Có một thứ “bùa yêu” mang tên… Phát thanh – Truyền hình
(Sóng trẻ) - Chẳng cần rối rắm như tình yêu nam nữ, tình yêu mà Th.S Nguyễn Nga Huyền - giảng viên truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền dành cho khoa Phát thanh – Truyền hình bộc trực và thẳng thắn. Tình cảm ấy, trên một khía cạnh nào đó có sự tương đồng với tình cảm mà mọi thế hệ giảng viên, sinh viên đã dành cho khoa Phát thanh – Truyền hình trong suốt 15 năm qua.
Thạc sĩ Nguyễn Nga Huyền là sinh viên văn bằng 2 của khoa PT-TH từ năm 2007, và trở thành giảng viên của khoa từ năm 2013.
“Kể từ khi tôi vào, thấy khoa toàn tuyển giáo viên trẻ hơn tôi trở đi, đôi khi có một chút dỗi hờn vì lúc nào cũng ở trong nhóm gần-trẻ-nhất mà thôi. Nhưng kệ, tâm-hồn-trẻ mới là thứ tồn tại duy nhất”, lời chia sẻ của cô độc đáo và gây ấn tượng mạnh như chính những con người bén rễ từ khoa PT-TH vậy.
PV: Điều gì đã mang cô đến với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mà đặc biệt là khoa PT-TH?
Khoa PTTH là nơi gần gũi với tôi từ khi tôi còn bé, vì bố tôi công tác tại đây. Vì thế, tôi biết đến nghề báo nhờ chính công việc hằng ngày của bố tôi. Cũng có lẽ vì vậy mà sau này công việc của tôi liên quan đến lĩnh vực báo truyền hình và trở về trường làm giảng viên báo truyền hình ở chính nơi mà tôi từng học tập và bố tôi từng công tác. Đây là điều đặc biệt ở AJC và khoa PTTH đối với tôi.
Th.S Nguyễn Nga Huyền tại Lễ kỷ niệm 15 năm tái thành lập khoa Phát thanh - Truyền hình
PV: Trong khoa, ai là hình mẫu về tác phong giảng dạy cũng như cách ứng xử trong cuộc sống mà cô luôn cố gắng phấn đấu trở thành?
Ở Khoa PTTH, mỗi thầy cô đều có cá tính và phong cách riêng. Tôi đều học được ở mỗi đồng nghiệp của tôi những điểm hay điểm mạnh. Nếu như cô trưởng khoa Nguyễn Thị Trường Giang là một hình mẫu tiêu biểu về ý chí mạnh mẽ, khả năng quản lý công việc, thời gian và ra quyết định, thì thầy Phó trưởng khoa Đinh Ngọc Sơn là bậc thầy về phương pháp giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm và phong cách ứng xử gần gũi, giản dị.
Cô Đinh Thị Thu Hằng - Phó trưởng khoa thì khiến tôi khâm phục ở cách suy nghĩ lạc quan và bình tĩnh trước mọi áp lực trong công việc. Và các đồng nghiệp khác trong khoa, ở mỗi người đều có môt phong cách riêng, cá tính riêng. Chúng tôi không ai sao chép phong cách của nhau nhưng đều ghi nhận những điểm mạnh của người khác.
PV: Cô còn nhớ cảm xúc của cô ở giờ dạy đầu tiên trong vị trí là một giảng viên của khoa PTTH?
Tôi tin rằng giờ dạy đầu tiên đối với mọi giảng viên đều hồi hộp, căng thẳng. Tôi cũng không nằm nài cảm xúc chung ấy.
PV: Cô có thể chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ hoặc một giờ giảng không thể nào quên được trong quá trình giảng dạy tại khoa PTTH?
Kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi không phải khi đang lên lớp. Hôm ấy tôi không có giờ dạy, một nữ sinh viên lớp tôi chủ nhiệm gọi điện cho tôi và bỗng dưng… khóc. Bạn ấy tâm sự về việc mất phương hướng trong công việc và cuộc sống, cảm thấy không thể tỉnh táo để làm việc được (bạn ấy đang làm thêm rất nhiều việc khác nhau).
Và cứ thế, vừa khóc bạn ấy vừa nói. Sau khi nghe bạn tâm sự, tôi đã nói chuyện với bạn, động viên bạn rất lâu. Tôi chia sẻ với bạn cả câu chuyện của riêng tôi. Và sau buổi trò chuyện đó thì tâm trạng bạn khá hơn rất nhiều. Sau lần ấy, tôi thấm thía hơn rất nhiều về trách nhiệm của một giảng viên, không chỉ là việc giảng dạy trao đổi kiến thức, kỹ năng, mà đó còn là sự chia sẻ về mặt tinh thần với những sinh viên của tôi.
PV: Quá trình công tác tại khoa PTTH đã giúp cô trưởng thành như thế nào trong sự nghiệp giảng dạy, thưa cô?
Điều lớn nhất tôi học được chính là khả năng chủ động tự lên kế hoạch và giải quyết công việc. Chúng tôi không chỉ có việc giảng dạy, mà còn thực hiện nhiều dự án với các đối tác bên nài.
Cô Nga Huyền chụp cùng các đồng nghiệp khoa PT-TH trong ngày hội tuyển sinh AJC 2018
Vì vậy, nếu không thể tự quản lý công việc, thì chúng tôi không thể hoàn thành núi công việc của mỗi người. Đồng thời, quá trình làm việc ở khoa cũng cho chúng tôi khả năng chịu được áp lực trong công việc và luôn duy trì một tinh thần đoàn kết tập thể.
PV: Năm nay là sinh nhật lần thứ 15 và cũng là sinh nhật cuối cùng của khoa PT-TH trước khi sáp nhập trở lại vào khoa Báo chí. Cô hãy gửi một lời chúc đến “tình yêu”đặc biệt này?
Tôi không mong gì hơn một khoa PTTH tiếp tục phát huy được những thế mạnh như sự trẻ trung, sức sáng tạo và tinh thần đoàn kết.
Th.S Nga Huyền cùng GS Thomas Bauer (ĐH Tổng hợp Viên, Áo) trong dự án Nâng cao năng lực truyền thông
PV: Giả sử phải nói về điều mà cô tâm đắc nhất ở khoa PT-TH trong 1 câu ngắn gọn nhất có thể, cô sẽ nói gì?
Đoàn kết là sức mạnh nền tảng.
Cảm ơn cô vì những chia sẻ trên!
X-group
Báo mạng điện tử K35