Tiến tới loại bỏ đồ nhựa dùng một lần vào năm 2030
(Sóng trẻ) - Sáng 4/3, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến: “Các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và tác động đến sức khỏe”.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ triển lãm “Sông kể chuyện nhựa”. Buổi hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả giàu kinh nghiệm như: TS.BS. Phạm Đức Phúc (VOHUN), TS. Kim Thị Thúy Ngọc (ISPONRE), ông Nguyễn Đức Vinh (STG), ông Phạm Công Tuấn (FHI 360), ông Tạ Anh Tuấn (WWF Việt Nam), bà Quách Thị Xuân (VZWA) cùng đại diện các tổ chức môi trường.
Buổi hội thảo đề cập tới các vấn đề xoay quanh chất thải nhựa dùng một lần và tác động của chúng đối với sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Thông qua hội thảo, các diễn giả cũng chỉ ra các mặt lợi ngắn hạn và tác hại lâu dài đằng sau đồ dùng nhựa một lần, đồng thời đề xuất những giải pháp đối với người tiêu dùng, cũng như đối với các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Công Tuấn (Đại diện FHI 360) cho biết việc sản xuất và tiêu thụ nhựa đã tăng trưởng nhanh tại Việt Nam trong 30 năm qua. Đặc biệt, chất thải nhựa trở nên tăng đột biến bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, gây ra nhiều mối nguy cơ tiềm tàng về sức khỏe của con người.
Trong hội thảo, hàng loạt các nghiên cứu thực tiễn, khảo sát người tiêu dùng, doanh nghiệp về vấn đề đồ dùng nhựa đã được đề cập. Các diễn giả tập trung chỉ ra các thách thức và cơ hội trong quá trình phát triển dự án, đưa ra các sáng kiến phù hợp nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về rác thải nhựa, thúc đẩy lối sống xanh tại Việt Nam.
Trước đó, triển lãm “Sông kể chuyện nhựa” trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do ISPONRE tổ chức đã thành công thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người bởi các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Những thông điệp ý nghĩa về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường được các nhiếp ảnh gia lồng ghép một cách khéo léo, gợi mở cho người xem về một cuộc sống tốt đẹp hơn - một lối sống bền vững, không ô nhiễm.
Bàn luận về các chính sách liên quan tới việc giảm cung - cầu rác thải nhựa, bà Quách Thị Xuân (VZWA) nhấn mạnh: “Hiệu quả của giáo dục - truyền thông trong nhà trường rất lớn. Nếu như thầy cô làm được thì học sinh cũng làm được”. Qua đó, diễn giả đề xuất các trường học nên áp dụng giảng dạy các biện pháp giảm thiểu nhựa sử dụng một lần.
Đồng quan điểm với diễn giả Quách Thị Xuân, TS.BS. Phạm Đức Phúc bày tỏ mong muốn thay đổi chương trình đào tạo tại các trường học, không chỉ giới hạn là sinh viên mà còn hướng các em học sinh cấp 1, cấp 2 tiếp cận với những vấn đề này từ sớm. Ông cho rằng cách này mang tính khả thi và có tác động mạnh mẽ hơn so với việc chỉ tuyên truyền với các doanh nghiệp.
Hội thảo tập trung đưa ra bức tranh toàn cảnh về vấn đề rác thải nhựa. Vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề cấp thiết của cả thế giới. Từ đó, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, kêu gọi cùng hành động giảm tiêu dùng đồ nhựa dùng một lần, tiến tới loại bỏ vào năm 2030 để hướng tới một xã hội xanh, sạch, bền vững trong tương lai.