“Phong bì” cho thầy cô: Nên hay không?

Tri ân chân thành hay lệch lạc về giá trị?

Cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chị Ngọc Lan (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn băn khoăn về món quà dành tặng cô giáo đang dạy con trai mình, hiện đang học lớp 1.

Theo chị Lan, món quà ý nghĩa nhất không chỉ phù hợp với khả năng tài chính của gia đình mà còn hữu ích cho người nhận. Sau khi cân nhắc, chị quyết định chuẩn bị một món quà nhỏ kèm theo phong bì tiền mặt.

“Con nhà mình còn bé, lại hiếu động nên việc chăm sóc cháu cũng không dễ dàng. Chỉ riêng việc trông con vài ngày cuối tuần đã khiến mình rất vất vả, trong khi các cô giáo phải chăm sóc hàng chục đứa trẻ. Chế độ lương và trợ cấp hiện tại của giáo viên còn khá thấp, gia đình mình rất muốn gửi tặng cô món quà để thể hiện sự biết ơn. Chỉ đơn giản là lời cảm ơn, không hề mong cầu sự ưu ái”, chị Lan chia sẻ.

fotor-ai-202411201167.jpg
Việc tặng quà phù hợp với thầy cô luôn là câu hỏi của nhiều phụ huynh hoặc sinh. (Ảnh: AI).

Chị cũng thừa nhận, với cuộc sống ngày nay, khi điều kiện vật chất đã đủ đầy hơn, việc chọn quà tặng sao cho ý nghĩa trở nên khó khăn. "Những vật dụng cần thiết cô giáo hầu như đều có đủ rồi, nên một chiếc phong bì là cách thiết thực nhất. Cô có thể sử dụng theo nhu cầu riêng của mình mà không phải gượng ép,” chị nói thêm.

Đồng quan điểm với chị Lan, chị Thu Hằng (Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng đã chuẩn bị sẵn một quyển sổ, chiếc bút và một phong bì nhỏ để tri ân cô giáo của con trai nhân dịp 20/11. Chị chia sẻ: “Chỉ là một khoản nhỏ, vài trăm ngàn thôi, nhưng nó tiện dụng và thực tế hơn so với việc mua quà mà không biết có phù hợp hay không”.

Ngoài việc tặng quà trong các dịp lễ, chị Hằng thường xuyên giữ liên lạc với giáo viên để hỏi thăm tình hình học tập và sinh hoạt của con ở trường. Những sự kiện đặc biệt như Tết Trung thu, Ngày hội sách hay Tết cổ truyền, chị và chồng luôn sắp xếp thời gian tham gia hỗ trợ nhà trường. Từ việc trang trí lớp học đến tổ chức hoạt động. Chị cảm thấy những trải nghiệm này giúp mình hiểu thêm về công việc đầy áp lực của các thầy cô.

“Gia đình tôi vẫn hướng dẫn con tự làm thiệp hoặc viết những lời chúc gửi đến thầy cô. Các món quà khác, bố mẹ sẽ chủ động, không để các con phải bận tâm hay hiểu nhầm mục đích,” chị Hằng tâm sự.

Trên các diễn đàn, việc tặng phong bì thay vì quà vật chất vẫn luôn là đề tài tranh luận sôi nổi. Nhiều người cho rằng tặng tiền dễ gây ra những hiểu lầm không đáng có, làm mất đi ý nghĩa trong sáng của việc tri ân. Đồng thời, điều này có thể khiến trẻ em hiểu sai về giá trị của lòng biết ơn, gắn nó với vật chất thay vì tình cảm chân thành.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng điều quan trọng nhất không nằm ở hình thức của món quà, mà ở tấm lòng của người tặng. Một món quà nhỏ nhưng chân thành, xuất phát từ sự biết ơn thật sự, sẽ luôn được trân trọng hơn cả.

 “Phong bì” không đáng ngại, cách tặng mới là quan trọng

Cô giáo Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), chia sẻ về những trải nghiệm khó quên trong dịp 20/11: “Tôi từng gặp trường hợp phụ huynh đứng lấp ló ngoài cửa lớp, chờ đến giờ ra chơi tranh thủ tặng quà ngay trước mặt học sinh. Nhiều lần, tôi nhận những món quà có giá trị lớn mà không dùng được nên đã bán đi và dùng số tiền đó làm từ thiện”.

unnamed-1.png
Cô giáo Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (Hà Nội). (Ảnh: NVCC).

 

Theo cô Hằng, quà tặng nên xuất phát từ tấm lòng chân thành, không nhất thiết phải mang giá trị lớn, mà điều quan trọng là cách tặng phải phù hợp. “Như nghi thức chào thầy cô trước giờ học để thể hiện sự tôn trọng, việc tặng quà cũng cần có sự chuẩn mực. Cha mẹ cần làm gương cho con trẻ, tránh những hành vi không đúng đắn dẫn đến suy nghĩ lệch lạc trong nhận thức của các em”, cô Hằng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, bày tỏ rằng việc tặng phong bì tiền mặt là vấn đề nhạy cảm, cần được xem xét kỹ lưỡng. 

“Phụ huynh có thể chia sẻ khó khăn với giáo viên bằng nhiều cách, nhưng nên cân nhắc điều gì nên để con cái biết và điều gì chỉ nên giữa phụ huynh với nhà trường. Trẻ em khi chứng kiến những món quà mang tính vật chất có thể hiểu sai về giá trị của lòng biết ơn hoặc bị tác động bởi những phân hóa về giàu nghèo”, Phó Giáo sư nêu quan điểm.

unnamed.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội. (Ảnh: NVCC).

 

Bà An cũng khẳng định, chiếc phong bì không phải là nguyên nhân khiến phẩm giá của người thầy bị tổn thương, mà động cơ và cách trao tặng mới là điều đáng suy ngẫm. Lòng biết ơn có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức giản dị nhưng ý nghĩa, như thiệp chúc mừng, hoa giấy, hay những món quà nhỏ do chính học sinh chuẩn bị. Quan trọng là phải xuất phát từ tấm lòng trong sáng.

Còn việc tặng "phong bì" có làm hư thầy cô hay không còn phụ thuộc vào nhân cách của người nhà giáo đó. Nếu thầy cô đã có thói quen tính toán vật chất thì dù phong bì hay dạng món quà khác cũng vẫn sẽ biểu hiện ra. Tất nhiên, số lượng này rất hiếm.

Tặng quà không phải là nghĩa vụ bắt buộc của phụ huynh với người thầy dạy con mình. Nếu món quà được trao với động cơ không đúng đắn, dù giá trị lớn hay nhỏ, thậm chí không phải tiền mặt, thì đó vẫn là biểu hiện tiêu cực.

Sự tri ân và lòng biết ơn dành cho giáo viên, nhà trường – nơi giáo dục và chăm sóc không nên dừng lại ở những dịp đặc biệt như ngày khai giảng hay 20/11. Đó là những giá trị cần được thể hiện thường xuyên, bất kỳ lúc nào, miễn là xuất phát từ tấm lòng chân thành và sự tôn trọng thực sự.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN