Sau lũ, người dân Nhật Tân chuyển qua trồng hoa cúc, su hào để kịp bán Tết
(Sóng Trẻ) - Giá đào giống tăng cao, nhiều nhà vườn phải chuyển sang trồng các loại rau màu như su hào, cải bắp để có thu nhập trước Tết.
Một tháng trôi qua, những cành đào héo úa vẫn nằm ngổn ngang trên đường vào vườn đào Nhật Tân, như một vết sẹo chưa lành sau cơn bão Yagi tàn khốc. Suốt dọc bờ sông Hồng, hàng trăm gốc đào vẫn trơ trụi chờ người dọn dẹp. Như mọi năm, thời điểm hiện tại là lúc các chủ vườn đang tất bật chuẩn bị tuốt lá, kích thích đào ra hoa chờ Tết. Nhưng năm nay, không khí trở nên u buồn, ảm đạm bởi số đào chỉ còn 2/3.
Được biết đến là nơi nơi trồng đào lâu năm và lớn bậc nhất miền Bắc, những cây đào vừa là niềm tự hào vừa là sinh kế của người dân Nhật Tân. Thế nhưng, tại thời điểm hiện tại, người dân buộc phải thay thế đào bằng các loại rau màu khác như su hào, bắp cải, hoa cúc,...
Trước tình cảnh vườn đào hơn 300 gốc bị tàn phá hoàn toàn sau trận lũ, ông Hồ Sỹ Tùng quyết định tận dụng mảnh đất còn trống để trồng su hào. Nhiều nhà vườn xung quanh cũng có ý tưởng tương tự, họ chọn trồng hoa cúc với hy vọng kịp bán vào dịp Tết. Việc lựa chọn các loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn như su hào và hoa cúc là một giải pháp tình thế, giúp các nhà vườn có thể thu hồi một phần chi phí đã bỏ ra.
Chị Hoàng Anh (42 tuổi), chủ một vườn đào tại Nhật Tân tâm sự: "Do bão lũ, gia đình tôi xác định rằng đào, quất sẽ không trồng kịp cho Tết 2025, nhưng để đất trống cũng không được. Chính vì vậy, gia đình tôi quyết định trồng các loại rau màu ngắn hạn, thời gian nuôi trồng ngắn, thu hồi vốn nhanh, bán ra cũng góp phần nào hỗ trợ được gia đình vượt qua được thời kỳ khó khăn này".
Không chấp nhận để đất trống, vợ chồng ông Long - xã viên của HTX nông nghiệp Nhật Tân cặm cụi trồng cúc nhằm gỡ lại phần nào thiệt hại sau bão, ông cho biết: “Nhà tôi có khoảng 300 cây đào, bị hỏng hết. Nước lên cao, ngập hết đào. Hiện tại, nhà tôi trồng thêm hoa màu ngắn ngày để bán Tết, có hoa cúc vàng, rau cải. Sau khi nghỉ Tết, chúng tôi sẽ bắt tay vào khôi phục lại vườn đào”.
Dù phải hứng chịu thiệt hại vô cùng nặng nề nhưng ông Long vẫn giữ một tinh thần vô cùng lạc quan: “Bao nhiêu người bị thiệt hại, không chỉ riêng cá nhân mình. Nhiều nơi còn chết người, mình chỉ bị thiệt hại về tài sản cũng là may mắn hơn rất nhiều rồi. Cây đào còn có thể trồng lại được” - Ông Long chia sẻ.
Mặc dù, nhiều nhà vườn đã chuyển sang hoa cúc để kịp cung ứng Tết, khắc phục hậu quả sau lũ. Nhưng khó khăn chồng chất khó khăn khi giá hoa cúc lại tăng cao gấp 3 lần so với mọi năm, giao động từ 70.000 - 100.000 đồng. Dù giá hoa tăng cao, nhưng người dân vẫn vô cùng chật vật trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng bởi sự kham hiếm chung của toàn thị trường.
Theo báo cáo của UBND quận Tây Hồ, trận mưa lũ vừa qua đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho diện tích trồng đào và quất trên địa bàn. Cụ thể, khoảng 105ha đào và 35,5ha quất bị ngập, ước tính thiệt hại khoảng 85 tỷ đồng. Tại phường Nhật Tân, tình hình còn nghiêm trọng hơn khi gần như toàn bộ diện tích đất bãi sản xuất nông nghiệp của người dân bị ngập. Hơn 65 ha đào, chiếm 65,4% tổng diện tích trồng đào của phường, đã bị mất trắng, gây thiệt hại lên tới 40 tỷ đồng.
Để giảm thiệt hại và tận dụng tối đa diện tích đất sau lũ, người dân các phường ở Tây Hồ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cụ thể, người dân phường Phú Thượng tập trung trồng các loại hoa ngắn ngày như hoa dơn, loa kèn, hoa cúc. Người dân phường Nhật Tân trồng hoa cúc, trong khi người dân phường Tứ Liên và khu vực bãi giữa sông Hồng chuyển sang trồng rau màu và cây dược liệu.