Công nghệ làm “hư” người làm báo
(Sóng Trẻ) Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, thậm chí đã làm thay đổi thói quen, tập tục truyền thống... tất nhiên nó ảnh hưởng đến cả quá trình tác nghiệp báo chí.
Không thể phủ nhận được vai trò to lớn của công nghệ đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam. Thời đại kỹ thuật số hóa đã khiến thông tin từ cuộc sống đến với công chúng trở nên đa dạng, nhiều màu sắc và hấp dẫn hơn. Thế nhưng, hệ lụy mà nó kéo theo là tác phong làm báo của một bộ phận nhà báo đang thay đổi theo hướng tiêu cực.
Vấn nạn “xào bài” được xem là một trong những vấn đề nhức nhối của báo chí, đặc biệt là đối với báo mạng điện tử. Những trang báo mạng điện tử khó có thể có được “thông tin độc quyền” vào giai đoạn hiện nay. Đối với người làm báo, hành động xào bài người khác được coi là việc làm không có tự trọng và không có đạo đức. Khi người làm báo chân chính phải lăn xả vào thực tế để thu thập những thông tin từ đời sống mang đến cho độc giả, thì những “nhà báo salon” lại “sống ký sinh” ngay trên lưng và sự nguy hiểm của người làm báo chân chính. Sự vô liêm ấy được thể hiện ở việc rất nhiều trang báo mạng sử dụng cả những phần mềm tự động copy tin/bài ở những trang báo chính thống. Và tất nhiên là không có xin phép, không có chia lợi nhuận từ quảng cáo.
Người làm báo chân chính phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” và có khi phải đánh đổi cả tính mạng để tác nghiệp.
Minh chứng cho sự việc đó là việc trang tin “Báo mới” thường xuyên “vợt” bài từ nhiều báo chính thống như Tiền Phong, VTC News, Khoa học & Đời sống, PetroTimes. . . Với hành động đó, báo PetroTimes đã tiến hành kiện “Báo mới” về hành động vi phạm trắng trợn này. Ngày 6/3/2013, sau khi có công văn phúc đáp, “Báo mới” đã có buổi làm việc cùng PetroTimes và phải lên tiếng xin lỗi báo PetroTimes trên trang chủ của mình. Đây được xem là sự việc “mất mặt” cho một tờ báo.
Báo chí chân chính luôn luôn đòi hỏi phải phản ánh khách quan, là không được xa rời cuộc sống.
Dù bão lớn phóng viên chân chính vẫn lên đường để mang hơi thở chân thực, khách quan nhất của cuộc sống đến với công chúng.
Tuy nhiên, ngày nay khi mà con người đôi khi quá phụ thuộc vào công nghệ đã làm méo mó và mất đi tính chân thực của cuộc sống. Một vài giờ check facebook là nhà báo đã cho ra đời những bài báo mà thông tin có khi chưa hề được kiểm chứng. Đăng tải thông tin chưa kiểm chứng mang lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Như câu chuyện về một phóng viên trong quá trình lướt facebook và bắt gặp status phát hiện gạo lạ của một sinh viên, dù chưa được kiểm chứng thông tin nhưng đã đăng ngay bài viết nghi vấn gạo giả ở thành phố đó. Tiếp đó là một loạt các tờ báo “nhảy vào ăn theo”. Nhận được thông tin trên báo chí, các cơ quan có chức năng đã vào cuộc để tiến hành kiểm tra thì không còn bằng chứng và căn cứ chính xác để xác nhận đó là gạo giả. Tuy nhiên, sự việc đã khiến cho ngành sản xuất gạo tại khu vực đó bị trì trệ trong một thời gian do sự lo ngại của người tiêu dùng nếu mua phải gạo giả.
Người làm báo còn tiếp tục “hư” khi thực hiện phỏng vấn nhân vật qua webcam, chat, điện thoại. . .dù có điều kiện để trực tiếp trao đổi. Sự lệ thuộc “quá đáng” vào công nghệ là một hình ảnh xấu xí đối với người phóng viên trong quá trình tác nghiệp.
Báo chí là một trong những nghề đáng được xã hội tôn vinh. Đã có thời, báo chí nói gì thì đó chính là sự thật, là bằng chứng của cuộc sống, là những gì khách quan nhất mà nhà báo phải rất vất vả mới mang lại được. Ngày nay, công nghệ đang giúp nhà báo giải phóng sức lao động và mang lại nhiều tiện ích thông minh khiến quá trình tác nghệp trở nên hiệu quả hơn. Không phải vì thế mà người làm báo chỉ ngồi một chỗ, vợt bài người khác, xào xáo lại và đăng. Đã đến lúc phải nâng cao hơn nữa sự năng động trong tác phong cũng như tư duy của người làm báo và việc đề cao đạo đức nghề nghiệp.
Khánh Huyền
Truyền Hình K31A2 (nguồn ảnh : internet)
Cùng chuyên mục
Bình luận