Bỏ Sài Gòn, cặp vợ chồng 9x lên Tây Nguyên xây dựng cuộc sống như trong mơ
(Sóng trẻ) - Ở tuổi còn rất trẻ, cặp vợ chồng 9x Thành An và Mỹ Thuận chọn cho mình cuộc sống bình yên nơi thôn dã: một khu đất rộng trồng nhiều cây trái, một ngôi nhà gỗ xinh xinh, phía trước có một ao cá nhỏ và không gian xung quanh là cây cối tốt tươi.
Giữa những áp lực của cuộc sống hiện đại, nhất là tại những thành phố đông đúc, nhộn nhịp, nhiều người có mong muốn trở về cuộc sống yên bình ở những vùng nông thôn, “thả thêm cá và trồng thêm rau”, sống chậm trong guồng quay hối hả.
Tại mảnh đất Lâm Đồng, có một đôi bạn trẻ đã thực hiện được mong ước đó: từ bỏ cuộc sống tiện nghi của thành phố mà xây dựng “tuyệt tình cốc” của riêng hai người.
Tình yêu “nở rộ” sau ba năm không gặp
Thành An (chàng trai sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh) và Mỹ Thuận (cô gái quê Lâm Đồng) cùng là sinh viên Đại học Tài chính – Marketing. Hai người học khác lớp nhưng lại gặp nhau trong kỳ học quân sự của năm nhất. Trong thời gian đó, chàng trai Sài Thành đã “cảm nắng” cô bạn Mỹ Thuận cùng lớp quân sự kia nên đã chủ động nhắn tin hỏi thăm. Thế nhưng, Mỹ Thuận dường như không để ý nê cũng không nhắn tin phản hồi.
Thấm thoát ba năm trôi qua, những tưởng hai cô cậu sinh viên Thành An và Mỹ Thuận sẽ chẳng có chuyện gì với nhau cho đến một ngày, trong một dịp tình cờ, cả hai người một lần nữa lại “va” vào nhau.
“Hôm ấy, mình cúp học ra người đi dạo, cũng đúng lúc lớp anh An được thầy cho nghỉ sớm. Anh bắt gặp mình và nhận ra người con gái đợt học cùng năm nhất nên đã đến bắt chuyện với mình”, Mỹ Thuận kể.
Trong lần gặp ấy, cô nàng bị ấn tượng với da ngăm đen, nụ cười duyên và cách nói chuyện hài hước của Thành An.
Và điều gì đến cũng sẽ đến, qua những lần leo núi, những buổi đi chơi dã ngoại, tình yêu của họ dành cho nhau bắt đầu “nở rộ”.
Hành trình bỏ Sài Gòn lên Tây Nguyên lập nghiệp
Tốt nghiệp ra trường, đôi bạn trẻ tìm được công việc phù hợp với mức lương đủ để cả hai có một cuộc sống ổn định ở Sài Gòn. Cùng người bạn quê Lâm Đồng, Thành An và Mỹ Thuận kinh doanh mắc ca để tăng thêm thu nhập. Công việc kinh doanh thuận lợi, sản phẩm đưa ra không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Điều này đã góp phần thôi thúc Mỹ Thuận thực hiện mơ ước được ấp ủ từ nhỏ của mình: một cuộc sống yên bình nơi thôn quê. Hiểu cho bạn gái, Thành An đã cùng Mỹ Thuận thực hiện ước mơ này.
Từ bỏ cuộc sống ổn định ở Sài Gòn với mức thu nhập mỗi người 15 triệu/tháng, đôi bạn trẻ quyết tâm "về vườn" thực hiện ước mơ của mình.
Nhưng mọi chuyện nào có suôn sẻ. Ngay từ khi bắt đầu, cả hai đã bị gia đình kịch liệt phản đối. “Ban đầu, việc thuyết phục bố mẹ về quyết định này của chúng mình quả thật là một điều rất khó. Ngay khi nghe mình đề cập đến mong muốn này, bố mẹ mình đã gạt ngay đi và thường khuyên mình mình tiếp tục ở Sài Gòn”, Mỹ Thuận kể.
