Ghi chép từ nước Nga - nơi diễn ra Festival 19
Festival 19- Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới là liên hoan thứ ba được tổ chức trên đất nước Nga, hai lần trước là Festival lần thứ 6 vào các năm 1957 và Festival lần thứ 12 năm 1985 đều tại Matxcova. Khẩu hiệu hành động của Festival năm nay: "Vì hoà bình, đoàn kết và công bằng xã hội, chúng ta đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc - Tôn vinh quá khứ, xây dựng tương lai". Sóng trẻ trân trọng giới thiệu những ghi chép của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, đại biểu duy nhất của Học viện Báo chí và Tuyên truyên tham gia liên hoan lần này.
Ngày 14/10: Check in
116 đại biểu của đoàn Việt Nam đi dự Festival Thế giới Lần thứ 19 ở Nga đã có một ngày dài để đến được Sochi. Tuy chưa phải tham gia hoạt động nào của Festival nhưng khi đặt chân đến nước Nga, đoàn đã cảm nhận được không khí nóng của sự kiện trong nền an ninh được thắt chặt. Phải mất hơn một ngày, qua rất nhiều khâu kiểm tra tư cách đại biểu, cùng rất nhiều thủ tục check in, đoàn mới vào được nơi ở.
Đoàn đại biểu Việt Nam tại Festival 19
Dù cùng lúc phải tiếp đón, bố trí nơi ăn, chỗ ở cho hơn 180 đoàn đến từ các quốc gia trên thế giới với gần 30.000 đại biểu nhưng nước chủ nhà Nga đã chuẩn bị vô cùng chu đáo, nồng hậu. Tất cả hoạt động của Festival 19 đều diễn ra trong khu Công viên Sochi bên bờ biển Đen - công viên số 1 của Nga, là 1 trong 25 công viên tốt nhất Châu Âu.
Mỗi đoàn đều được bố trí ở trong 1 toà nhà (ngang khách sạn 3 sao) với đầy đủ tiện nghi, cơ sở vật chất hiện đại. Mỗi đại biểu đều được phát áo phông, áo nỉ, áo gió, áo mưa (do thời tiết ở Sochi mùa này hay mưa thất thường), điện thoại smartphone và sim để nghe gọi và vào wifi miễn phí trên toàn lãnh thổ Nga trong suốt kỳ Festival, sổ, bút, vé xem triển lãm, hoà nhạc... Tất cả mọi vấn đề từ khâu tiếp đón (ở sân bay, nơi ở, nơi diễn ra các hoạt động...), tình nguyện viên, truyền thông hình ảnh, phương tiện đưa đón, nơi ăn ở, quà tặng, an ninh, nội dung chương trình, trang thiết bị... đều được chuẩn bị vô cùng chu đáo, chuyên nghiệp.
Mỗi đoàn đại biểu được bố trí ở trong một toà nhà tương ứng với khách sạn 3 sao
Đặc biệt, mỗi người đều được phát một thẻ đại biểu. Thẻ này tích hợp tất cả các thông tin cá nhân của đại biểu và tự đại biểu phải đăng ký trước đó hàng tháng. Nếu có bất kỳ sai sót, nhầm lẫn gì dẫn đến không được cấp thẻ thì có nghĩa là người đó bị tước quyền tham dự festival, kể cả việc không có chỗ ở. Có hơn 1.200 đại biểu dù đã được phía Nga cảnh báo nhưng do chủ quan nên đã không được cấp thẻ dù đã đến Nga. Chúng tôi thường đùa nhau: "Có thẻ là có tất cả" vì mọi việc di chuyển, ăn ở, tham dự Festival đều cần thẻ này.
Thẻ đại biểu tham dự Festival 19
Ngày 15/10: Khai mạc
Vào lúc 16h ngày 15/10, Lễ khai mạc Liên hoan Thanh niên, Sinh viên Thế giới Lần thứ 19 đã diễn ra tại Cung điện Bolshoy Ice của Công viên Olympic Sochi.
