Vay không thế chấp: Tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ"?
(Sóng trẻ) - Những tờ rơi in “vay không thế chấp”, “hỗ trợ tài chính”, “alo là có tiền”,... luôn gây được sự chú ý tới nhiều người, đặc biệt là những trường hợp muốn vay tiền nhưng không cần làm những thủ tục phức tạp. Tuy nhiên, có vẻ như đây chính là hình thức cho vay lãi suất cao mà chúng ta cần phải hết sức cảnh giác.
Vay đơn giản
Đi dọc các tuyến đường quanh nội thành Hà Nội, phóng viên bắt gặp rất nhiều tờ rơi quảng cáo hình thức cho vay này được dán ở trên các cột điện, ngõ ngách, điểm dừng xe buýt,... những nơi có thể dễ dàng gây sự chú ý của nhiều người. Mặc dù các tờ rơi có những lời mời cho vay hấp dẫn, không thế chấp nhưng để vay được, người vay phải có giấy tờ tùy thân như CMND, bằng lái xe, thẻ sinh viên,... Song, so với thủ tục cho vay ở các ngân hàng chính thống, đây vẫn là hình thức cho vay cực kì đơn giản.
Lời mời cho vay hấp dẫn “Gọi là có tiền” được in dán ở bất kì đâu
Liên hệ với số điện thoại 01686234xxx được in trên tờ rơi treo dọc đường Cầu Giấy, với mong muốn vay 5 triệu đồng, chúng tôi được anh T – người được coi là chủ nợ của chỗ vay này cho biết chỗ anh cho vay với mức lãi suất 3.000 đồng/ triệu/ngày, muốn vay 5 triệu, chúng tôi sẽ phải đồng ý mức lãi trên, tức là sẽ phải trả 15.000 đồng/ngày. Anh hẹn chỉ cần mang bằng lái xe hoặc thẻ căn cước/CMND đến, anh sẽ làm thủ tục nhanh gọn và có tiền ngay, theo đúng nghĩa “alo là có tiền”.
Tương tự cũng với mức vay 5 triệu này, chúng tôi liên hệ với một số điện thoại cho vay khác thì bất ngờ hơn bởi mức lãi suất ở đây lên đến 20.000 đồng/ngày, và sau 50 ngày, chúng tôi sẽ phải hoàn trả cả gốc lẫn lãi với số tiền cụ thể là 6 triệu đồng.
Không chỉ in đơn giản, chủ nợ còn “đầu tư” in màu cẩn thận để thu hút người vay hơn
So với các ngân hàng chính thống, mức lãi suất này cao hơn rất nhiều, gấp khoảng 9-10 lần. Bởi lãi suất vay của ngân hàng hiện nay chỉ dao động từ 0,6% - 1%/tháng.
Trả phức tạp
Đối tượng cho vay của hình thức này thường là những người cần tiền rất gấp và không muốn rắc rối thủ tục, đặc biệt là các bạn sinh viên chưa đủ điều kiện vay ngân hàng. Như nắm thóp được tâm lý của những người đi vay, các bên cho vay thường đưa ra những mức lãi suất rất cao và yêu cầu phải trả trong vòng 30-50 ngày. Vì rất cần tiền mà lại không cần thủ tục phức tạp nên dù biết hình thức cho vay này không hợp lý nhưng nhiều người vẫn cắn răng chịu đựng để có tiền trang trải phục vụ cho mục đích bản thân.
Hình thức cho vay không thế chấp những tưởng đơn giản và chỉ cần hoàn tiền đúng hạn là xong, thế nhưng trên thực tế lại không như vậy. Vì cần gấp một khoản tiền để giải quyết việc riêng, bạn Nguyễn Trung S. (21 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã vay 5 triệu đồng qua hình thức cho vay “không thế chấp” này. Chia sẻ với phóng viên, S. cho biết: “Lúc mình đi vay cũng chỉ ký kết đơn giản rồi được cầm về 5 triệu. Theo hợp đồng thì mỗi tháng mình phải trả lãi 450.000 đồng, thế nhưng vì không trả kịp trong thời gian quy định nên lãi mẹ đẻ lãi con, họ đưa ra những luật khó hiểu rồi bắt mình phải trả đến 700.000 đồng tiền lãi. Lúc đó chưa trả kịp thì họ có gọi điện và đe dọa nên mình cũng rất sợ, cuối cùng phải gọi điện về cầu cứu bố mẹ mới có thể trả được khoản tiền đó”.
Những tờ in “ Cho vay không thế chấp” khiến nhiều người “tiền mất tật mang”
Nhiều nạn nhân đã phải chịu cảnh kinh tế kiệt quệ vì phải trả số tiền lãi mẹ đẻ lãi con. Rất nhiều trường hợp người đi vay không trả đúng hạn và bị các đối tượng cho vay thuê người đến “đòi nợ” theo kiểu xã hội đen, khiến nhiều người vô cùng hoang mang lo sợ.
Quy định nào cho vay không thế chấp?
Việc vay lãi đã được pháp luật quy định theo Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng". Nài ra theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, có hiệu lực từ ngày 01/12/2010.
Như vậy với mức lãi suất 3000 đồng/triệu/ngày tương được với 0,3%/ngày. Điều đó có nghĩa là lãi suất 1 tháng là 9%, cao tương đương mức 9% theo quy định và cao hơn lãi suất hiện nay. Do đó đây có thể xếp vào một hành vi cho vay nặng lãi và vi phạm pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Tạ Ngọc Vân – Trưởng phòng luật sư Tạ Vân tại Hà Nội cho biết: “Theo khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 và sửa đổi bổ sung tại điều 468 của Bộ luật dân sự 2015: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".
"Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ", ông nói thêm.
Cũng theo luật sư Tân, trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất trong quy định của Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Liệu rằng những tờ rơi được in và dán trên những gốc cây, điểm dừng xe buýt hay cột điện còn đẩy bao nhiêu con người vào những hoàn cảnh khó khăn vì nợ nần nữa? Rõ ràng, những hành vi cho vay lãi suất cao như thế này đang vi phạm pháp luật và cần được các cơ quan chức năng vào cuộc cũng như có các hình thức xử lý phù hợp. Dù vậy, hình thức cho vay này lại vẫn tồn tại và cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn có những người “dính phải”. Mặc dù nhu cầu kinh tế đôi khi khiến chúng ta rơi vào những hoàn cảnh éo le và cần phải tìm đến những nơi giúp chúng ta giải quyết một cách nhanh chóng, đơn giản như các cơ sở cho vay không cần thế chấp. Tuy nhiên, mỗi người hãy cố gắng tìm cho mình một cách giải quyết tốt hơn, hoặc tìm vay ở những nơi uy tín, thân cận, tránh để bản thân rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Thu Phượng – Dương Lan
Cùng chuyên mục
Bình luận