Hiểu những nỗi trăn trở của đấng sinh thành, Thành An và Mỹ Thuận kiên trì giải thích cho cha mẹ hiểu về cuộc sống mà cả hai muốn thực hiện, trình bày cho họ về kế hoạch kinh doanh của mình và chứng minh qua hiệu quả buôn bán mắc ca.
“Mưa dầm thấm lâu”, cùng tình yêu thương dành cho con cái, cha mẹ cả hai cuối cùng cũng đồng ý và giúp đỡ các con thực hiện ước mơ của mình.
Quá trình mua đất cũng thật gian nan. Vào một ngày cuối năm, An và Thuận xuất phát từ Sài Gòn vượt qua quãng đường chừng 250 km để đến xem và mua đất, nhưng đến nơi, người chủ hủy hẹn. Trên đường về, cứ chỗ nào treo biển bán đất là cả hai lại ghé vào xem. Nhưng rồi kết quả cũng chẳng đến đâu.
Thế rồi may mắn cũng mỉm cười với đôi bạn trẻ này. Trong tuần kế tiếp, hai người đã tìm được một mảnh đất rộng và vô cùng ưng ý. Khu đất cách trung tâm xã Quảng Sơn hơn 10 cây số, hai bên chủ yếu là rừng, cảnh vật còn hoang sơ. Ở đây có một căn nhà gỗ nhỏ xinh do người chủ xây cất, phía trước là hồ nước trong lành.
“Ban đầu chúng mình chỉ muốn mua 2 đến 3 ha nhưng chủ đất lại nhất quyết không bán tách, bắt buộc phải mua cả khu với diện tích 10ha. Đó là một diện tích quá lớn với khả năng làm việc của chúng mình, nhưng vì thích quá nên mình với anh An đã mua cả”, Mỹ Thuận cho hay.
Đã có nơi để hiện thực hóa ước mơ của mình, cuối năm 2018, đôi bạn trẻ bỏ công việc và cuộc sống ổn định nơi phố thị sầm uất mà trở về với khung cảnh bình yên của “miền đất hữa”.
“Tất cả chỉ là thử thách để ta vượt qua”
Đó là câu nói mà Thành An và Mỹ Thuận thường bảo nhau khi đối mặt với khó khăn trong những ngày đầu sinh sống tại nơi ở mới.
Trang trại của hai vợ chồng cách trạm y tế tầm 30 phút đi xe, cách chợ gần nhất cũng khoảng 4km, hàng hóa cũng không phong phú. Dân cư thưa thớt, nguồn điện yếu, chỉ đủ để thắp sáng, sóng điện thoại chập chờn, nước sạch cũng không dồi dào như ở đồng bằng, cuộc sống những ngày đầu chẳng dễ dàng với cả hai.
Mỹ Thuận xuất thân từ gia đình nông thôn nên công việc vườn tược đã thạo. Nhưng với một chàng trai sinh ra và lớn lên ở thành phố như An thì cuốc đất, làm cỏ, kéo bao phân là những trải nghiệm hết sức lạ lẫm. Lần đầu làm việc, tay An bị sưng phồng lên, phải tạm dừng công việc vài ngày.
Mỹ Thuận tâm sự: “Điều khó khăn nhất mà chúng mình gặp phải là về tài chính. Số tiền mua đất ban đầu một phần do tích góp, một phần do cha mẹ giúp đỡ nên khi đến đây sinh sống thì đã không còn tiền. Lúc ấy, mình phải vay mượn bạn bè để có chi trả cho sinh hoạt và mua giống cây, phân bón phục vụ sản xuất”.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, những công việc làm vườn cũng là một thử thách lớn với cậu "công tử bột" Thành An.
