khi có cơ hội được được rong chơi vào kí ức của một con người có chiều sâu, có tiếng vang lớn, được biết những chuyện ngóc ngách. Đây là một cơ hội lí tưởng đối với tôi”.
Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Diệp, nhà văn Đỗ Phấn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (từ trái sang phải) trong buổi ra mắt sách
Nữ đạo diễn “ Đập cánh giữa không trung” còn chia sẻ về tính nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết: Phần chú thích đi song song gần như từ trang đầu tiên đến trang cuối, không bao giờ phần chú thích bị lép vế khiến chị đọc cuốn sách với sự háo hức, sự tham lam của một người chết đói.
Văn của một “Người cũ, người luyến tiếc quá khứ”
Hà Nội trong văn Đỗ Phấn rất xưa, rất đẹp và cũng có một Hà Nội đổi thay từng ngày, Hà Nội bị xô lệch mất mát, Hà Nội đang dần bị pha loãng. Hà Nội có lẽ là mảnh tình sâu đậm nhất trong trái tim người nghệ sĩ “ ham chơi” này, văn ông thấp thoáng nỗi đau khi chứng kiến Hà Nội dần đổi thay.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Thị Ngọc Liên giãi bày cảm nhận: “Miên man dàn trải, bảng lảng từ tốn, mông lung xa gần, nhiều ẩn ý... là cách viết của Đỗ Phấn, một trong những “người cũ, người luyến tiếc quá khứ”, ít nhất là quá khứ của một Hà Nội xưa, một Hà Nội rất yêu thương, nay đã khác, đã mất đi rất nhiều, chỉ còn là những nỗi đau...”
Nhà thơ, nhà báo Phạm Thị Ngọc Liên tại buổi ra mắt sách
Với nhà văn Lê Minh Khuê: “Văn Đỗ Phấn chỉ quanh quẩn trong rượu và đàn bà. Nhưng sau tất cả vẫn mang lại những cảm xúc về Hà Nội, Đỗ Phấn rất buồn vì những thứ đẹp đẽ nhất của Hà Nội đang dần mất đi, mình không thể giữ được nhưng mình cũng không thể làm gì để thay đổi được. Văn chương trong sáng mà Đỗ Phấn đạt được, là những cái dữ dội nhưng không gây sốc, không thô tục, văn nhẹ nhàng tinh tế mà gợi sự đau xót về cuộc đời vì chúng ta đang đánh mất những gì đẹp đẽ của Hà Nội ngày xưa”.
ê Minh Hà ( nhà văn định cư tại Đức, gửi mail về chúc mừng nhà văn Đỗ Phấn): “Ông họ Đỗ này khiếp thật, nào văn nào họa, bút lông rồi bút bi là nghệ sĩ mà làm việc như chân khoa học thực nghiệm, không vịn vào cái danh nghệ sĩ để tùy hứng tôn vinh cảm hứng, mà hứa đâu để đó, cái này là của hiếm của giới nghệ sĩ đấy. Thật ra vậy, vì nghệ sĩ thật không có nhiều. Ở Đỗ Phấn người ta dễ dàng thấy chân tình tới thân tình. Chân tình thì ở đời không ít nhưng chân tình mà lịch lãm giản dị được đến thế, người như thế thì không thể sướng được, không lụy tình thì cũng khốn khổ vì tình, đủ các thứ tình”.
Hy vọng trong thời gian sắp tới, nhà văn Đỗ Phấn sẽ cho bạn đọc thêm nhiều cơ hội thưởng thức những tác phẩm có giá trị của ông.
Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1980. Anh đã có 10 năm giảng dạy mỹ thuật tại Đại học Xây dựng Hà Nội, hiện viết, vẽ tự do, sống và sáng tác tại Hà Nội. Tác phẩm đã in: Chuyện vãn trước gương (Tập Tản văn, 2005); Kiến đi đằng kiến (Tập truyện ngắn, 2009); Đêm tiền sử (Tập truyện ngắn, 2009); Thác hoa (Tập truyện ngắn, 2010); Vắng mặt (Tiểu thuyết, 2010); Ông nại hay cười (Tập Tản văn, 2011); Chảy qua bóng tối (Tiểu thuyết, 2011). Tiểu thuyết "Rong chơi miền kí ức" ra mắt ngày 23/12 tại The Coffe House ( 23M Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
|
Phạm Thị Mơ
Báo in K35A1
Cùng chuyên mục
Bình luận