Khu vực khai mạc có sức chứa gần 10.000 người vì vậy sẽ có gần 20.000 không thể vào trong dự lễ khai mạc. Ban tổ chức đã bố trí những màn hình lớn ở phía nài sân để truyền hình trực tiếp toàn bộ diễn biến khu vực trong sân. Để vào được bên trong, mỗi đoàn sẽ được phát một số lượng vé nhất định và ngồi cùng một khu vực. Kiểm tra an ninh vô cùng nghiêm ngặt (qua 2 vòng: Khu vực Công viên Sochi và Cung điện Bolshoy Ice) vì nài việc cùng lúc tập trung nhiều nghìn người còn có sự xuất hiện của người đứng đầu cao nhất của Nhà nước Nga: Tổng thống Putin.
Đại biểu Nguyễn Thị Trường Giang và tấm vé mời tham dự
Lễ khai mạc Festival 19
Tổng đạo diễn Lễ khai mạc là Ir Krutoy, một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất của Nga. Chỉ đạo nội dung là Alexei Sechenov, thành viên danh dự của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nga, người có nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ đạo các sự kiện lớn.
Đoàn Việt Nam trên khu vực khán đài
Hàng chục nghìn người có mặt tại Sân vận động Olympic Sochi khi đó là đại diện cho hàng tỷ người trên hành tinh khi họ cùng một mục đích: Chung tay vì một thế giới tốt đẹp hơn. Buổi lễ đề cập đến các vấn đề chính của thời đại như: Môi trường, năng lượng, đói nghèo, khoa học, sự bùng nổ thông tin và sự tiếp cận giáo dục... Xuyên suốt lễ khai mạc là những câu chuyện, tấm gương điển hình về những con người hàng ngày góp phần thay đổi thế giới bằng lời nói và hành động. Những câu chuyện đó được cộng hưởng khi lồng ghép cùng âm nhạc, và các tiết mục văn nghệ do các nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn.
Một màn cộng hưởng sôi động trong Lễ khai mạc
Lễ khai mạc diễn ra trong sự tương tác, vì vậy tất cả người tham dự không cảm thấy mình là khách mời mà giống như một phần trong đó. Thiết kế âm thanh, ánh sáng cùng kỹ thuật trình diễn độc đáo đã làm cho người xem đắm chìm trong bầu không khí vừa sôi động, vừa tràn đầy xúc cảm. Sức nóng của không khí trong sân vận động không chỉ là cùng lúc chứa hàng chục nghìn người mà đó còn là sự cộng hưởng của sự trẻ trung, nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến của tuổi trẻ toàn thế giới.
Putin – Nguồn cảm hứng của thanh niên thế giới
"Vladimir Putin, Putin, Putin" - những tiếng đồng thanh hô to, rền vang khi Tổng thống Putin xuất hiện vào giữa chương trình với bài phát biểu gần 5 phút trong Lễ khai mạc Festival 19. Vẫn phong thái vô cùng cuốn hút ấy, ông đã làm cho bầu không khí trong sân vận động của Olympic Sochi đã nóng, nay tăng lên gấp bội.
Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Nga – Vladimir Putin tại Lễ Khai mạc Festival 19
Ông nhấn mạnh: "Đất nước chúng tôi tự hào đã tổ chức thành công hai lần Festival (1957 và 1985) đều tại Moscow. Và lần này các bạn có dịp biết đến sự thân thiện của người dân Nga từ thủ đô thể thao Sochi. Sochi là vùng đất của tình anh em và hi vọng. 5 vòng tròn biểu tượng của Olympic cũng như 5 cánh hoa của lo Festival, đều đã trở thành biểu tượng sự đoàn kết của các lục địa.
Tôi vững tin rằng những người trẻ dù đến từ những quốc gia, quốc tịch và tín ngưỡng khác nhau đều chia sẻ chung những cảm xúc, giá trị và khát vọng vì sự tự do, hạnh phúc cho toàn trái đất. Tôi tin ở các bạn đều có khát khao tạo dựng và duy trì những mục tiêu lớn lao. Và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp các bạn đạt được thành công như mong muốn. Nguồn năng lượng và tài năng của giới trẻ luôn dồi dào một cách đáng ngạc nhiên. Chính những người trẻ đã đem lại sự cải tiến cho thế giới".
“Các bạn có năng lực trải nghiệm, tranh luận và thường luôn thắc mắc trước mọi thứ. Vì vậy, hãy tiếp tục xây dựng tương lai của chính các bạn, nỗ lực thay đổi thế giới theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Không có gì các bạn không thể thực hiện, chỉ cần bền bỉ, đừng từ bỏ! Hãy tin tưởng rằng Liên hoan sẽ mang đến tình anh em, những giấc mơ thiết thực, tốt đẹp."
Trong suốt bài phát biểu, Tổng thống Putin đã phải dừng lại nhiều lần vì tiếng vỗ tay không ngớt và tiếng hô trên các khán đài. Bài phát biểu của Putin đã trở thành lời hiệu triệu thanh niên toàn thế giới hãy tiếp tục chung tay vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Chuyện ăn của Festival 19
Các đại biểu tham dự Festival 19 đều được cung cấp miễn phí 3 bữa ăn hàng ngày. Bữa sáng, mọi người sẽ ăn buffet tại khu khách sạn mình ở; bữa trưa và tối sẽ ăn tại khu nơi diễn ra các hoạt động chính của Festival. Để phục vụ cho gần 30.000 người, Ban tổ chức Festival đã bố trí 6 khu vực ăn (mỗi khu vực phục vụ được 5.500 đại biểu và trong thẻ đại biểu đã chỉ rõ mình sẽ ăn ở khu vực nào). Giờ mở cửa: 12: 00-15: 00 (ăn trưa) và 18: 00-21: 00 (bữa tối).
Một bếp ăn ở Festival 19
Theo thống kê của Ban tổ chức Festival, phải sử dụng 23.850 tấn thực phẩm để cung cấp 53.000 suất ăn/ngày. Mỗi suất ăn đều có 1 chai nước, 1 hộp nước hoa quả, 1 quả táo, bánh mỳ, bơ, rau xanh, xúc xích, món kasha truyền thống với thịt hầm đóng hộp và trà nóng... (tuỳ sự lựa chọn của mỗi người).
Trong những giờ cao điểm, người xếp hàng vào ăn tạo thành những đường dài miên man. Cũng có nhiều đại biểu thấy mệt mỏi khi phải xếp hàng chờ đợi nên đã tự thu xếp bữa ăn cho mình.
Giao lưu hai đoàn đại biểu Việt Nam – Cuba
Bên lề Festival 19, đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc song phương và giao lưu văn hoá giữa các quốc gia. Trong đó, cuộc giao lưu giữa đoàn đại biểu Việt Nam và Cu ba đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc, lắng sâu về tình đồng chí thuỷ chung có một không hai trên thế giới nhưng cũng đậm chất sôi động của Mỹ La Tinh.
Các đại biểu hai nước trao quà lưu niệm cho nhau
Tàu điện ngầm ở Nga
Đường xuống tàu điện ngầm ở Maxcow
Dù đã được trải nghiệm tàu điện ngầm ở Nhật, Hàn Quốc, Singgapore, Châu Âu... nhưng ở Nga thật đặc biệt. Đường xuống tàu điện ở Nga sâu hun hút, từ trên nhìn xuống không thấy đáy, mà dưới nhìn lên không thấy đỉnh. Hệ thống tàu điện ngầm ở Nga đã có hàng trăm năm lịch sử. Có người nói, sở dĩ tàu điện ở Nga sâu như thế là vì còn mục đích lánh nạn khi có chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân. Không biết có đúng không? Mỗi nhà ga ở Maxcow như một bảo tàng nghệ thuật, vô cùng độc đáo!
Mỗi sân ga như một bảo tàng nghệ thuật
Hình ảnh nước Nga qua những bác tài
Hình ảnh của đất nước, con người Nga hiền hòa, đôn hậu được hiện lên rõ nhất qua những bác tài mà tôi gặp. Đưa chúng tôi từ sân bay Domodedovol về hostel là một bác tài khoảng nài 50 tuổi. Thật đúng là điển hình của người gốc Nga! Trên đường về, bác kiêm luôn vai trò của một hướng dẫn viên. Cứ đi qua bất kỳ một địa danh, tượng đài, toà nhà, quán ăn, cà phê... là bác lại đi chậm lại và giới thiệu về lai lịch, sự nổi tiếng của nó, rồi hạ kính xe để tôi chụp ảnh. Đến một đoạn đường sát bờ sông Maxcow, bác đột nhiên đi chậm lại, mở cửa xe, kéo tôi ra nài... Đang sững sờ vì chưa hiểu chuyện gì, bác đưa tay chỉ vào điện thoại. Ôi! Bác biết tôi muốn có một bức hình đẹp bên dòng sông Maxcow! Thú vị quá! Suốt dọc đường bác nói về nước Nga, về Putin và sự ngưỡng mộ của người Nga. Bác nói nhiệt thành, sôi nổi, thậm chí đôi khi cứ tưởng như có chuyện gì vì tông giọng cao, hào sảng của bác. Nước Nga càng đẹp hơn lên trong tôi qua những con người như thế này!
Quảng trường Đỏ ở Maxcow
Lái xe đưa tôi ra sân bay Sheremet là một bác tài khoảng 45 tuổi. Tôi và bác không thể giao tiếp nhiều nài vài câu chào hỏi, cám ơn vì vốn tiếng Nga ít ỏi của tôi (dù đã có vài năm phổ thông học tiếng Nga). Nhưng thật kỳ lạ, các bác tài ở Nga sao lại hiểu lòng khách đến vậy. Bác bảo tôi ngồi đằng trước, cứ đến đoạn đường nào đẹp, bác lại đi chậm lại để tôi chụp ảnh. Rồi như biết chưa thể thoả mãn, bác ghé vào lề đường, đoạn nhiều cây lá vàng để tôi chụp tấm ảnh mùa thu vàng ở Nga. Trên suốt quãng đường, chúng tôi giao tiếp với nhau qua âm nhạc. Bác tài tìm bật những bài hát mang giai điệu đặc trưng của Nga, khi tôi nói ý muốn nghe bài Kachiusa, bác gật đầu ra hiệu hiểu ngay... Ôi! Yêu sao các bác tài ở Nga!
Bên bờ sông Maxcow
Tạm biệt Sochi – Tạm biệt Festival 19 – Tạm biệt nước Nga!
"Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí" (câu nói của Paven Coócsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga, Ôxtơrốpxki). Chúng tôi, những đại biểu của đoàn Việt Nam tham dự Festival 19 đã trân trọng từng giây phút mình có trong Festival để nâng cao hiểu biết, giao lưu văn hoá, tích luỹ thêm những mối quan hệ, làm giàu thêm tình hữu nghị, hiểu thêm những vấn đề mà thanh niên thế giới đang quan tâm, cháy hết mình với đam mê, nhiệt huyết cống hiến cho sự sống...
Hội thảo chủ đề về Bình đẳng giới tại Festival 19
Cảm ơn nước Nga vĩ đại! Cảm ơn những người bạn Nga mến khách và vô cùng hào phóng! Trước đây dù chưa từng đến Nga nhưng hình ảnh về người Nga đôn hậu như khuôn mặt bầu bĩnh của búp bê Matryoska và các giai điệu của bài hát Katyusha đã in đậm trong trái tim của hầu hết chúng tôi. Bây giờ, điều ấy còn sâu sắc, lắng sâu hơn rất nhiều.
Cho đến giờ phút này, tất cả chúng tôi đều cảm thấy vô cùng mãn nguyện, cố tìm ra cũng không có một điểm đáng chê nào của nước chủ nhà Nga Festival 19. Sự tuyệt vời, đầu tư công phu, bài bản, chuyên nghiệp diễn ra ở tất cả các khâu.
