Hà Nội: Chậm tiến độ, hàng loạt trạm xe đạp công cộng bị bỏ không
(Sóng trẻ) - Dự kiến được đưa vào hoạt động thử nghiệm từ Tết Nguyên đán 2023, nhưng thời điểm này, hơn 90 điểm đỗ xe bố trí tại nhiều vườn hoa, công viên ở 6 quận nội thành Hà Nội đang bỏ không và nhếch nhác.
Từ năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận với đề xuất của Sở GTVT Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn một số quận nội thành với thời gian thí điểm 12 tháng.
Giai đoạn 1 của dự án, nhà đầu tư sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 50% là xe đạp điện, bố trí tại 6 quận trung tâm là Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.
Để có điểm kết nối giữa xe đạp công cộng với người dân, dự án đề nghị 6 quận bố trí trên 90 điểm đỗ trên vỉa hè hoặc công viên, mỗi điểm đỗ cần diện tích từ 120 đến 150 m để làm “Trạm dừng Xe đạp công cộng”.
Tuy nhiên đã hơn 6 tháng trôi qua, dự án vẫn chưa đi vào hoạt động, các trạm xe bỏ không, gây lãng phí. Đặc biệt, việc phải chờ đợi trong thời gian dài ít nhiều sẽ khiến người dân cảm thấy hụt hẫng và có thể sẽ không còn mặn mà khi dự án xe đạp công cộng chính thức được thực hiện.
Chị Minh Thùy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, đã biết đến kế hoạch xe đạp công cộng từ lâu nhưng mãi vẫn chưa thấy xuất hiện tại Hà Nội.
“Tôi mong chờ dịch vụ xe đạp công cộng sẽ được triển khai sớm nhất có thể. Hi vọng loại phương tiện này sẽ giúp giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường”, chị Thùy nói.
Khảo sát của PV, tại các trạm đỗ xe như vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm); Công viên Lê Nin (Ba Đình); phố Phan Đình Phùng (Ba Đình); số 12 Đào Tấn (Ba Đình)…tất cả đang bỏ không nhiều tháng nay. Nhiều điểm đỗ đường kẻ đã mờ, mặt bằng xuống cấp, lá cây phủ dày, rác thải xuất hiện gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị.
Anh Minh Vũ (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy bảng trạm xe đạp công cộng cũng lắp khá lâu rồi. Hy vọng dự án sớm triển khai sẽ giúp thành phố tránh ô nhiễm hơn”.
Về nguyên nhân xe đạp công cộng chưa thể hoạt động trên đường, thông tin với báo chí, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, do số lượng xe Cty Trí Nam nhập để vận hành tại trên 90 điểm tại 6 quận nội thành giai đoạn 1 khá lớn, lên đến 1.000 xe, đặc biệt trong đó có 500 xe đạp điện.
Đây là loại xe đạp có động cơ lần đầu tiên được nhà đầu tư triển khai ở Việt Nam nên cần huy động nguồn vốn lớn và thời gian chờ để được nhà sản xuất cung cấp đủ xe.
Sở GTVT Hà Nội vừa đề nghị nhà đầu tư từ nay đến tháng 7 cần bố trí đủ 100 xe trước, sau đó đưa vào hoạt động ở các trạm trung tâm, có đông hành khách đi lại. Hiện Cty Trí Nam đã chấp thuận phương án này và trong tháng 7, xe đạp công cộng Hà Nội sẽ có 100 xe hoạt động trước.