Viết phóng sự
(Sóng trẻ)- Phóng sự hay nằm ở công phu, tâm huyết về đề tài độc, muốn có những cái đó thì phải đầu tư, đầu tư thì phải được toà soạn hay cơ quan chủ quản ghi nhận. Nếu không ghi nhận thì người viết sẽ chỉ lao vào những đề tài dễ dãi, lặp lại, ăn xổi ở thì, viết cũng không chết ai mà không viết cũng không chết ai...
1. Tôi thích câu trong từ điển, viết: “phóng sự là một thể văn…”. Tất nhiên, câu mấu chốt là ở vế sau dấu ba chấm, tức là một thể văn như thế nào đó. Văn vẻ trau chuốt, hay là gảy gót chi tiết để làm văn, hay là nói một cách văn chương hình ảnh về những đề tài nóng, đề tài đáng quan tâm của xã hội, của nhân tình thế thái (như các cách định nghĩa khác). Nói như thế nghĩa là, gì thì gì, phóng sự có thể nói về bất cứ cái gì dù to dù bé nhưng phải nói một cách có hình ảnh, có chi tiết, có giọng điệu, có chiều sâu. Tôi không bao giờ tin lại có một bài phóng sự chỉ dài dưới 1300 chữ. Đó sẽ là bài phản ánh hoặc một cái gì đó chứ không thể là phóng sự. Phóng sự là phải tạo ra được góc nhìn cho vấn đề sự kiện mà mình đang đề cập. Nêú không nó sẽ trở nên vô duyên và tẻ nhạt. Nói chung, để nói về một quan niệm đầy đủ thì rất khó!
2. Vị trí của phóng sự trên tờ báo bao giờ cũng giữ vai trò là trọng pháo trong bài binh bố trận. Có thể nói phóng sự theo kiểu này, kiểu khác, gu này hay gu khác, nhưng không báo nào là không có phóng sự. Bởi phóng sự, ký sự, ghi chép hay phóng sự điều tra…, nói thẳng ra là các người bày cỗ ở các toà soạn người ta cũng ít quan tâm phân biệt cho rạch ròi. Nhiều tờ báo người ta ghi tên thể loại cũng phiên phiến. Lý do là khi phục vụ độc giả thì các thể loại này cũng có giá trị như nhau: ấy là đi sâu vấn đề, khía đau vào vấn đề và giải quyết vấn đề một cách đích đáng, “hả hê” nhất. Nhất là những phóng sự điều tra, đánh tiêu cực, phóng sự thân phận, phóng sự về các vùng đất kỳ thú, phóng sự về sự khập khiễng bất cập của chính sách vào cuộc sống, về sự vô ý thức của người dân với cộng đồng và môi trường…! Đó là những vấn đề ăn khách, và chỉ có phóng sự hay những thể loại có độ dài, độ sâu, độ “khoét vấn đề” tương đương mới tải nổi. Đó là lý do để phóng sự được tôn vinh. Hầu như tất cả các tờ báo lớn hiện nay đều mở các cuộc thi bút ký phóng sự là vì thế, là vì họ muốn “câu” các cây viết phóng sự về báo mình, là vì họ thấy rõ sức mạnh trọng pháo của phóng sự.
Một thế mạnh nữa của phóng sự trong thời đại chết nghẹn thông tin này là phóng sự có giọng điệu, có góc nhìn riêng thú vị và tâm đắc cho độc giả. Thông tin được định hướng rất rõ ràng, cụ thể, nhiều khi bốp chát qua sự dấn thân, cũng như qua cái Tôi của chính người viết!
3. Duy trì mục phóng sự trên báo luôn luôn là một điều khó khăn. Vì người viết phóng sự không nhiều, trong khi các tờ báo lực bất tòng tâm trong việc nuôi các cây viết phóng sự. Nuôi một cây viết phóng sự là chấp nhận họ không làm tin bài cập nhật, họ không có định mức theo chỉ tiêu ăn lương, thậm chí họ viết được hay không là do ngẫu hứng, do cuộc sống va đập vào họ có nảy ra cảm xúc hay không… Trong thời buổi cạnh tranh thông tin này, ít tờ báo nuôi các cây viết phóng sự một cách có bài bản là bởi vì những lý do trên.