Hơn 5.000 tình nguyện viên đến từ mọi vùng trên nước Nga luôn xuất hiện mọi nơi mình cần, hỗ trợ, đón tiếp từ sân bay, khuân vác hành lý, trả lời bất kỳ câu hỏi, thắc mắc nào phát sinh và luôn nở nụ cười dù có mệt và rét. Bước ra khỏi nhà đã gặp những nụ cười và câu chào, khi quay về lại bắt gặp những khuôn mặt tươi rói với những cái bắt tay, ôm hôn tạm biệt. Thật không kể sao hết sự mến mộ!
Đại biểu Nguyễn Thị Trường Giang chụp với một tình nguyện viên tại Festival 19
Cùng lúc phải tiếp đón gần 30.000 đại biểu, phát sinh gần 10.000 người (lúc đầu dự tính chỉ có 20.000 nhưng sau đó gần 10.000 đại biểu không đi theo đoàn mà tự đăng ký tham dự với tư cách cá nhân; trong đó bao gồm 12.000 đại biểu quốc tế, 12.000 đại biểu của Nga, 5.000 tình nguyện viên) nhưng nước chủ nhà Nga vẫn chu toàn mọi việc. An ninh được thắt chặt, kiểm tra check in, check out từ chỗ ở đến các chỗ hoạt động chính diễn ra Festival, vì vậy ai cũng cảm thấy an tâm.
Để đảm bảo không có điều gì diễn ra nài ý muốn, lệnh cấm rượu bia toàn thành phố trong suốt kỳ Festival được ban hành và được thực thi nghiêm chỉnh. Đông người như thế, nhưng một đại biểu trong đoàn Việt Nam bị thất lạc máy tính Macbook, chỉ sau 1 ngày ban tổ chức đã liên hệ để trả vì tìm thấy; một bạn khác để quên balo trên xe bus (trong đó có passport) nhưng cũng nhận lại được ngay.
Một điều vô cùng lý tưởng là hầu hết các địa điểm diễn ra Festival đều chật kín người, chỉ thoáng mất tập trung trong vòng vài giây là không thể tìm thấy bạn mình trong biển người nhưng trên khắp các nẻo đường, khu vui chơi giải trí, dãy nhà, hành lang, toilet... tuyệt nhiên không nhìn thấy một mẩu rác. Nếu có ai đó lỡ bỏ rơi mẩu rác nhỏ thì chốc lát đã có người trả nó về đúng vị trí.
Từng đi dự nhiều hội thảo chuyên nghiệp trong và nài nước, nhưng chúng tôi không ai không ngạc nhiên đến sững sờ vì sự hỗ trợ và dành những điều kiện tốt nhất cho các đại biểu. Trong khu Media Centre - nơi diễn ra tất cả các hoạt động chính của Festival như hội thảo, rạp chiếu phim, triển lãm, giao lưu văn hoá, giới thiệu gian hàng các nước... có hàng vài chục các phòng hội thảo lớn nhỏ. Nhưng trong mỗi phòng, dù to hay nhỏ đều có ít nhất là 3 bạn tình nguyện viên chuyên chạy micro, chỉ cần đưa mắt cái là các bạn chạy đến hỏi han, giúp đỡ; hệ thống dịch cabin thì vô cùng chuyên nghiệp với 3 thứ tiếng chính là Nga, Anh và Tây Ban Nha; 3-5 màn hình bố trí hợp lý để phục vụ cho cả người phát biểu và người tham dự; một anh kỹ thuật viên luôn cặp kè bên cạnh để điều khiển mọi thứ liên quan...
Các diễn giả trong Hội thảo về Văn hoá
Một em trong đoàn đi chạy thể dục buổi sáng, không may bị bong gân nhưng lại có cơ hội trải nghiệm sự phục vụ của hệ thống y tế tại đây. Ngay lập tức bác sĩ xuất hiện, sơ cứu và gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện. Bác sĩ hiền từ như một ông bụt, liên tục suýt xoa, an ủi bệnh nhân, đưa bệnh nhân đi chiếu chụp... Kinh ngạc nhất là khi thanh toán, các thủ tục được làm nhanh gọn và... bệnh nhân không phải trả bất kỳ đồng phí nào. Khi hỏi ra mới biết, trên toàn lãnh thổ Nga, dù là người Nga hay người nước nài thì vào viện trong vòng 3 ngày đều được miễn phí hoàn toàn.
