Tấp nập chợ Viềng đầu năm
(Sóng
Trẻ) - Đến hẹn lại lên, cứ đêm mùng 7 rạng sáng ngày mùng 8 Âm lịch, hàng vạn
du khách bốn phương lại đổ về chợ Viềng (Nam Định) – phiên chợ chỉ họp một lần
duy nhất trong năm vừa để du xuân, vừa để mua sắm cầu may.
Nét đẹp văn hóa của chợ Viềng
“Chợ Viềng 2 chợ 1 phiên”, ít ai biết rằng tại
Nam Định có hai chợ Viềng, họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống
nhau, diễn ra tại 2 huyện Nam Trực và Vụ Bản. Tuy nhiên, được biết đến nhiều
hơn cả là chợ Viềng Phủ Giầy tại xã Kim Thái và xã Trung Thành huyện Vụ Bản.
Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng đầu xuân của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ xa xưa. Đến với chợ Viềng, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy những sản phẩm bày bán đa phần là các dụng cụ nông nghiệp như cái cày, cái cuốc, đòn gánh, giỏ… đến những giống cây, đồ cổ, đồ giả cổ… Đi chợ, chúng ta được sống trong không khí lễ hội đầm ấm, vui vẻ, rộn ràng tiếng nói cười của kẻ mua người bán…
Rất nhiều người đến chợ Viềng để mua cây. (Nguồn: Vietnamplus)
Năm nay, do kỳ nghỉ Tết kéo dài, số lượng khách đến chợ Viềng tăng đáng kể
so với mọi năm. Ai ai cũng mong mua được cây lộc đầu năm, mua được may mắn mang
về với gia đình. Người chọn mua cây hoa, người chọn mua cây giống, thỏa thê tìm
kiếm, vì ở đây hội tụ cây giống thuộc khắp các vùng miền. Đặc biệt, tại đây còn
có những gian hàng bán dụng cụ nông nghiệp đã qua sử dụng, người bán thì muốn
xua đi những xui rủi trong năm, người mua thì muốn mua những may mắn về…
Mặt hàng chủ yếu là các dụng cụ nông nghiệp. (Nguồn: Zing)
“Đầu
năm mua muối, cuối năm mua vôi”, những gói muối nho nhỏ, những chiếc bật lửa
cũng được bày bán rất nhiều. Người dân Nam Định coi đây là chuyến du nạn đầu
xuân không thể thiếu trong năm.
Một
nét độc đáo khác của chợ Viềng mà ta không thể không kể đến đó món thịt bò, thịt
bê thui. Ai đến đây cũng cố gắng mua ít nhất vài lạng thịt bò, thịt bê, mời
nhau những bát phở bò, đĩa thịt bò xào với tâm niệm mong cho sung túc, no đủ cả
năm. Sở dĩ ở đây chỉ bán thịt bò thui bởi từ lâu nó đã là món lễ vật đầu năm
cúng thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa.
Thịt bê - mặt hàng không thể thiếu tại chợ Viềng. (Nguồn: Báo Công thương)
Nài ra, du khách đi chợ Viềng còn thường kết
hợp đi lễ chùa, lễ phủ (chợ Viềng Nam Giang, nơi có chùa Đại Bi thờ Từ Đạo Hạnh
và chợ Viềng Kim Thái, Trung Thành, nơi có quần thể di tích Phủ Giầy thờ Thánh
mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” của người Việt).
Cái hồn chợ Viềng đang dần mất đi
Ngày
xưa, đến với chợ Viềng, người mua không mặc cả, người bán không nói thách, rất
thuận cho cả hai bên. Nhưng dần dần, nét văn hóa này đã mai một, vì chú trọng mục
đích kinh doanh, người bán “thét giá” rất cao khiến nhiều du khách cảm thấy “sợ”.
Gía cả đồ ăn tăng quá cao so với quy định, một quả trứng vịt lộn có nơi “thét
giá” đến 30.000đ, một lon nước giá gấp 3 gấp 4 lần bình thường…
Đến
với nhưng gian hàng đồ cổ, nếu không tinh mắt, du khách cũng rất dễ bị nhầm lẫn,
mất số tiền lớn mà vẫn mua phải hàng rởm. Thay thế cho những gian hàng bán đồ
làm nông sản cũ là những dụng cụ còn mới nguyên, sắc bén chưa qua sử dụng, những
đồ chơi Trung Quốc bày bán la liệt, đồ giả cổ mà lái buôn mang từ Hà nội về để
kiếm lời… Tình trạng mất cắp, chen lấn xô đẩy, tắc đường… ngày càng nghiêm trọng.
Chợ Viềng đang ngày càng trở nên đông đúc, hỗn độn. (Nguồn: giaoduc.net)
Chợ Viềng là nét văn hóa rất riêng, là hiện tượng tín ngưỡng độc đáo mà chỉ Nam Định mới có, thể hiện mong ước về một năm ăn nên làm ra, mùa màng bội thu của người dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Ngày nay tuy đã ít nhiều ảnh hưởng bởi tính thương mại nhưng ý nghĩa cầu may của phiên chợ vẫn còn nguyên vẹn. Chợ Viềng sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn đầu năm cho du khách thập phương.
Trần Thị Oanh
Lớp Báo mạng điện tử K31