Giao lưu trực tuyến: COP 21 và Việt Nam

(Sóng trẻ) - Sáng ngày 22/12/2015, Ban Biên tập Trang tin điện tử Sóng trẻ đã tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến cùng bà Nguyễn Anh Minh – điều phối viên nhóm công tác biến đổi khí hậu (BĐKH) của các Tổ chức phi Chính phủ CCWG (Climate Change Working Group), thành viên đoàn đàm phán Việt Nam tại COP 21. 

Tại buổi giao lưu trực tuyến, bà Nguyễn Anh Minh - thành viên đoàn đàm phán của Việt Nam tại COP 21 đã có những chia sẻ về COP 21 vừa diễn ra tại Paris cũng như hoạt động của các Tổ chức phi Chính phủ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và giúp đỡ nhóm người dễ bị tổn thương.

fdbf8935e_i_5659.jpg
Bà Nguyễn Anh Minh nhận hoa từ BBT Sóng trẻ

Chào chị, chị có thể cho biết hiện trạng biến đổi khí hậu của Việt Nam nói riêng và trên quốc tế nói chung trong giai đoạn hiện nay (Thùy Linh, 29 tuổi, Hà Nội)

Biến đổi khí hậu hiện nay không phải là chủ đề mới. Theo tôi những biểu hiện của biến đổi khí hậu đang ngày càng biến đổi rõ rệt ở Việt Nam và trên thế giới. các hiện tượng băng tan, lũ lụt,… khiến con người ko thể lường trước được. Ví dụ như hạn hán tại Ninh Thuận hay lũ quét ở vùng núi cao diễn ra nhiều hơn. Đó là những biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu.

Những đóng góp của Tổ chức phi Chính phủ ở Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu cụ thể là gì? ([email protected])

Tổ chức phi Chính phủ đã có những hoạt động xây dựng những mô hình sinh kế để ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu như tuyên truyền cho bà con trồng  lúa, hoa màu phù hợp với thời tiết thất thường nhằm giúp nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hiểu hơn những hiện tượng thiên tai, bão lụt để giảm thiểu tổn hại do hiện tượng này gây ra. Tổ chức phi Chính phủ đã xây dựng những mô hình, tuy nhiên sức ảnh hưởng lan tỏa cần nhiều chính sách, cơ chế để nhân rộng, giúp người dân hưởng lợi tốt hơn.

Như chúng ta đã biết, từ Hội nghị COP 15 diễn ra tại Copenhagen năm 2009 đã không đạt được thỏa thuận như mong đợi. Vậy với COP 21 tại Paris, có điều khác biệt nào mà COP 21 mang đến để nhằm chống lại biến đổi khí hậu? ([email protected]

Năm 2009 và năm 2015 là hai năm có khá nhiều tương đồng đó là tất cả các nước đều mong muốn có một thỏa thuận mới thay thế cho thỏa thuận Kyoto. Tuy nhiên, ở năm 2009 thì đến phút chót, thỏa thuận lại không đạt được và mọi người đã thống nhất là đến năm 2015 là năm cuối cùng phải đạt được thỏa thuận. Năm 2015 Hội nghị COP 21 đã có bước tiến thực sự về thỏa thuận toàn cầu, tuy nhiên thỏa thuận này cũng chỉ mới được đưa ra thôi và vẫn chưa được phê duyệt mà phải đến năm 2020 thì thỏa thuận này mới có hiệu lực.

Kỳ họp COP diễn ra hàng năm giữa các bên tham gia vào Công ước chung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Hàng năm các nhóm này gặp nhau để thảo luận và đưa ra các cơ chế toàn cầu để đảm bảo những tác động của biến đổi khí hậu không gây ra trầm trọng đối với con người.Từ năm 1997, Nghị định Kyoto ra đời và có hiệu lực từ năm 2005, tuy nhiên sự tranh cãi giữa các nước phát triển và đang phát triển còn rất nhiều nên việc thực hiện còn nhiều hạn chế. 

Vì thế các bên thống nhất đến năm 2009 sẽ có một thỏa thuận để thay thế cho Kyoto song năm 2009 đã không đạt được thỏa thuận song mỗi năm đều đạt được cột mốc đàm phán nhất định. Ví dụ như năm 2010, các nước đã thống  nhất được mục tiêu tài chính, đặt ra mục tiêu đến năm 2020 trở đi tài chính cho khí hậu toàn cầu sẽ đạt mức 100 tỷ USD để đảm bảo các nước nghèo và các nước đang phát triển có đủ nguồn vốn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hay gần đây nhất là Hội nghị COP 2013 tại Ba Lan đã đạt được cơ thế về tổn thất và giảm thiểu, đây cũng là tiền đề cơ sở để năm nay tiến hành đàm phán tiếp về cơ chế này. Hay như Hội nghị COP diễn ra vào năm 2014 các bên tham gia cũng đưa ra được lộ trình đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định và phải đệ trình trước khi COP 21 diễn ra. Mỗi năm đều có một dấu mốc nhất định và một thành tựu nhất định và đã thống nhất đến năm 2015 này sẽ đạt được thỏa thuận Paris.

