“Dân xóm tàu” ám ảnh chuyện phải… hót phân bất đắc dĩ
(Sóng trẻ) - “Nguy hiểm vì sống gần đường tàu không đáng sợ bằng chuyện dính “mìn” hay bắt gặp những đống phân tung tóe xả hai bên đường ray, bốc mùi hôi thối khủng khiếp”.
Hình ảnh đoàn tàu rầm rập len lỏi qua khu dân cư trên tuyến phố Lê Duẩn - Khâm Thiên dường như không còn xa lạ với người dân nơi đây. Tàu đến, tiếng người quát trẻ, tay vẫn vội vàng thu dọn đồ đạc tạt vào bên lề. Nhưng chỉ một loáng sau khi tàu biến mất, cuộc sống lại trở về với nhịp điệu vốn có. Trẻ con nô đùa, người lớn nấu nướng, giặt giũ ngay cạnh đường ray. Từ nhiều năm nay, người dân nơi đây đã vô tư sống chung với tiếng còi tàu mà không biết đến sợ hãi.
Bằng lòng “sống chung với lũ”
Đường tàu khu phố Khâm Thiên có chiều dài chừng 500m nhưng có tới hơn 100 hộ dân sinh sống. Điều đáng nói, ở đây không có hệ thống rào chắn hay biển báo nguy hiểm. Người dân sinh hoạt ngay cạnh hoặc trên đường ray mà không hề sợ hãi. Với họ, sự hiện hữu của những chuyến tàu đã quá quen thuộc. Từ già đến trẻ đều đọc vanh vách lịch trình tàu chạy: “Sáng ba, tối bảy, lẻ đi, chẵn về” giống như quy luật để bảo vệ tính mạng cho bản thân.

Mọi người ra đường ray hóng mát nói chuyện
Chính bởi sự thân thuộc tạo nên tâm lý chủ quan, mà cứ chiều đến, mọi người lại ra đường ray hóng mát nói chuyện, còn trẻ con hồn nhiên nô đùa như đang ở giữa những khu phố rộng rãi và hoàn toàn yên bình. Vì khoảng cách từ đường đến cửa nhà vỏn vẹn…1m, nên đường tàu đã trở thành “sân sau” cho người dân sinh hoạt, vui chơi. Dù không đủ rộng nhưng nó cũng dần thành không gian lý tưởng giữa nơi đất chật người đông.
Ông Phạm Văn Vinh (Đội trưởng đội quản lý chắn đường ngang Hà Nội) là người thấu hiểu sự căng thẳng, nguy hiểm trong công việc hàng ngày ở cạnh đường ray. Ông Vinh chia sẻ: “Người dân sống ở hai bên đường tàu thì phải tự theo dõi thôi chứ ở đây không có thiết bị bảo vệ gì cả. Chuông reo thì người lớn trẻ con tạt vào hai bên để đảm bảo an toàn”.
Ám ảnh kinh hoàng vì mùi xú uế
Gia đình bà S. (Lê Duẩn) đã sống tại đây mấy chục năm nay, nài tiếng ồn và khói bụi mà gia đình bà chịu đựng đã quen, điều gây ám ảnh nhất vẫn là mùi xú uế.

Người dân ám ảnh vì mùi xú uế
“Nếu tàu chạy chiều đi thì còn đỡ, tàu chạy chiều về bốc mùi rất khó chịu. Dường như bao nhiêu chất thải tích tụ trong cả chuyến đi chỉ chực tràn ra nài, mùi hôi bốc ra ghê người.
Bây giờ đỡ hơn nhiều vì tàu đã có thùng chứa chất thải, dẫu vẫn gây mùi mỗi khi tàu đi qua, nhưng chúng tôi không còn phải chịu cảnh sáng thức dậy đã thấy phân xả dọc cửa nhà” – Bà bức xúc.
Bà S. kể lại: “Nhà ngay sát đường ray, có khi đang nấu cơm thì tàu chạy qua, lúc đi ra đã thấy cơm thừa, canh cặn văng ra tùm lum ngay gần chỗ nấu ăn, rất mất vệ sinh. Rồi có khi phân, nước tiểu xả xuống tung tóe, tôi lại phải tự tay lấy xỉ than tổ ong đắp lên cho đỡ mùi rồi hót đi, có khi vừa lấp vừa chực nôn vì quá khủng khiếp.

Bếp nấu được đăt sát đường ray
Chúng tôi sống ở đây đủ thứ ô nhiễm. Muốn ruồi muỗi không bay vào nhà chẳng còn cách nào khác là phải tự dọn vệ sinh hàng ngày, xịt rửa cho đỡ mùi hôi. Đường ray chẳng khác nào cái toilet công cộng”.
Cũng giống như bà S., anh Tùng cũng không khỏi rùng mình khi kể lại: “Sống cạnh đường tàu cái sợ nhất không phải là nguy hiểm khi tàu chạy qua mà là chuyện dính “mìn” khi đi bộ trên đường ray. Nếu không may dẫm phải thì vô cùng kinh khủng. Bây giờ tình trạng này cũng đã được cải thiện phần nào, nhưng mùi hôi thì vẫn bốc ra khó chịu mỗi khi tàu chạy qua”.
Thúy Nga
Cùng chuyên mục
Bình luận