Khi không nuôi dưỡng các cây phóng sự một cách có ý thức thì sẽ gây ra mấy điều nguy hiểm sau:
- Mục phóng sự của tờ báo đó sẽ bị ăn đong, khi nào cộng tác viên gửi đến thì mới có phóng sự để đăng, tự nhiên thể loại phóng sự trên báo không được tôn vinh nữa.
- Còn phóng viên hầu hết chạy theo thời sự và các sự việc vụn vặt, đến lúc họ đá vào phóng sự là hầu hết họ viết ẩu, viết vội, ẩu với vội sinh ra không chau chuốt, thế thì không còn là phóng sự nữa rồi. Nhiều lắm nó trở thành bài điều tra đánh đấm!
- Thứ ba, khi anh không nuôi dưỡng cây viết phóng sự thì dù người viết có năng khiếu, có tài đến mấy, rồi họ cũng hết vốn, hết đề tài tâm đắc mà mai một đi thôi. Người viết phóng sự bao giờ cũng phải có điểm dừng để nạp kiến thức, nạp cảm xúc, nạp đề tài và nạp cách nhìn vấn đề cho “cao tay” hơn. Mất điều đó, là bi kịch đáng tiếc cho những người làm phóng sự trẻ như chúng tôi.
4. Báo chí hiện đại bây giờ đã tiếp thêm sức mạnh cho phóng sự báo chí, vì phóng sự bây giờ bao giờ cũng đánh thẳng vào hiện thực. Đã hết thời phóng sự quá nhềnh nhàng (tất nhiên, phóng sự văn chương và cảm xúc văn chương thì vẫn còn); bây giờ, yêu cầu của độc giả là người viết phải dấn thân, phải điều tra, phải nói thẳng ý tứ quan điểm của mình với tư cách một công dân có trách nhiệm, một nhà báo có trách nhiệm. Đụng vào vấn đề gì bằng giọng văn phóng sự, nhưng là người thật việc thật, với độ tin cậy cao. Đáp ứng được những yêu cầu đó, phóng sự sẽ là cầu nối rất gần giữa mặt báo và cuộc sống. Sự sâu sát đó, lại thêm vị trí trọng pháo, với diện tích “đất” và sự trình bày bắt mắt với hệ thống ảnh, sơ đồ, biểu đồ sinh động nữa, vai trò của phóng sự là rất lớn. Khi phản ánh và phân tích, kiến nghị từ cuộc sống, phóng sự đã được tôn vinh!
5. Báo Lao Động đã tạo được thương hiệu cho phóng sự của mình, cho nên trong các cuộc thi, họ không trương biển phóng sự dự thi mà thôi, mà hơn thế họ treo biển cuộc thi Phóng sự Báo Lao Động. Điều này hình như ở nước ta chưa tờ báo nào làm được, ít ra là trong khát vọng với ý tưởng thực hiện. Chỉ tiếc rằng gần đây, các cây viết phóng sự nổi tiếng của báo Lao Động ít viết phóng sự hơn. Một lý do mà rất nhiều người nói là, báo ra quá dày kỳ như thế thì rất khó một ngày chọn ra một phóng sự theo phong cách Lao Động. Đấy là chưa kể, chủ trương mấy năm nay của tờ báo này là rút ngắn số chữ cho mỗi phóng sự của báo đi có vẻ như đã gọt tỉa mất ít nhiều hồn cốt và phong cách của các cây viết.
Tờ Tiền Phong cũng còn ít đất cho phóng sự, sự thưa vắng dần các cây viết đã một thời làm mưa làm gió.
6. Trong quá trình thu thập tư liệu làm phóng sự, có rất nhiều kỹ năng mang tính chất quyết định.
Nếu như phỏng vấn thì mọi khả năng của nhà báo nằm ở chỗ đặt câu hỏi và lựa chọn câu trả lời mà mình cho là thực sự hay, nếu như viết tin thì cốt ở độ nhanh nhạy và nắm được độc giả đang thích mình “phát” tin gì cho đúng chỗ ngứa, thì quá trình thu thập tư liệu của người viết phóng sự công phu hơn và khắc nghiệt hơn nhiều.