COP 21 được coi là cơ hội cuối cùng để cứu Trái đất, vấn đề này đã đặt ra những thách thức gì cho bên tham gia? ([email protected])

Khó khăn lớn nhất trong các vòng đàm phán là lợi ích giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Giữa các nước đang phát triển thì kêu gọi các nước phát triển thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình. Bởi vì, từ thời cách mạng công nghiệp, họ đã sử dụng khá nhiều năng lượng hóa thạch và thải ra nhiều khí nổ và đấy là một trong những nguyên nhân chính  mà con người gây ra làm tăng hiệu ứng nhà kính và gây ra biến đổi khí hậu. Còn các nước phát triển lại cho rằng các nước đang phát triển hiện nay như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil là những quốc gia có nền kinh tế mới nổi, và họ có những lượng rác thải lớn nhất thế giới, và những quốc gia này phải có trách nhiệm cùng với các nước phát triển và các nước khác cắt giảm lượng khí thải toàn cầu. 

Tranh cãi giữa các quốc gia này đã diễn ra rất nhiều năm và khó giải quyết, đến cả COP 21 tranh cãi này vẫn tiếp tục diễn ra và đây là thách thức lớn nhất để đạt được thỏa thuận.

Sau Hội nghị COP 21 kết thúc, thỏa thuận khí hậu tại Hội nghị này đã đạt được là gì?([email protected])

Kết quả lớn nhất của COP 21 là thỏa thuận Paris, thỏa thuận này dài 31 trang và có 29 điều đặt ra mục tiêu rất tham vọng là đảm bảo nhiệt độ toàn cầu cuối thế kỷ này không tăng quá 2 độ C và hướng tới mục tiêu 1,5 độ C vì mức 1,5 độ C là mức mà các nhà khoa học thế giới khuyến cáo rằng không được phá vỡ mức này bởi nếu vượt qua  mức 1,5 độ C thì biến đổi khí hậu sẽ diễn ra khó lường và con người khó có thể chống chịu được với những biến đổi đó.

Đồng thời có một mục tiêu cũng rất tham vọng nữa đó là để đạt được mục tiêu 1,5 độ C thì phải cắt giảm hoàn toàn lượng sử dụng năng lượng hóa thạch vào năm 2050 và dùng 100% năng lượng tái tạo để đảm bảo mức rác thải là 0. Đó là một mục tiêu tham vọng đồng thời cũng là một thành công lớn của các nước đang phát triển. 


59685ec0a_i_5662.jpg
Bà Nguyễn Anh Minh thẳng thắn trả lời những câu hỏi do độc giả gửi tới

Quan điểm của Nhóm công tác về biến đổi khí hậu của các Tổ chức phi Chính phủ về thỏa thuận Paris như thế nào? ([email protected])

Trước Hội nghị COP 21, nhóm CCWG đã có một quan điểm của nhóm về COP 21 trong đó đặt ra một số mục tiêu như mong muốn thỏa thuận mới đặt ra mục tiêu 1,5 độ C và điều  này đã được đưa vào thỏa thuận Paris năm nay, đây được xem là một thành công của nhóm.

Một mục tiêu nữa của nhóm đó là mức Tài chính cho khí hậu phải đạt 100 tỷ USD từ năm 2020 trở đi và ít nhất 50% trong số lượng tài chính này dành cho thích ứng biến đổi khí hậu và 50% tài chính để dành cho thích ứng cộng đồng. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn chưa được rõ ràng trong thỏa thuận mới.

Một mong muốn nữa của nhóm đó là vấn đề về nhân quyền và giới, chúng tôi cũng rất mong muốn có yếu tố này được đưa vào mạnh mẽ trong thỏa thuận, song nó chỉ được đưa vào phần mở đầu vì vậy chúng tôi hy vọng ở các kỳ Hội nghị COP sau, vấn đề này sẽ được các quốc gia  lưu tâm nhiều hơn.

Hội nghị COP 21 diễn ra vào thời điểm cách loạt vụ tấn công đẫm máu ngày 13/11 tại Paris chỉ hơn hai tuần đã cho thấy nỗ lực vượt bậc của Pháp trong việc quyết tâm tổ chức và đảm bảo an ninh cho hội nghị. Được bắt đầu sớm hơn một ngày và kết thúc muộn hơn một ngày so với lịch trình, chặng đường mà 195 nước vừa vượt qua tại Paris. Trước tình hình diễn biến căng thẳng như vậy, tâm lý của chị và mọi người trong đoàn Việt Nam lúc bấy giờ như thế nào? ([email protected])

Thực ra với cá nhân tôi, tôi không lo lắng lắm vì bản thân tôi nghĩ sau sự kiện đáng buồn như vậy thì rất ít khả năng xảy ra tai họa kép như thế, nên tôi không lo ngại như mọi người vẫn nghĩ. Cũng có thể có một số thành viên băn khoăn và lo ngại trước khi đi, tuy nhiên đa phần mọi người khá tự tin và tin vào sự tổ chức và chuẩn bị tốt của nước chủ nhà - đó là Pháp.

