Giới trẻ và nỗi lo thất nghiệp mùa dịch
(Sóng Trẻ) - Đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động tăng đáng kể. Điều này dẫn đến tình trạng giới trẻ “bỗng dưng thất nghiệp”.
Cuộc sống thường nhật bị đảo lộn
Là một MC/BTV Đài truyền hình Việt Nam, anh Đỗ Ngọc Sơn, BTV Ngọc Sơn cho biết từ đầu tháng 5 đến nay thu nhập gần như chỉ bằng 10% cùng kỳ năm 2020.
"Khoảng thời gian đầu, tôi bị hụt hẫng, có lúc bi quan nhưng tôi đã nghĩ rằng đây là lúc mình cần khẳng định bản thân. Và tôi đã tự tìm cho mình những cơ hội mới trong công việc bằng hình thức online và chuyển hướng kinh doanh cho công ty của mình.” Anh Sơn thừa nhận.
Đã gần 3 năm sống chung với Covid, bất kể là ai, làm gì cũng hiểu được sự tàn phá nặng nề mà đại dịch mang lại. Đặc biệt là học sinh, sinh viên, mọi môn học đều chuyển sang học online. Có thể nói, đây là điều thiệt thòi đối với các bạn. Đáng ra, đây là thời điểm các bạn được trải nghiệm, đi làm thêm để hiểu và học hỏi thêm về ngành mình theo học.
Ngành giáo dục trong thời điểm hiện tại cũng là một nỗi lo. Bạn Nguyễn Thảo Nguyên, sinh viên năm 3 Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành giáo dục mầm non đã có những trăn trở về hướng đi trong tương lai. Thay vì những giờ thực hành: Học hát, múa, thực hành làm đồ chơi, trang trí lớp học thì bạn phải thực hành online, không có sự tương tác, sát sao của giáo viên. Có chăng thì hầu hết là sự đối phó. Thảo Nguyên chia sẻ: “ Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập và công việc của tôi. Trước dịch tôi cũng có đi dạy thêm ở các trường mầm non nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến tôi phải dừng công việc vì các bé không đến trường.”
Niềm tin vào bản thân bỗng dưng bị lung lay
Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến học tập và công việc của các bạn học sinh, sinh viên. Đã hơn nửa năm các bạn phải học online ở nhà đồng nghĩa với việc thiếu tương tác với thầy cô và bạn bè. Các bạn trẻ cũng không thể đi làm thêm như ở trước dịch. Có thể, nhiều lúc các bạn rơi vào khó khăn không chỉ về tài chính mà còn về tinh thần. Bạn Cẩm Ly, sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “ Những mục tiêu mình đặt ra đều không đạt được như mong đợi. Thế nên đã có giai đoạn mình mất niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống. Thậm chí cảm thấy vô định trong chính cuộc sống của mình.”
Thậm chí, có những bạn đã và đang phải “cất tạm” giấc mơ của mình vì dịch bệnh. Bạn Trần Tuấn Anh 23 tuổi - tốt nghiệp trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Việt Bắc, đang theo học tại Nhạc viện Âm nhạc Quốc Gia đã tốt nghiệp trường Cao Đẳng được 1 năm và hiện tại đang học tại trường Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia. Nhưng phải học online 1 năm nay và chưa được đến trường. Bạn tâm sự: “ Tôi cảm thấy rất lo lắng và hồi hộp vì không biết môi trường mới sẽ như thế nào. Nỗi lo lớn nhất của tôi là bạn bè đồng trang lứa đã lập nghiệp hết rồi nhưng tôi vẫn đang loay hoay tìm lối đi cho mình.”
Biện pháp khắc phục
Dịch bệnh ngày một căng thẳng, dù đang trải qua những chuỗi ngày lao đao vì thất nghiệp, nhưng nhiều người trẻ vẫn không mất hy vọng về một cuộc sống ấm no hơn, đủ đầy hơn sau này.
Là một MC/BTV, anh Đỗ Ngọc Sơn đã tự tìm cho mình những hướng đi mới trong thời điểm đại dịch bùng phát. Anh đã có những chiến lược mới trong kinh doanh, dẫn các chương trình bằng hình thức online, quảng bá sản phẩm tại nhà, … Anh Sơn chia sẻ: “ Khoảng thời gian này thật sự đáng nhớ với tôi, tôi đã và đang tiếp tục học hỏi và sáng tạo. Tôi mong các bạn trẻ cũng thế! Đây chính là khoảng thời gian để các bạn tìm ra “ánh sáng” của cuộc đời.”
Học hát, học đàn là cách mà bạn Tuấn Anh, sinh viên Nhạc viện lựa chọn trong thời điểm hiện tại. So với các bạn cùng tuổi, các bạn đã ra trường và đi làm, nhưng Tuấn Anh vẫn chọn tiếp tục học. “Có thể, sẽ có những khoảnh khắc “chững lại” nhưng tôi vẫn luôn có niềm tin đối với bản thân mình. Rằng, thành công sẽ đến khi bản thân hết mình với đam mê.” Tuấn Anh tâm sự.
Chia sẻ với phóng viên, ThS.BS CK1 Nguyễn Trung Nghĩa (chuyên khoa tâm thần tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) nêu giải pháp: "Trước tiên, chúng ta cần tập cách biết ơn, tạm ngừng nhìn về quá khứ với những nỗi tiếc nuối về các mất mát, cũng hạn chế nghĩ về tương lai bất an giả định. Chúng ta hãy nhìn vào hiện tại và thấy rõ bản thân đã may mắn hơn nhiều người. Mỗi ngày hãy dành thời gian nghĩ đến hoặc viết ra ba điều tích cực bản thân đang có, chẳng hạn như mình vẫn còn khỏe mạnh hoặc ít ra còn có gia đình kề bên”.