Người làm phóng sự phải tuân thủ các cách khai thác tư liệu của người phỏng vấn và người làm tin. Nhưng họ còn phải được trang bị thêm rất nhiều kỹ năng. Kỹ năng quan sát, kỹ năng tìm ra câu nói mang tính chất mấu chốt của người đối diện, tìm ra giọng điệu nhấn nhá của họ, tìm ra từ ngữ sinh động và mang bản sắc mà họ đang dùng, tìm ra thái độ họ trò chuyện với mình. Và, trên hết phải lý giải được những điều đó. Họ phải thu thập mọi nguồn tin, mọi văn bản, nhiều nhất trong chừng mực có thể, để làm sao tìm ra bản chất vấn đề. Thấy bản chất vấn đề rồi, lại phải diễn tả làm sao cho sinh động, cho văn vẻ, hình ảnh và các chi tiết đắt.
Tôi nghĩ, trong các phóng sự nóng, ghi âm là thứ cực kỳ quan trọng, cho dù có thể khi về anh không hề bóc băng! Yêu cầu về độ tinh tế của người cầm bút được đặt lên rất cao, sau nữa là cái tầm nhìn kiện của nhà báo, nhìn làm sao vẫn có cảm xúc, vẫn có trường liên tưởng rộngmà vẫn sáng suốt, tỉnh bơ nhân sự. Điều này, theo cá nhân tôi là cực khó. Đặc biệt nhất là trong khi đi vào các điểm nóng, đi vùng sâu vùng xa, sóng gió mũi nhọn.
Việc thu thập thông tin lại càng khó hơn. Đi trên tàu bồng bềnh cả tháng trên biển thì tính ghi chép làm sao, đi trong rừng sâu, đêm đến là mù mịt với ngọn đèn dầu thì ghi chép làm sao, đi trong cả một đoàn du khảo, lúc nào cũng tiệc tùng vỗ tay và uống rượu thì ghi chép thế nào. Điều này là rất khó. Lại còn bố trí viết lúc nào cho hợp lý, để kịp truyền bài về. Chụp ảnh thế nào. Làm thế nào bảo quản phim ảnh, máy móc để tránh rủi ro như nước biển, hay ngã xuống suối hay nước mưa tràn vào trong suốt lộ trình. Trong những vụ điều tra gay cấn thì làm sao ghi âm, chụp ảnh lén được, bố trí đứng ở đâu, vào vai như thế nào.
Tôi nghĩ mấu chốt trong kỹ năng người làm báo nằm ở những lần tác chiến như thế này. Nói cách khác, đây là điểm cốt yếu để đánh giá đẳng cấp của người làm báo. Tất nhiên, những thao tác mang tính nhanh tay nhanh mắt này có thể là nhiều người cũng làm được, nhưng vấn đề nữa nằm ở chỗ anh về anh có quan sát, có ghi chép, có chụp ảnh rồi có viết được thành tác phẩm không. Nếu không có mạch văn, không có cái giọng điệu và cảm xúc thì phóng sự chỉ là ghi chép mang tính nhật ký đơn thuần ở dọc đường hay ở khi chứng kiến một sự kiện gì đó thôi - điều đó là rất dở!
Theo cá nhân tôi, khi đi làm phóng sự, nhất thiết người làm báo phải có đầy đủ thiết bị tương đối hiện đại để vượt qua được những cản trở không đáng có. Ví dụ như một cái máy ghi âm là không an toàn, ví dụ như một cái máy ảnh không Xịn là không an toàn, máy ảnh không có một chút têlê để có thể chụp ảnh lén là chưa đạt yêu cầu. Nói như thế rất khó, bởi vì nó còn phụ thuộc và vấn đề tài chính của mỗi người. Nhưng rõ ràng, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố không để xảy ra sơ xuất. Ví dụ, nếu đi ghi âm một cuộc phỏng vấn gay cấn, nếu máy hết pin, hoặc rối băng, hoặc bấm nhầm nút thì rõ ràng tự khắc anh sẽ mất hứng làm vụ đó. Và, khi anh quay lại phỏng vấn người ta lần thứ hai vẫn với ngần ấy câu hỏi là điều tối kỵ trong làm báo.