Với số lượng người đến COP 21 lên đến 4000 người, tôi không nghĩ là mọi người quá lo lắng về những thảm họa bất ngờ.

Đây là lần thứ bao nhiêu nhóm CCWG tham gia COP và tâm thế của lần này khác các lần trước như thế nào? (Hoàng Nhung, 24 tuổi, Nam Định)

Đây là năm đầu tiên CCWG với tư cách là một nhóm công tác, một mạng lưới làm về biến đổi khí hậu của các Tổ chức phi Chính phủ có các đại diện chính thức tham gia.

Được biết, để tiến tới COP 21, Nhóm công tác về BĐKH đã tổ chức sự kiện bên lề “Đàm phán khí hậu tại COP 21 và tiếng nói từ Việt Nam”, chị có đánh giá như thế nào về hoạt động bên lề này? Nó có ảnh hưởng đến quá trình đàm phán của đoàn Việt Nam tại COP 21 hay không? ([email protected])

Nhóm có sự chuẩn bị từ trước và một trong những hoạt động đó là sự kiện bên lề là "Đàm phán khí hậu tại COP 21 và Việt Nam".

Đây là lần đầu tiên đại diện của các Tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ tại Việt Nam ngồi trên bàn tròn để thảo luận về COP. Theo đó, đại diện chính phủ cũng có chia sẻ về sự chuẩn bị của đoàn Việt Nam và đại diện của nhóm cũng chia sẻ những mong muốn khi tham dự COP 21 lần này cũng như  mong  muốn về chính phủ Việt Nam. Tất cả những mong muốn của nhóm đã được đoàn đàm phán biết tới và lưu tâm trong quá trình đàm phán tiêu biểu như mục tiêu 1,5 độ C của nhóm.

Ban đầu Chính phủ Việt Nam không đặt mục tiêu tham vọng như vậy mà chỉ đặt mục tiêu là 2 độ C, tuy nhiên với sự đóng góp của nhóm và các Tổ chức nước nài thì đoàn Chính phủ Việt Nam đã có những thay đổi nhất định và đồng ý với mục tiêu 1,5 độ C.


5168b4eee_i_5667.jpg
Bà Nguyễn Anh Minh: "Biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt ở Việt Nam và trên thế giới"


Đến tham dự COP 21 tại Paris, Việt Nam nói chung và Tổ chức phi Chính phủ nói riêng có những đề xuất và mong muốn gì? (Nguyễn Mạnh Dũng, Hà Nội)

Tôi xin chia sẻ với tư cách của một Tổ chức phi Chính phủ, quan điểm của nhóm về COP 21 đó là mục tiêu 1,5 độ C, tài chính cho khí hậu được đảm bảo và giành nhiều hơn cho các sáng kiến từ cộng đồng.

Nhóm làm việc về biến đổi khí hậu tại Việt Nam có ưu tiên chính sách gì khi hoạch định chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu sau COP 21 hay không? ([email protected])

COP 21 đưa ra được thỏa thuận toàn cầu và sau đó việc thực hiện như thế nào thì đó là vấn đề lớn đặt ra hiện nay. Nhóm sẽ chuẩn bị để giao cho các nhóm thực hiện thỏa thuận này tại Việt Nam để đảm bảo lợi ích của các cộng đồng nghèo, cộng đồng dễ bị tổn thương vì đây là các đối tượng mà các Tổ chức phi Chính phủ luôn hướng tới.

Nhóm các Tổ chức phi Chính phủ phải luôn luôn làm việc chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ như Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, nhóm mong muốn được hướng tới nhiều hơn nữa đó là làm việc với Bộ Kế hoạch và đầu tư vì đây là cơ quan làm nhiều các chính sách về tăng trưởng xanh, nếu thực hiện theo thỏa thuận đã đưa ra thì mục tiêu cắt giảm khí thải hiệu ứng nhà kính ở Việt Nam sẽ thay đổi rất nhiều.

Thỏa thuận Paris cũng thừa nhận thực tế quan ngại rằng các kế hoạch quốc gia hiện là chưa đủ để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, chị nghĩ sao về điều này và nhóm đã có kế hoạch gì giúp giải quyết vấn đề này hay chưa? (Lê Tú, 45 tuổi, Thanh Hóa )

Trước kỳ họp COP 21 đã có hơn 150 quốc gia đệ trình đóng góp do quốc gia tự quyết định và theo tính toán của các nhà khoa học thì đóng góp của các quốc gia thì nhiệt độ toàn cầu mới chỉ đảm bảo ở mức 2,7 độ C chứ chưa thể xuống 2 độ C thậm chí là 1,5 độ C. Thế nên, các bên tham gia đều công nhân rằng với nỗ lực hiện tại thì chưa đủ, và các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong đó có Việt Nam.