Hệ thống xe bus miễn phí đi đến các điểm, rất thuận lợi và nhanh chóng; nài các rạp trong nhà, còn xuất hiện hàng chục sân khấu với âm thanh, ánh sáng hoành tráng chạy suốt các đêm ở cả khu vui chơi, khu hội thảo, khu nghỉ ngơi... để phục vụ các bạn trẻ. Khu công viên với các trò chơi mạo hiểm, hay trượt băng... đều miễn phí.
Các chương trình, hoạt động của Festival thì vô cùng phong phú, đa dạng, bài bản. Hàng trăm hội thảo do Nga và WFDY song song tổ chức đã thu hút diễn giả và người nghe trên khắp thế giới. Các chủ đề thì vô cùng đa dạng và thú vị, đề cập đến các vấn đề lớn toàn cầu nhưng cũng rất gần gũi với thanh niên.
Trong suốt những ngày diễn ra Festival, hệ thống truyền thông của Nga đưa thông tin hàng ngày, dành thời lượng nhiều và luôn đưa đầu tiên trong các bản tin truyền hình. Nga cũng dành các điều kiện tốt nhất cho các nhà báo khắp nơi trên thế giới đến đưa tin.
Khi có điều kiện đi mua sắm, mới thấy hàng hoá phục vụ nhu cầu thiết yếu của Nga rất rẻ, ví dụ 1kg khoai tây, bắp cải chỉ có giá 12 rúp (tương đương 5.000 đồng), nhưng những đồ xa xỉ thì hiếm và đắt. Người dân Nga vẫn đang phải chắt chiu từng đồng để đảm bảo cuộc sống, nhưng nước Nga vẫn giành những điều kiện tốt nhất cho Festival. Một con số chưa chính thức là Nga đầu tư khoảng 10 - 12 triệu đô cho Festival 19 (Festival 18 ở Nam phi đầu tư 5 triệu đô, Festival 17 ở Ecuador là 3 triệu đô).
Đoàn Việt Nam đã có một kỳ Festival thành công! Trong khi họp tổng kết, đoàn Việt Nam được đánh giá là một trong những đoàn tham gia tích cực, có tổ chức và hiệu quả nhất; có nhiều hoạt động đa dạng, xuất hiện trong nhiều diễn đàn quan trọng, gửi những thông điệp ý nghĩa đến bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng. Có được những điều này là vì chúng ta đã có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng trước khi lên đường (từ việc tập huấn của Ban Quốc tế, các khâu chuẩn bị nội dung của nhóm Chính trị đối nại, lên kế hoạch truyền thông của Ban tuyên truyền, chuẩn bị mọi mặt của Ban Hậu cần, và Ban An ninh... đến việc học tiếng Nga để biết những câu giao tiếp cơ bản với bạn).
Với mỗi người trong chúng tôi, không phải không có những lúc thoáng buồn vì nhớ nhà, nhưng đến giờ phút chia tay thì mắt ai cũng rớm lệ, luyến tiếc... Trưởng đoàn của chúng tôi nói rằng, khi Festival qua đi, sau này có cơ hội gặp lại, hãy tiến đến trước mặt, nháy mắt với nhau một cái là tự hiểu rằng chúng mình đã có những kỷ niệm vô cùng ngọt ngào ở Sochi - Festival 19.
Một số hình ảnh tại Festival 19
Một phóng viên đài truyền hình Nga tác nghiệp tại Festival 19
Phóng viên Đài TH Việt Nam tác nghiệp tại Festival 19
Triển lãm robot tại Festival 19
Giao lưu cờ vua tại Festival 19
Sochi - Maxcow, 14-22/10/2017
PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang
Trưởng Khoa Phát thanh – Truyền hình
Cùng chuyên mục
Bình luận