Sống tập thể và trách nhiệm của sinh viê
(Sóng Trẻ) - Cuộc sống tập thể của sinh viên thường phải có sự phân công việc để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Tuy vậy, có nhiều bạn sinh viên vì quen được nuông chiều hoặc thiếu ý thức, trách nhiệm đã thoái thác công việc của mình cho người khác.
Thoái thác trách nhiệm
Đây là tình huống chủ yếu của các sinh viên khi không muốn làm công việc chung trong phòng trọ, bản thân họ vốn tồn tại suy nghĩ “cha chung không ai khóc”.
Hoàng Đế (ĐH Bách Khoa Hà Nội) sau khi đi học về chỉ ngồi chăm chăm vào máy tính mà không hề làm việc gì. Bạn cùng phòng nấu cơm thì ăn, nếu không lúc đói thì ra quán ăn. Từ khi ở chung với nhau, Đế chưa hề cầm lấy cái chổi quét nhà, chưa hề lau dọn phòng một lần nào. Nếu bị bạn cùng phòng nói, Đế luôn lấy lý do làm bài tập hoặc có công việc cần phải làm để né tránh. “Việc gì mình phải làm việc trong khi bọn nó chơi. Phòng thì của chung, mình có dọn chúng cũng bầy bừa ra thôi vì vậy cần gì nhọc công cho mệt” - Đế giải thích.
(Ảnh minh họa)
Không chỉ sinh viên nam mới bị bệnh lười nhác, không thiếu các nữ sinh kém văn hóa trong cuộc sống tập thể. Phạm Hường (ĐH Sư phạm) bức xúc kể: “Ngày nào bạn ấy cũng đi chơi đến tận khuya mới về. Đến ngày nghỉ thì bạn ấy lại nằm ngủ cả ngày, ngủ dậy lại nấu ăn trái bữa. Nếu có nhắc nhở việc dọn dẹp thì bạn ấy bảo cứ để đấy, rồi… cứ để đó luôn”.
Điều khó nói chính là người ở cùng phòng thường là người thân, bạn bè cùng lớp nên nhắc nhở cũng khiến cả hai bên đều ngại, đôi khi còn có những xích mích dẫn đến không nhìn mặt nhau.
Đối với cuộc sống trong ký túc xá, còn có trường hợp cả phòng “mắc bệnh” lười nhác! Hồng Lâm (HV Báo chí và Tuyên truyền) bơ phờ sau công cuộc vệ sinh: “Các anh trong phòng không ai chịu dọn cả nên mình đành mỗi tuần dọn một lần. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày là đâu lại vào đó: tàn thuốc, vỏ chai, sách vở bừa bãi hết cả phòng. Quá đáng hơn là đồ dùng cá nhân của mình bị các anh đưa ra sử dụng chỉ vì… sạch”.
Không biết làm công việc gì
Tưởng điều đó vô lý nhưng lại là sự thật khi các sinh viên là những “chú gà công nghiệp”. Được nuông chiều từ nhỏ, ở nhà không phải làm việc gì khiến cho các bạn khi ra ở trọ biến mình thành con người thừa thãi.
Phạm Hảo (CĐ Du Lịch) chỉ cười trừ: “Mình chả biết nấu ăn, rửa chén cũng bị vỡ mất mấy cái nên được ưu tiên không phải làm gì, chỉ đôi khi lau nhà thôi. Với lại ở cùng chị gái nên lười một tý cùng không sao”. Còn Nguyễn Trang (ĐH Sư phạm) thì ngán ngẩm: “Chỉ vì em họ mà cho ở cùng nhưng mình không ngờ nó không làm được gì nên hồn. Bảo làm việc gì y như rằng hỏng việc đó. Vậy nên dù đi học về muộn và rất mệt nhưng mình cũng phải xắn tay vào nấu ăn. Chắc phải dạy em ấy lại từ đầu mất thôi”.
Trong những hoàn cảnh thế này việc hướng dẫn những chú “gà mờ” từ đầu thực sự vất vả nhưng không còn cách nào khác. Sẽ thật may mắn nếu như những chú “gà” này sống có ý thức, trách nhiệm thì bản thân họ mới có thể tiến bộ qua từng ngày.
Là sinh viên sống một cuộc sống tập thể, chúng ta nên biết giúp đỡ, chia sẻ với nhau. Hãy thẳng thắn, mạnh dạn góp ý hoặc thắc mắc những điều bạn cho rằng cần thiết, giúp ích cho cuộc sống chung. Công việc nhà thôi chưa đủ, những cá nhân có ý thức sẽ biết giúp đỡ nhau tiến bộ trong học tập, trong đời sống tình cảm, vật chất và tinh thần. Khi đó, quãng thời gian sống bên nhau sẽ trở nên thực sự ý nghĩa!
Anh Ngọc
Báo mạng điện tử K.30
Học viện Báo chí và Tuyên truyền