Hiện nay Việt Nam mới cam kết cắt giảm hiệu ứng nhà kính là 8% vào năm 2030 và với sự hỗ trợ của các cộng đồng quốc tế thì con số này có thể tăng lên 25%, hoặc 26%. Tuy nhiên, nhiều tổ chức mong  muốn Việt Nam và các quốc gia khác có cam kết mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm khí thải hiệu ứng nhà kính và sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Về nguồn kinh phí, nhóm có được hỗ trợ để thực hiện hoạt động ứng phó với khí hậu hay không và CCWG có kế hoạch nào để huy động nguồn vốn nhằm giúp đỡ những đối tượng bị tổn thương do biến đổi khí hậu? (Thu Hường, Cà Mau)

Nhóm là một mạng lưới của nhiều Tổ chức phi Chính phủ, và với tư cách này chúng tôi không thực hiện trực tiếp cộng đồng mà chỉ tổ chức các hoạt động như hội thảo nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin và vận động chính sách, hiện tại nhóm cũng nhận được hỗ trợ từ nhiều cơ quan tổ chức quốc tế như CARE, Oxfam... Chúng tôi sẽ chuẩn bị để đảm bảo chính cách của quốc gia phù hợp với chủ trương của quốc tế cũng như chặt chẽ hơn với cộng đồng dễ bị tổn thương.

Theo chị, tài chính dành cho thích ứng với khí hậu giữa các dự án công trình và phi công trình đã có sự cân bằng hay chưa? ([email protected])

Theo một báo cáo gần đây nhất do Bộ Kế hoạch đầu tư ban hành thì tại Việt Nam hiện nay có đến 88% tài chính công cho thích ứng với biến đổi khí hậu là dành cho các giải pháp  công trình như dựng đêm kè đập và số lượng các dự án giúp cộng đồng hưởng lợi còn ít. Sự cân bằng về các dự án công trình và phi công trình còn ít. Một trong những mong muốn của nhóm đó là tài chính cần cân bằng hơn để đảm bảo lợi ích của cộng đồng dễ bị tổn thương.

Để có được những cam kết tại COP 21, nhóm hoạt động về biến đổi khí hậu có phải thực hiện những ràng buộc gì hay không? ([email protected])

Mạng lưới chúng tôi không phải là một cơ quan Chính phủ thế nên chúng tôi không có chức năng ràng buộc phải cắt giảm hiệu ứng nhà kính. Chỉ có các cơ quan Chính phủ, những doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn thì sẽ phải thực hiện những ràng buộc. Họ sẽ phải có trách nhiệm trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, nhóm mạng lưới không phải thực hiện ràng buộc nào nhưng nhóm cũng tham gia vận động các cơ quan Chính phủ cũng như cách doanh nghiệp có thể cắt giảm lượng khí thải hàng năm. 

3c8a09289_i_5657.jpg
Rất nhiều độc giả quan tâm gửi câu hỏi về cho buổi giao lưu đang được khách mời giải đáp

Theo chị nhóm đối tượng nào dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu? Tại sao? (địa chỉ [email protected])

Theo các nhà khoa học đã cho thấy thì những người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Và mình cũng xin chia sẻ là Tổ chức phi Chính phủ đã có rất nhiều những sáng kiến, mô hình để giúp đỡ cộng đồng dễ bị tổn thương này để nâng cao khả năng chống chịu của họ trước biến đổi khí hậu ví dụ như CARE, Oxfam... đều hướng tới cộng đồng này.

Hầu hết các nước tham gia COP 21 đều chung một đích đó là ngăn chặn biến đổi khí hậu và chống ô nhiễm môi trường. Vậy chị có thể cho em biết lý do tại sao cùng chung một mục đích như vậy mà vẫn xảy ra nhiều tranh luận và mất rất nhiều thời gian giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển? (Nguyễn Thị Thanh Mơ, Hà Nội)

Cảm ơn bạn. Như mình đã chia sẻ thì tranh luận lớn nhất ở đây là do lợi ích và cam kết của các quốc gia phát triển và đang phát triển. Để mà đạt được thoả thuận này thì các nước đang phát triển mong muốn các nước phát triển phải cắt giảm khí thải và đóng góp nhiều tài chính trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nước phát triển họ lại mong muốn các nước đang phát triển cũng phải cùng cắt giảm và đóng góp về tài chính.Tranh luận về lợi ích, quốc gia nào cũng muốn các quốc gia khác phải đóng góp nhiều hơn nên cũng rất là khó trong việc đàm phán để đi đến thống nhất đặc biệt là những nước lớn như là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Họ là những trường hợp rất khó và nắm quyền rất lớn trong đàm phán. Mặc dù các nước đều mong muốn hướng đến mục tiêu chung như thế nhưng trách nhiệm của các bên khác nhau nên rất khó để thống nhất và phải mất rất nhiều thời gian. 