Điều nữa, sự chuẩn bị kỹ càng về phim ảnh, pin, sạc điện, máy móc hoàn hảo như một chiến binh ra trận. Trong các cuộc đi rừng cả chục ngày không nhìn thấy hàng quán hay ánh sáng văn minh, tôi nghĩ thiếu một cái quần lót cũng là cực hình, máy ảnh hết pincũng đồng nghĩa với việc chuyến đi đã thất bại. Thậm chí chụp xong cuộn phim nào, ghi xong cuốn sổ tay nào, anh phải cho vào túi ni lông chằng buộc kỹ càng ngay, phải đối xử với nó với tư cách một vật bất kỳ lúc nào nó cũng bị rơi xuống chậu nước rửa mặt, hoặc bị một chén rượu đổ vào. Sổ tay và máy móc là hai báu vật của bạn trong chuyến đi đó, phải bó chặt và ném nó xuống suối noá cũng không sao, đó mới là cách tôn trọng các vùng đất, con người mình đã đi qua của nhà báo.
Các kế hoạch gặp ai, phỏng vấn cái gì, thắc mắc gì, xin tư liệu gì trong một chuyến đi dài ngày cũng là điều rất hóc búa. Nếu không ghi nhật ký, nếu không hệ thống tư liệu lại và lên chương trình làm việc cho ngày hôm sau thì sớm hay muộn gì bạn cũng bị khuyết mất tài liệu, bỏ sót tài liệu, bỏ sót nhân vật trên đường đi, bỏ sót những điều đã quan sát được, hoặc quên mất tất cả những điều đó. Bởi cảm xúc của con người nó có quy luật rất bạc bẽo là cảm xúc trước nó cứ bị cảm xúc sau đè lấn một tý, rồi một tý. Mà vụng về nữa thì bạn sẽ dễ dàng bỏ quên mất cuốn sổ tay ở đâu đó. Và bi kịch còn khủng khiếp hơn nếu bạn bỏ quên nó ở đâu đó, bạn không nhớ bỏ quên ở đâu, và thậm chí bạn cũng không ghi dòng nào trong cuốn sổ ấy là bạn, tên là gì, làm ở đâu, điện thoại thế nào là chủ nhân của cuốn sổ ấy. Không có hy vọng tìm thấy nó. Với vùng sâu vùng xa, không đường ôtô, không điện đóm, điện thoại gì, mất sổ tức là bạn mất tất cả chuyến đi ấy, với tư cách là người làm phóng sự.
Bởi phóng sự không phải là thứ nhật ký viết chàng màng, tôi đã đến đây, gặp ai, và làm gì chung chung. Nó phải là thứ cụ thể, sắc sảo, đau điếng, đanh thép, sinh động, người thật việc thật 100% với tên tuổi địa chỉ đàng hoàng. Khi đụng đến các vấn đề nóng, thì bất cứ sai sót nhầm lẫn nào của bạn cũng trở nên tai hoạ!
7. Tôi nghĩ, đã là báo chí thì đầu tiên phải trung thực, và phải không phụ lòng tin cậy của độc giả. Phóng sự báo chí, cũng không nằm nài quy luật đó, chừng nào là phóng sự văn học hay văn chương thì bay bổng “xây dựng hình tượng” một chút không sao! Điều này không mâu thuẫn với tính chất văn chương trong phóng sự. Bởi vấn đề là vẫn trung thực mà người viết vẫn tìm trong cuộc sống được những vùng đất, những cảnh đời, những chi tiết sinh động, lấp lánh mang tính văn chương, đó mới là thách thức của người làm phóng sự/
Thật ra thì yếu tố văn chương trong phóng sự là hết sức cần thiết, song như thế không có nghĩa là người đọc chỉ cần sự văn chương của phóng sự. Người đọc cần cái nhìn có cá tính, giọng kể có cá tính, và góc nhìn có cá tính của tác giả viết phóng sự từ trên cái nền hiện thực của cuộc sống thì đúng hơn.
