Vạn Phúc - xưa và nay
(Sóng Trẻ) - Đi dọc bờ sông Nhuệ, chúng tôi tìm về với làng lụa truyền thống – Vạn Phúc. Song, chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ trước sự đô thị hóa chóng mặt của một làng nghề hơn ngàn năm tuổi. Âm thanh lách cách của tiếng thoi đưa thưa dần, những xưởng dệt tư nhân được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng mọc san sát,…
Truyền thống một làng nghề…
Ngay từ ngàn xưa, Vạn Phúc đã nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống. Thợ dệt Vạn Phúc đã có những kỹ thuật tinh tế, đặc biệt, dệt được các loại chim muông, hoa lá cầu kỳ. Với những sản phẩm lụa ngày càng được cải tiến với chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, Vạn Phúc đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng, không chỉ trên thị trường trong nước mà còn được nhiều bạn bè quốc tế biết đến.
Những dải lụa mềm mại, óng ả bên dòng Nhuệ Giang. (Nguồn: Internet)
Năm 2007, Vạn Phúc được tôn vinh là một trong những làng nghề tiêu biểu của Việt Nam bởi con số 2,5 triệu mét lụa tơ tằm được sản xuất trong năm, đạt doanh thu 35 tỷ đồng. Sản xuất và kinh doanh lụa chiếm tỷ trọng 63% cơ cấu kinh tế trong làng, mang lại mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng.
…nay vắng bóng sắc lụa
Dòng đô thị hoá đang ùa vào và dần lấn át những nét truyền thống xưa cũ tại làng Vạn Phúc. Âm thanh lách cách của tiếng thoi đưa thưa dần, thay vào đó là tiếng ồn ào của xe cộ, của tiếng mua bán nơi chợ lụa. Diện tích đất dệt lụa đã bị thu hẹp, từ những xưởng dệt tư nhân mọc lên những ngôi nhà cao tầng mọc san sát. Những dải lụa mềm mại với màu sắc óng ánh, đường nét tinh tế phơi mình duyên dáng bên dòng Nhuệ Giang nay chỉ còn trong ký ức.
Nơi phơi lụa đã trở thành đất dự án.
Làm không lãi, các hộ dệt lụa từ xưa đã chuyển sang các ngành nghề khác mang lại lợi nhuận cao hơn dệt lụa truyền thống. Bà Triệu Thị Tuyết – tổ dân phố Hạn Phúc cho biết: “Gia đình tôi có năm cái máy bỏ không vì hàng dệt vừa bán chậm, hai nữa là không có người dệt vì đồng lương dệt thấp hơn người ta đi buôn bán. Chất lượng lụa bây giờ kém hơn trước rất nhiều”.
Theo thống kê năm 2010, trong số 1.276 hộ dân sinh sống tại Vạn Phúc, có hơn 1.092 hộ sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dệt lụa tơ tằm, nhưng giờ đây chỉ còn lại khoảng 1/3 hộ còn tiếp tục sản xuất và kinh doanh.
Những xưởng dệt ngày càng vắng bóng thợ...
...thay vào đó là những kho, xưởng sản xuất, kinh doanh mặt hàng khác
Dạo quanh phố chợ lụa, chúng tôi có thể dễ dàng nhận thấy có đến 30-50% là các sản phẩm không phải được sản xuất từ lụa mà giá cả phải chăng, còn những sản phẩm được dệt từ lụa thường có giá thành khá cao. Bà Nguyễn Thị Thu – chủ cửa hàng Lionsillk cho biết: “Tùy theo chất lượng, mẫu mã mà lụa tơ tằm Vạn Phúc được bán với nhiều mức giá khác nhau. Ví dụ, loại lụa satin 100% tơ tằm, dày và bóng có giá dao động từ 250.000 - 350.000 đồng/m. Với loại mỏng hơn, nhưng vẫn là 100% tơ tằm, lụa có giá khoảng 170.000 - 200.000 đồng/m. Loại lụa có chất lượng thấp, hoặc pha 50 - 70% sợi tổng hợp có giá từ 80.000 - 100.000 đồng/m.”
Các sản phẩm không phải sản xuất từ lụa chiếm 30 - 50%.
Bảo tồn làng nghề, gìn giữ nét Việt
Lụa Việt vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng trong và nài nước. Theo thống kê từ Hội làng nghề, sau hai năm xây dựng điểm du lịch và xúc tiến thương mại, mỗi tháng làng Vạn Phúc thu hút từ 3.000 đến 5.000 khách thăm quan, giao dịch.
Để hiện thực hóa giấc mơ về một làng lụa thuần chất Vạn Phúc xưa, chúng ta cần có những chính sách cụ thể. Điều kiện đầu tiên để giữ gìn vịêc phát triển làng nghề, là phải tạo được nguyên liệu ổn định, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Đồng thời quản lý được giá đầu ra. Thứ hai, tạo phát triển các nhà máy chế biến xử lý nguyên liệu. Vừa tăng năng suất kén, vừa tăng chất lượng của kén tơ tằm. Thứ ba, phải đào tạo người dân có kiến thức về xử lý nguyên liệu. Nhà nước và địa phương phải có cơ chế khuyến khích người dân dệt lụa. Đồng thời hỗ trợ kinh phí và mở lớp học sản xuất lụa.
Cần phải có cơ chế để quảng bá lại uy tín của lụa Vạn Phúc. Đặc biệt, khâu quảng bá các sản phẩm chính gốc có chất lượng của làng lụa đến được tay người tiêu dùng. Nài cách quảng bá truyền thống, thì quảng bá trên Internet là cách nhanh nhất để đưa lụa Vạn Phúc đến với bạn bè quốc tế sâu rộng, đơn giản và hiệu quả nhất.
Phương Chi
Cùng chuyên mục
Bình luận