Theo thông tin đến năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có khoảng 45% đất có nguy cơ nhiễm mặn cục bộ và thiệt hại mùa màng do lũ lụt. Vậy sau COP 21 nhóm đã có kế hoạch gì để đảm sinh kế cho đối tượng bị tổn thương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long? ([email protected])

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới. Hiện tại thì các tổ chức phi chính phủ cũng như các tổ chức phát triển có nhiều dự án tiếp cận tại khu vực này. Trước và sau hội nghị COP 21 thì chúng tôi đều quan tâm đến Đồng bằng sông Cửu Long ví dụ như CARE có nhiều dự án nâng cao năng lực, dự án tăng khả năng thích ứng cho người nghèo, người dân mất đất trong khu vực này khi mà nước biển dâng lên thì diện tích đất sẽ giảm đi, gây ra nhiều khó khăn cho những người nghèo ít đất. Chúng tôi cũng quan tâm đến việc đó và chắc chắn chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Theo chị các chương trình bảo hiểm, bảo trợ nên lồng ghép như thế nào với các yếu tố biến đổi khí hậu để nhóm đối tượng dễ bị tổn thương có thể thích ứng được với những tác động không mong muốn do biến đổi khí hậu gây ra? ([email protected])

Tôi đồng ý rằng hiện nay các chương trình về bảo trợ, bảo hiểm, ví dụ như nông nghiệp chẳng hạn thì chưa đề cập đến các yếu tố do biến đổi khí hậu hay do thiên tai. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để các yếu tố biến đổi khí hậu có thể lồng ghép vào những chương trình này. Hiện nay, chúng tôi bắt đầu thí điểm để đưa các yếu tố biến đổi khí hậu vào các chương trình bảo hiểm, bảo trợ cho người nghèo và cho người dân và chúng tôi mong muốn Chính phủ có một hành lang pháp lý phù hợp trong tương lai và phía các Tổ chức phi Chính phủ sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng các cơ quan Chính phủ.
Chúng tôi mới bắt đầu quan tâm việc lồng ghép bảo hiểm bảo trợ vào với biến đổi khí hậu, song mới chỉ đang xây dựng các kế hoạch dài hạn.

Được biết, có rất nhiều chương trình, chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu song chưa giải quyết được tình trạng tổn thương của người dân do nguồn lực còn hạn chế. Vậy theo chị trong các nguồn lực tài chính, con người, năng lực thực hiện thì nguồn lực nào còn chưa đủ mạnh để giải quyết tình trạng tổn thương do biến đổi khí hậu? (đại chỉ [email protected])

Theo như tôi được biết thì với sự quan tâm của các tổ chức quốc tế hiện nay thì có thể nói chúng ta đã có khá nhiều nguồn lực trong ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên việc thực hiện như thế nào cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, các ban ngành có nhiều hạn chế nên chưa mang lại hiệu quả cho các cộng đồng tổn thương.

Hiện nay với các tổ chức khi làm việc với cộng đồng và các tổ chức địa phương đã phối hợp tốt đồng thời tại điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ thực hiện dự án. Tuy nhiên, để có một cơ chế mang tính quốc gia sao cho nhân rộng mô hình thì còn nhiều hạn chế và trong tương lai, đây là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới cụ thể như chính quyền các cấp mong muốn lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào chương trình của địa phương để việc nhân rộng mô hình dễ dàng hơn.

Biến đối khí hậu cũng đồng nghĩa với sự gia tăng mức độ tổn thương và rủi ro trước thiên tai. Vậy để giúp những nhóm đổi tượng này ứng phó với biến đổi khí hậu thì cần có những giải pháp gì? (độc giả Quyết Chiến, Hà Giang)

Theo như quan điểm của các Tổ chức phi Chính phủ hiện nay thì những biện pháp, dự án ứng phó biến đổi khí hậu thì phải lấy cộng đồng làm trung tâm. Chúng tôi luôn mong muốn các sáng kiến dựa vào cộng đồng và sự quan tâm của cộng đồng được quan tâm nhiều hơn và áp dụng nhiều hơn. Như tôi đã chia sẻ, phần lớn nguồn vốn quốc gia dành cho biến đổi khí hậu đều dành cho các giải pháp công trình mà chưa có giải pháp phi công trình nên mong muốn của nhóm đó là các cơ quan Chính phủ quan tâm nhiều hơn, biết rõ hơn, đầu tư nhiều hơn cho các chương trình hỗ trợ cộng đồng và những sáng kiến đó đã được các Tổ chức phi Chính phủ thí điểm thành công rồi.