Ví dụ, nếu cần cuộc đời một cô gái điếm lãng mạn hay cực khổ thì trong tiểu thuyết có quá nhiều rồi, cả việt nam và thế giới đã có rồi. Nhưng khi một phóng sự viết về thân phận hay cuộc sống, hay khát vọng của giới mại dâm thời này, có thể nhữnggì người làm phóng sự không sinh động bằng trong các tiểu thuyết của các văn tài trên thế giới đã viết, nhưng nó vẫn có người đọc, bởi người đọc cần sự chân thực của nó (chứ không phải văn chương). Độc giả muốn biết xung quanh mình đang diễn ra những cái gì, và điều đó ở mức độ nào, gây ra nguy cơ gì, làm thế nào để tránh nó, mình phải ứng xử như thế nào với môi trường đó…
Đó là giá trị của tính chân thực trong báo chí nói chung và phóng sự nói riêng.
8. Tôi nghĩ, dù còn nhiều bất cập trong quan điểm tôn vinh vai trò của phóng sự trong một số toà soạn, song lực lượng làm phóng sự của chúng ta hiện nay là khá hùng hậu. Chỉ có điều, vì tính thị trường của mình, các toà soạn yêu cầu phóng viên làm phóng sự thiên về hướng điều tra thuần tuý như một chiến sĩ công an, như một cán bộ điều tra với thông tin chòn chõn khô cứng hơi nhiều. Điều này có ích trong vai trò phục vụ nhu cầu trước mắt của cuộc sống, đáp ứng tính thời sự. Song tính về cái lợi cho mục phóng sự, hay cho sức bền của các phóng sự đã được làm ra thì quả là rất đáng lo lắng. Sẽ đến một ngày, rất nhiều phóng sự (hay một cái gì tương tự như thế) được đăng tải, song khi sự kiện qua đi thì chẳng ai còn nhớ tới bài phóng sự ấy nữa. Làm như thế cũng có nghĩa là phóng sự tự đánh mất cái giá trị mặt mạnh của mình.
Cũng cần nói thêm về sự hùng hậu của lực lượng làm phóng sự hiện nay, hầu như không có điểm nóng nào mà không có lực lượng làm phóng sự xuất hiện, hầu như hiếm có vùng sâu vùng xa, vùng huyền thoại, vùng ma quái hay các thân phận người ngóc ngách nào mà không được các nhà báo đến “vày vò”. Điều đó rất mừng, rất hay, điều đó đã nâng cao vị thế, trách nhiệm của nhà báo trong xã hội.
9. Cơ quan báo chí cần đầu tư thời gian cho phóng viên đi viết một bài phóng sự nhiều hơn nữa. Đầu tư tiền bạc, lương bổng, công tác phí cho họ hơn nữa. Để viết một bài phóng sự có công phu, có đam mê nhiệt huyết rất tốn công sức, tốn thời gian. Mà làm như thế nhuận bút cũng chẳng hơn gì một bài phỏng vấn chiếm diện tích tương đương trên báo. Thế nên có người nói đùa rằng, làm phóng sự bây giờ anh em viết phóng sự thiệt thòi y như mấy diễn viên tuồng trên sân khấu ấy, họ “đỏ đèn’’ là vì họ thật sự đam mê thôi.
Phóng sự hay nằm ở công phu, tâm huyết về đề tài độc, muốn có những cái đó thì phải đầu tư, đầu tư thì phải được toà soạn hay cơ quan chủ quản ghi nhận. Nếu không ghi nhận thì anh em sẽ vì cuộc sống, vì công việc trước mầtm đổ đi làm những đề tài dễ dãi, lặp lại, ăn xổi ở thì, viết cũng không chết ai mà không viết cũng không chết ai.
Điều nữa tôi nhấn mạnh là ban biên tập phải có con mắt xanh để nhận ra phóng sự nào hay, phóng sự nào không hay, ghi nhận công sức sáng tạo thực sự của người phóng viên. Nếu không thì anh em sẽ nản, và sẽ rất khó để giữ được quan điểm nhất quán thế nào là một phóng sự hay.
Một người làm phóng sự, cần có hậu thuẫn ở cả toà soạn, mỗi khi đi vào những vấn đề nóng, vấn đề nguy hiểm, hay gay cấn.
Đỗ Doãn Hoàng
(Báo Lao Động)
Cùng chuyên mục
Bình luận