Trải nghiệm những chuyến đi thực hành cùng sinh viên Công tác xã hôi
Pv: Xin chào Hải, được biết bạn mới được đi thực hành công tác xã hội, bạn có thể cho mình biết những địa điểm bạn đã đến được không?
NCH: Chào bạn, trong tháng vừa rồi, lớp mình đi đến 3 trung tâm: Làng trẻ em Hoà Bình, Trung tâm bảo hộ xã hội số 3, và trung tâm Vì ngày mai để quan sát, nghiên cứu phục vụ cho môn học Thực hành Công tác Xã hội.
Lớp Công tác xã hội K33 tại Làng trẻ Hoà Bình
Pv: Bạn có thể nói rõ hơn cho mình biết những công việc mà bạn đã làm ở đó?
NCH: Chúng mình đến các trung tâm chủ yếu để quan sát và gặp gỡ các đối tượng ở đó, ví dụ như quan sát cơ sở vật chất, cách sinh hoạt cũng như giảng dạy của trung tâm,.... Bên cạnh đó, chúng mình phỏng vấn ban quản lý, cán bộ, giáo viên, hộ lý, trung tâm. Mục đích là tìm ra nguyên nhân, hiểu bản chất vấn đề, tìm phương pháp giải quyết về những vấn đề mà trung tâm gặp phải.
Pv: Cảm xúc của bạn sau những chuyến đi này là gì?
NCH: Mình cảm thấy bản thân mình may mắn hơn rất nhiều người Vậy mà đôi khi cứ than thân trách phận...Họ không được học tập, không phát triển bình thường và có những người không có gia đình nữa. Mình thấy rằng cuộc sống thật không công bằng với những con người như vậy. Và từ đó, mình muốn làm thêm nhiều việc tốt cho xã hội.
Mặc dù công sức bỏ ra chỉ là rất nhỏ, mình cũng không giúp được nhiều như các tổ chức về tài chính, vật chất nhưng mình cũng thấy vui và tự hào vì mình đã làm hết sức, mình góp được công sức nhỏ bé của bản thân cho xã hội.
Tình cảm của các em nhỏ đối với sinh viên Học viện
Pv: Và bạn thu được những gì sau chuyến đi?
NCH: Mỗi 1 chuyến đi cho mình nhiều hơn là mất. Cái mất chỉ là những giọt mồ hôi. Còn cái được thì nhiều lắm, mình cảm thấy yêu công việc mình đang làm, thu được thêm nhiều kinh nghiệm sống, được giao tiếp, tiếp xúc với các đối tượng yếu thế trọng xã hội.
Pv: Trong các chuyến đi thực tế, chắc hẳn bạn đã gặp nhiều mảnh đời bất hạnh. Bạn có thể chia sẻ cho chúng tôi được không?
NCH: Trong chuyến đi tới làng trẻ Hoà Bình, mình đã gặp một cô hộ lý trông trẻ và ngồi tâm sự với cô khá lâu. Cô là người Nghệ An ra Hà Nội tìm việc làm và được người ta giới thiệu vào làng trẻ.Nhiệm vụ hàng ngày của cô là tắm rửa cho trẻ, lo về sinh hoạt và ngủ cùng các e bị đao, bại não, tự kỉ,...Tuy nhiên, sinh hoạt cùng các em nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Cô kể rằng tắm rửa cho các em, có khi còn bị các em đánh. Ngủ cùng các em, đêm các em đánh nhau, khóc,... cô lại phải dậy. Thế nên, một giấc ngủ đêm phải chia làm 3-4 giấc ấy. Làm đã 5 năm rồi nhưng lương của cô chỉ hơn 3 triệu- Một số tiền quá thấp so với mọi công việc cô làm hàng ngày. Lâu lắm rồi cô không được về thăm nhà vì nhà quá cô không có tiền, vả lại công việc cần cô nữa. Cô ngồi kể mà cứ khóc mãi. Mình nghe cũng xúc động, mình cũng hứa sẽ quay lại tặng cô ý tấm vé xe về quê trong một dịp gần nhất.
Khoảnh khắc đáng nhớ của các bạn sinh viên trong chuyến đi
Pv: Đã bao giờ bạn cảm thấy nản hay hối hận khi chọn ngành nghề này chưa?
NCH: Có chứ, nhưng chỉ là trong giây lát(cười). Trong chuyến đi tới trung tâm bảo trợ số 3. Mình với nhóm đi lạc đường và phải đi bộ tận 5km giữa trời nắng gắt. Nóng bức và mệt mỏi làm cho mình cảm thấy nản. Và câu hỏi đặt ra lúc này là: Tại sao mình lại chọn cái ngành này, vừa đi nhiều mà lại vất vả? Nhưng khi nghĩ lại, không có những người như mình, ai là người huy động chính sách, là người giải quyêt vấn đề cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Nên nhóm động viên nhau thôi cố gắng thôi. Đã xác định chọn nghề thì mình nên có cái tâm với nghề. Vì thế, trong tương lai mình sẽ cố gắng trở thành một nhà Công tác xã hội xuất sắc để giúp đỡ những mảnh đời còn bất hạnh.
Pv: Cảm ơn Hải về những chia sẻ thú vị vừa rồi. Chúc bạn học tập tốt và trong tương lại sẽ trở thành một nhà Công tác xã hội xuất sắc như mong ước.
Nga Đoàn
Báo mạng điện tử K34