Gần đây nhóm có cuốn sách tổng hợp những sáng kiến dựa vào cộng đồng tiêu biểu trong cả thích ứng và giảm thiểu ví dụ như trồng lại rừng ngập mặn ở Thanh Hóa, Đồng bằng sông Cửu Long hay những sáng kiến xây dựng chương trình về năng lượng địa phương ở Nam Định, Thái Bình hay sáng kiến giúp người dân có cách nuôi trồng mới như sử dụng lúa cải tiến, cách thâm canh tăng vụ phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cuốn sách này có 16 công trình mà bạn có thể tham khảo về các sáng kiến.

Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương có bao giờ thờ ơ trước các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mà nhóm hành động vì biến đổi khí hậu (CCWG) đưa ra hay không? (địa chỉ [email protected])

Thực ra hiện nay với các hoạt động mạnh mẽ của các tổ chức thì sự quan tâm của người dân khá là cao đặc biệt là những khu vực có mức độ tổn thương cao hơn như là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực ven biển thì tôi chưa thấy trường hợp nào mà người dân thờ ơ cả. Mọi người đều quan tâm và đánh giá cao các biện pháp và hỗ trợ của các Tổ chức phi Chính phủ.

ba887aac9_i_5690.jpg
Những giải đáp của bà Nguyễn Anh Minh về biến đổi khí hậu đang tiếp tục cập nhật trên Sóng trẻ

Nhóm hành động vì biến đổi khí hậu (CCWG) có kế hoạch nào nhằm kết hợp với các cơ quan chính phủ để nhằm giảm thiểu rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu cho nhóm người dễ bị tổn thương? (độc giả Lan Anh Hoài, 32 tuổi, TP HCM)

Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để đảm bảo rằng những chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt nam hiện nay sẽ luôn hướng tới cộng đồng nghèo, cộng đồng dễ bị tổn thương. Có thể lồng ghép các thông tin biến đổi khí hậu vào các chương trình phát triển kinh tế địa phương và kế hoạch phát triển của ngành, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.

Ở các cấp tỉnh, huyện, xã thì hàng năm đều xây dựng kế hoạch phát triển tùy vào địa phương trong đó có tất cả các ngành như nông nghiệp, thủy sản tùy vào từng địa phương. Và các Tổ chức phi Chính phủ hiện nay đang hướng tới cách tiếp cận là những yếu tố, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được đưa vào chương trình một cách cụ thể để người dân có nhận thức cao hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu có thể được người dân thực hiện theo từng bước theo chỉ đạo của các Tổ chức Chính phủ. 

Theo một nghiên cứu gần đây, Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại khoảng 25 tỷ USD vào năm 2030 do biến đổi khí hậu ước tính 35% GDP của cả nước, trong đó thủy sản là ngành chịu tác động lớn nhất do biến đổi khí hậu. 


Được biết một trong những phương pháp của tổ chức CARE là “Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu”(Climate Vulnerability and Capacity Analysis viết tắt là CVCA). Chị có thể giải thích rõ hơn về phương pháp này được không? Điểm  khác  biệt  của  CVCA  so  với các  phương  pháp  tiếp  cận  có  sự tham  gia  của  cộng  đồng  khác  như VCA (Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương  và  khả  năng  thích  ứng  với thiên tai – Vulnerability and Capacity Assessment)  hay  PRA  (Đánh  giá nhanh nông thôn- Participatory Rural Appraisal)? (Đức Thịnh, 25 tuổi, Nghệ An) 

Các phương pháp CVCA do CARE tổ chức trên toàn cầu nhiều năm rồi. Đây là một bộ chỉ số các công cụ giúp cho các cán bộ dự án có thể đánh giá được nhu cầu, mong muốn và khả năng thích ứng của cộng đồng ở địa phương dựa vào những câu hỏi và cách thức giúp người dân tham gia trả lời câu hỏi cũng như đưa ra mong muốn của mình trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

CVCA được dựa trên nền tảng của VCA và PRA tuy nhiên điểm khác biệt của CVCA đó là nài đánh giá tình hình kinh tế - xã hội chung của khu vực đấy thì chúng tôi còn chú trọng hơn đến những yếu tố biến đổi khí hậu làm sao để thấy rõ được nhu cầu của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu và kết hợp được tri thức, kiến thức của người dân địa phương với các kiến thức khoa học về biến đổi khí hậu, đó chính là sự khác biệt của CVCA đối với phương pháp được liệt kê.

Phương pháp CVCA có được áp dụng tại Việt Nam hay không? Chị đánh giá như thế nào về hiệu quả của phương pháp này đối với nhóm người dễ bị tổn thương tại Việt Nam. (Đức Thịnh, 25 tuổi, Nghệ An)

CVCA được sử dụng khá nhiều tại Việt Nam, nài tổ chức CARE là tổ chức đi đầu trong việc xây dựng bộ phương pháp này thì các tổ chức khác đều sử dụng phương pháp này rất  nhiều  ngay cả các sinh viên cao học cũng sử dụng phương pháp này khi nghiên cứu luận văn của mình. CVCA được đa số các tổ chức phi chính phủ sử dụng ở cấp cộng đồng trước khi xây dựng dự án hay đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp với khu vực đó.

