Vẻ đẹp Việt ẩn chứa nơi hồn quê cổ
(Sóng trẻ) - Trong xã hội xô bồ với tốc độ đô thị hóa không ngừng, nhiều làng quê đang mất dần nét cổ kính. Nhưng khi đến với những không gian văn hóa như làng cổ Đường Lâm hay khu sinh thái làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam, chúng ta sẽ bắt gặp lại vẻ rêu phong của những ngôi nhà cổ, hay khám phá thêm vẻ đặc sắc của các dân tộc Việt Nam.
Đình Mông Phụ - nét đặc sắc nhất của làng cổ Đường Lâm, đã được xây dựng gần 400 năm nay, mang đậm nét kiến trúc đình làng người Kinh cổ. Đây là một minh chứng cho nghệ thuật kiến trúc, kiến thiết tinh hoa và độc đáo của cha ông ta. Không còn nhiều nơi có thể còn lưu lại dấu ấn độc đáo như nơi đây.
Đi bộ trong làng, ta không ngạc nhiên nhiều bởi những hình ảnh lối xóm, đường làng đơn sơ, mộc mạc nhưng đậm nét dân dã, gợi thật nhiều xúc cảm cho những “thi sĩ”…
Được xây dựng cách đây khoảng 5 thế kỉ, chiếc giếng cổ nằm giữa làng là điểm nhấn đặc biệt và độc đáo cho ngôi làng cổ của người Kinh.
Căn nhà 5 gian cũng là một phần không thể thiếu khi nhắc đến kiến trúc làng cổ. Trước kia phải là một gia đình rất điều kiện thì mới có thể xây dựng được ngôi nhà như vậy. Khác với người Kinh, cư dân Chăm có một nét kiến trúc đặc biệt mà không nơi nào có được.
Chùa cổ của người Khmer là một nét văn hóa độc đáo và đặc sắc. Ngôi chùa phủ một màu vàng lộng lẫy đặc sắc bên hồ nước, nhìn xa có thể tưởng tượng cả ngôi chùa như đang dát vàng. Quần thể chùa gồm chính điện, am thờ, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe n, nhà thuyền, chùa nhỏ, nhà sa la, cột cờ và ao sen.
Nhà sàn của người Khmer cũng thật đơn giản và có nét gần giống nhà sàn của người Mường cổ. Những cấu trúc chân, cầu thang của ngôi nhà thì không có dân tộc nào giống. Ngôi nhà càng làm rõ hơn về tư duy cũng như lối sống của người dân dân tộc này.
Tháp Chăm (tháp Chàm) của người Chăm – một công trình kì vĩ với thời gian và nền kiến trúc cổ. Tháp được xây dựng bằng gạch nung đỏ sẫm, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông. Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá.
Một ngôi nhà khi nhìn tổng thể đã thấy sự độc đáo và tôn ti trật tự trong nhà là chế độ mẫu hệ. Đây là nhà dài của người Ê-đê. Nhà làm bằng gỗ, mặt sàn và vách tường bao quanh làm bằng thân cây bương hay tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Đúng là ít dân tộc nào có một ngôi nhà với chiếc cầu thang đặc sắc như vậy. Một lối kiến trúc quá đặc biệt.
Dù là dân tộc nào, ở địa phương nào, thì bản sắc của họ đều không thể phai nhạt. Chính những nét độc đáo đó đã làm nên vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Nó sẽ còn lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Hồng Quảng, Duy Hưng
Cùng chuyên mục
Bình luận