Sau một năm xoay xở, thích nghi, vượt qua những khó khăn tại nơi ở mới, cả hai đều cảm thấy bắt đầu ổn định và vui với những gì mình có. Hiện tại, trong 10ha đất đang sở hữu, An và Thuận dành 2ha để trồng cà phê, 2ha mắc ca, diện tích còn lại dành cho các loại cây như mít, chuối, bơ, sầu riêng…
Với diện tích đất trồng rộng lớn, nhiều người nghĩ hai vợ chồng sẽ phải làm việc từ sáng tới tối, vất vả ngoài vườn. Nhưng thực tế, thời gian làm việc của Thành An và Mỹ Thuận có thể khiến những người đó bất ngờ. “Một ngày chúng mình làm việc từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ, chủ yếu là để trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản. Chúng mình ít khi mướn thêm người làm, chỉ khi cần thu hoạch trong ít ngày hay phải làm ngay thì chúng mình mới cần đến thôi”, Mỹ Thuận chia sẻ.
Nhìn lại cuộc sống một năm tại nơi núi rừng Tây Nguyên, hai bạn trẻ đều cảm thấy hài lòng khi mỗi ngày được ngắm nhìn cây cối xanh tươi, được tận hưởng giấc ngủ trong không gian mát lành, thưởng thức những cốc cà phê giữa thiên nhiên tràn đầy sức sống và còn nhiều thú vui khác nữa.
Những lời đàm tếu
Đây chẳng là điều bất ngờ với cả Thành An và Mỹ Thuận. Tốt nghiệp đại học và có một công việc với mức lương có thể cho hai người cuộc sống ổn định nơi ở Sài Gòn, nhiều người cho hai người là “khùng”, không biết suy nghĩ, thậm chí còn có những hoài nghi về lý do họ về vườn.
Trên mạng xã hội, bên cạnh những bình luận bày tỏ sự thích thú với cuộc sống của hai vợ chồng, còn có những bình luận phê phán về lối sống “an nhàn” mà hai người đang có. “Ai cũng sống như vậy thì lấy ai xây dựng và phát triển đất nước”, một tài khoản Facebook bình luận.
Nhưng với quan điểm sống rõ ràng, Thành An và Thuận Mỹ luôn tin tưởng vào con đường đã lựa chọn. “Mình đã ước mơ có một cuộc sống bình dị như này từ lâu và cả hai đều cảm thấy hạnh phúc thì không có gì đáng bàn. Còn ai đó nói mình sống “an nhàn” thì do họ chưa hiểu. Nếu làm nông nghiệp mà an nhàn thì còn công việc gì vất vả nữa. Minh về quê, làm vườn và vẫn đóng góp cho đất nước theo cách riêng của mình. Đâu phải cứ phải chọn công việc áp lực, lương cao mới là đóng góp đâu”, Mỹ Thuận nói.
Minh về quê, làm vườn và vẫn đóng góp cho đất nước theo cách riêng của mình. Đâu phải cứ phải chọn công việc áp lực, lương cao mới là đóng góp đâu”, Mỹ Thuận chia sẻ
Và cũng theo Thuận và An, xu hướng bỏ phố về quê sinh sống là một điều tốt, giúp phát triển kinh tế những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa mà lại không phải chịu những áp lực lớn như trên thành phố. Tuy nhiên, với mỗi người, xu hướng này có nên hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện gia đình, mong muốn thực sự của bản thân, khả năng tài chính,...
Thành An chia sẻ: “Điều kiên quyết nhất là bạn phải thực sự muốn chứ không phải chỉ vì trào lưu hay chốn tránh áp lực. Và nếu đã thực sự muốn rồi thì hãy cứ làm đi. Mình còn trẻ, còn có cơ hội làm lại. Đừng để mai sau phải nuối tiếc vì bất kỳ điều gì”.
An và Thuận cho biết họ sẽ tiếp tục trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống nơi đây cho đến khi cảm thấy không tìm thấy niềm vui ở nơi này nữa. Nhưng thời gian đó có thể rất lâu hoặc không bao giờ xảy ra. Trên mảnh đất rộng rãi của mình, còn nhiều diện tích đang bị bỏ hoang đang đợi Thành An và Mỹ Thuận đến cải tạo và khoác lên chúng bộ cánh mới với màu xanh tươi của cây trái và những bông hoa xinh thêm sắc cho đời.