Chị có thể cho ví dụ điển hình về một vùng hoặc 1 khu vực mà nhóm đối tượng dễ bị tổn thương đã ứng phó được với biến đổi khí hậu hay không? (Đinh Trí Đức, Long An)

Tôi có thể chia sẻ mô hình cụ thể đó là ngư dân ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Trước đây, vào năm 2005 thì có một cơn bão lớn phá huỷ toàn bộ đê kè ở khu vực này, song chỉ riêng một khoảng đê không bị vỡ đó là khoảng đê có rừng ngập mặn chắn phía trước. Sau cơn bão đó thì người dân nhận thức cao vai trò của rừng ngập mặn và với sự hỗ trợ của Tổ chức CARE thì họ đã xây dựng và tái trồng rừng ngập mặn thành công trong khoảng 10 năm liền và diện tích rừng ngập mặn tăng lên nhiều giúp người dân chống chịu được bão trong những năm vừa qua. Đây là một trường hợp điển hình tại Việt Nam.

Với mô hình này, nhóm chúng tôi rất mong muốn được nhân rộng thành công  ra ở tất cả các nơi phù hợp. Tuy nhiên do giới hạn về ngân sách về chính sách nên chưa thể nhân rộng như mong muốn được.

Cụ thể các Tổ chức phi Chính phủ họ chỉ có thể làm cùng với người dân địa phương, hỗ trợ người dân địa phương tuy nhiên để trở thành quy định, thể chế để người dân địa phương nghe theo và thực hiện theo thì với vai trò là một Tổ chức phi Chính phủ thì chúng tôi không thể nào đảm nhận hết được, mà chỉ có cơ quan Chính phủ họ mới có đủ hành lang pháp lý đưa ra được những khuyến nghị, quy định mang tính ràng buộc cao hơn thì khả năng ứng dụng sẽ cao hơn.

Truyền thông báo chí giúp gì trong sự kiện COP 21 lần này, thưa chị? ([email protected])

Mảng truyền thông rất quan trọng trong các dự án cộng đồng giúp người dân hiểu hơn và thích ứng cao hơn, quan tâm nhiều hơn, khả năng thích ứng cao hơn tới vấn đề này, và cần phải làm gì với mảng này.

Các Tổ chức phi Chính phủ luôn có những hoạt động truyền thông liên quan để giúp người dân nắm rõ tác động của biến đổi khí hậu và cần làm gì trước bối cảnh này.

Chúng tôi có kết hợp với các cơ quan truyền thông báo chí cũng như thông qua qua loa phát thanh, đường truyền miệng cũng là cách truyền thông rất hiệu quả. 
Với báo chí, chúng tôi luôn kêu gọi và mời các cơ quan báo chí tham gia vào các hoạt động dự án để mọi người hiểu hơn và chúng tôi luôn mong muốn mời được đại diện cơ quan báo chí tham gia khảo sát thực tế tại địa phương để họ hiểu được dự án qua những chuyến tham quan ngắn để có biện pháp tuyên truyền cho người dân tốt hơn.

b042d3cf5_i_5701.jpg
Bà Nguyễn Anh Minh chia sẻ tài liệu về biến đổi khí hậu


CCWG đã cùng với các Tổ chức phi Chính phủ, các mạng lưới đến từ Đông Nam  Á và Mỹ La Tinh đã cùng nhau thảo luận và đưa ra quan điểm chung với mong muốn bản Thỏa thuận sẽ đảm bảo lợi ích của các quốc gia tại 2 khu vực này. Chị có thể cho biết một số thông tin về sự hợp tác trên được không? (Thu Thảo, 28 tuổi, Hải Phòng)

Tại vòng đàm phán năm nay có một điều đáng mừng là các quốc gia kém phát triển đều được quan tâm và dường như tất cả những tranh cãi cũng như các vấn đề tài chính đều hướng đến các quốc gia này. Tuy nhiên, có một khoảng cách lớn cần thu hẹp ở đây đó là hướng đến các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Philipines, thì hiện tại Việt Nam đã trở thành một nước có mức thu nhập trung bình, không còn được coi là nước nghèo nữa, vì thế cho nên tất cả những hỗ trợ về tài chính, công nghệ dành cho các nước đang phát triển chỉ tập trung vào các nước nghèo mà bỏ ngỏ những nước đang phát triển mà chưa thực sự đạt được tầm cao như Việt Nam, đây là một thiệt thòi. 

Chính vì thế, chúng tôi thấy rằng cần phải kêu gọi để các quốc gia đang phát triển mà chưa đạt được tầm cao như Việt Nam, Philipines được quan tâm nhiều hơn. 
 
Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ là những quốc gia có lượng phát thải hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới vậy trong COP 21 thái độ của các quốc gia này như thế nào so với cam kết chung? (Lê Minh Trang, Hải Phòng)

Theo đánh giá trước đây, các bên tham gia đều e ngại rằng Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến quá trình đàm phán, tuy nhiên sau khi kết thúc COP 21, tôi cho rằng động thái của Trung Quốc cởi mở hơn so với Ấn Độ, Mỹ. 

Các quốc gia phát triển không muốn đặt  mục tiêu quá tham vọng bởi như thế việc cắt giảm khí thải sẽ lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên năm nay nước chủ nhà Pháp và các nước châu Âu khác như Đức lại có tiếng nói chung với các nước đang phát triển. Chính sự hỗ trợ từ các quốc gia này mà các quốc gia đang phát triển có tiếng nói hơn rất nhiều và mục tiêu giảm 1,5 độ C là thành công lớn của các Tổ chức phi Chính phủ trên thế giới.

Tiềm năng của phụ nữ trong việc ứng phó biến đổi khi hậu như thế nào? (Lê Thị Linh, Hà Nội)

Không riêng trong chủ đề biến đổi khí hậu mà kể cả trong các chủ đề khác thì phụ nữ luôn luôn phải là đối tượng tiên phong và tham gia tích cực các hoạt động, tuy nhiên việc tham gia này ỏ các quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển vẫn còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, các Tổ chức phi Chính phủ mong muốn thúc đẩy sự tham gia một cách có ý nghĩa của phụ nữ cả về mặt chính sách cũng như ra quyết định. Hiện nay, tổ chức CARE rất mong muốn sự thúc đẩy về giới và sự tham gia của phụ nữ cũng như quyền của phụ nữ trong các chính cách nói chung cũng như trong biến đổi khí hậu, đây là mục tiêu lớn của chúng tôi trong thời gian tới.

Sự khác biệt giữa thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu? (Hữu Đức, 21 tuổi Hà Nội)

Thích ứng và giảm thiểu ở đây không hẳn là hai lựa chọn mà đây là hai nhánh để ứng phó với biến đỏi khí hậu, "giảm thiểu" có nghĩa là cắt giảm khí thải hiệu ứng nhà kính để đảm bảo cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không lên quá cao, còn "thích ứng" là giúp cho những người dân, cộng đồng, quốc gia có khả năng chống chịu, sống được qua những thay đổi của biến đổi khí hậu gây ra và thường chúng tôi kết hợp cả hai cách thức này trong các biện pháp của mình.

Các Tổ chức phi Chính phủ có kế hoạch truyền thông nào đến vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền cho người dân biệ pháp ứng phó với biến đổi khí hậu? (Lê Linh, 21 tuổi, Hà Nội)

Các Tổ chức phi Chính phủ thường hướng hoạt động của mình đến vùng sâu, vùng xa như vùng núi hay những vùng miền Trung thời tiết khắc nghiệt chứ ít khi hoạt động ở khu vực đồng bằng. Các Tổ chức phi Chính phủ hướng tới cộng đồng vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số vì họ là những người gặp khó khăn nhiều so với cộng đồng khác. 

Biến đổi khí hậu một mặt là thách thức đối với Việt Nam do Việt Nam có đường bờ biển dài, dễ ảnh hưởng bởi bão lụt hay nước biển dâng nên dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, với những hỗ trợ của cộng đồng quốc tế chúng ta có thể cắt giảm năng lượng hóa thạch để chuyển sang năng lượng tái tạo, đây là cơ hội lớn để kinh tế Việt Nam được phát triển bền vững.

Chị có thể cho ví dụ cụ thể và nêu rõ tác động của biến đổi khí hậu đến người nghèo được hay không? (Mai Phương, 24 tuổi, Nghệ An)

Người nghèo là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì khi có thiên tai xảy ra, họ ít có phương tiện và năng lực để chống chịu thiên tai. Đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, đây là khu vực người dân chịu tác động nhiều hơn và ít có nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu.
 

Bây giờ chị có thể chia sẻ các trang mạng xã hội của các Tổ chức phi Chính phủ về biến đổi khí hậu được không? (MC)

Tôi xin chia sẻ facebook của nhóm CCWG cũng như là của tổ chức CARE và các bạn có thể theo dõi 2 trang fanpage của hai tổ chức này để có thêm những kiến thức liên quan đến biến đổi khí hậu và những mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như thông tin liên quan đến đàm phán về COP các năm. 


b042d3cf5__mg_5704.jpg
Bà Nguyễn Anh Minh chụp hình cùng BBT Sóng trẻ

Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc vào lúc 11h00 ngày 22/12/2015. Ban biên tập Sóng trẻ đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ quý vị độc giả. Tuy nhiên, vì thời lượng chương trình có hạn nên ban biên tập sẽ gửi các câu hỏi chưa được trả lời đến khách mời của chương trình là bà Nguyễn Anh Minh để được giải đáp đồng thời cập nhật lên trang tin điện tử Sóng trẻ trong một chương trình hoặc bài viết thích hợp. Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm, theo dõi và ủng hộ chương trình! 

BBT Sóng trẻ



Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật23 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc ngày 18/5, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN