Hành trình theo đuổi ước mơ của nữ MC khiếm thị
(Sóng Trẻ) - Lê Hương Giang là MC đầu tiên dẫn bản tin trực tiếp: “Tôi không nghĩ khiếm thị là một khiếm khuyết, mà đó là một sự đặc biệt”.
Người khuyết tật được xem là một ngọn nến cong. Nhưng giữa một ngọn nến cong và một ngọn nến thẳng, điểm chung của chúng là đều toả sáng. Câu chuyện của Lê Hương Giang (23 tuổi) – cô gái khiếm thị đã toả sáng lung linh bằng ước mơ trở thành người dẫn chương trình đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ.
Tôi gặp Giang trong tiết trời Hà Nội se lạnh. Dù đã được nhiều người bạn gặp Giang trước đó nhắc đến: “một cô gái mạnh mẽ”, “không giống người khiếm thị” nhưng tôi vẫn khá bất ngờ trong lần đầu tiên tiếp xúc. Một cô gái có mái tóc đen được buộc lên gọn ghẽ, luôn nở trên môi nụ cười và ánh mắt luôn nhìn về phía người đối diện. Một điều rất ít thấy ở những người khiếm thị như Giang.
Nhưng, nét duyên đáo để, sự tự tin, khéo léo của Hương Giang mới thực sự là điều chinh phục tôi. Hành trình vượt lên số phận, 10 năm kiên trì theo đuổi giấc mơ làm MC đã mang tới cho chúng ta những thông điệp về ước mơ trong cuộc sống: “Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó” (Paulo Coelho).
Đó là lời chia sẻ rất đỗi chân thành của Giang khi được tôi hỏi về quá khứ. Có lẽ lần đầu gặp mặt, thấy được nụ cười và nguồn năng lượng tích cực toả ra nơi Giang, sẽ không ai tưởng tượng được quãng thời gian khó khăn nhất của cô gái này.
Hương Giang bắt đầu câu chuyện của mình: “Mình sinh ra với một bên mắt hoàn toàn không thấy gì, mắt còn lại có thị lực 1/10. Hồi nhỏ, mình vẫn có thể nhìn mọi thứ xung quanh mờ mờ. Nhưng từ khi lên cấp Hai, mọi thứ còn lại với mình chỉ là màu đen”. Chính một căn bệnh về mắt đã cướp đi cơ hội được nhìn ngắm thế giới xung của Hương Giang.
Khi bác sĩ chuẩn đoán bệnh, điều đó không khác gì ông trời đã tuyên một bản án tử cho Giang và gia đình. Lớp 6, cô gái bé nhỏ ấy chỉ vừa mới bước sang tuổi 12. Độ tuổi “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là nan”. Độ tuổi mà những ước mơ trẻ thơ được nuôi lớn. Độ tuổi của những cô bé cậu bé mở mắt ngắm nhìn và không ngừng tìm hiểu thế giới rộng lớn. Nhưng ở độ tuổi ấy, bao quanh Giang chỉ còn là bóng tối.
Giang phải tự mò mẫm “nhìn ngắm” và khám phá thế giới bằng thính giác, bằng đôi tay, bằng những giác quan khác mà không phải là đôi mắt. Thay vì những con chữ nắn nót trên trang giấy, cô gái nhỏ phải tập làm quen với những dòng chữ nổi. Đã không ít lần Giang tự đặt ra câu hỏi, liệu rằng cuộc đời mình rồi sẽ ra sao?
“Khi không nhìn thấy nữa, điều đáng sợ nhất với mình không phải là bóng tối mà đó là khi tôi bị mất kết nối với thế giới xung quanh”, Giang chia sẻ. Cô gái 12 tuổi của năm ấy lo sợ, không phải là mình chìm trong bóng tối, mà bị chính bóng tối nuốt chửng. Mất sự kết nối, nghĩa là Giang phải làm bạn với sự cô độc, sống một cuộc đời vô nghĩa.
Mất đi vẻ hào hứng khi vừa tiếp xúc, giọng trầm buồn của Giang đã kéo tôi lại gần với những nỗi bất hạnh của người khiếm thị: “Mình thật sự đã rất tổn thương. Khi mình đi học, thầy cô nói rằng bạn bị khiếm thị thì làm sao mà học được các môn tự nhiên. Trong khi mình rất thích học các môn tự nhiên và học rất là tốt. Mình nhớ có một thời điểm, lúc đó, điểm của một bộ môn tự nhiên của mình đứng đầu lớp. Nhưng đến buổi tổng kết, cô giáo lên lớp và nói là sao điểm của Hương Giang lại cao nhất lớp như thế. Điều này là không hợp lý. Cô sẽ hạ điểm của Giang xuống để bằng các bạn”. Đây cũng là lúc, Giang bắt đầu hiểu được cách đánh giá của những người xung quanh về người khiếm thị.
Nhưng không vì thế mà Giang mất niềm tin vào cuộc sống. 12 năm liền Giang đều là học sinh giỏi. Đậu vào khoa Tâm lý của Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn với thành tích học tập đáng nể. Giang luôn có một trái tim đập những nhịp đập của hi vọng, của khát khao và niềm đam mê cháy bỏng: đấy chính là được trở thành một MC tài năng và xinh đẹp.
Khi xây một ngôi nhà, người ta phải bắt đầu từ những viên gạch. Đây chính là cách Giang nuôi dưỡng đam mê. Giang hiểu được, dù là bất cứ ai, khi thực hiện ước mơ đều cần bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất. Hành trình chinh phục giấc mơ làm MC không phải nói là làm được ngay. Đó là cả một quá trình rèn luyện mỗi ngày của Lê Hương Giang.
Sự nghiệp của cô gái nhỏ bắt đầu từ những năm tháng học cấp 3. Giang chủ động liên hệ và cộng tác với Đài tiếng nói Việt Nam trong vai trò là một phóng viên. Sau đó, Giang chuyển sang Đài truyền hình Việt Nam với vai trò là một MC.
Những viên gạch đầu tiên của nữ MC khiếm thị Lê Hương Giang đã bắt đầu như thế. Trên hành trình chinh phục giấc mơ đó, đã có những lúc Giang bỡ ngỡ với lần đầu lên sóng phát thanh. các anh chị nhận Giang vào đài nhưng chẳng giao việc gì. Cả những lần Giang lên xuống nhầm chuyến xe buýt mỗi lần đi lấy tin, và quên bật máy ghi âm khi phỏng vấn.
Thậm chí, đã có thời điểm, Giang lo lắng vì mình là người khiếm thị sẽ ảnh hưởng đến công việc của mọi người khi lên sóng truyền hình. Hay, Giang phải mò mẫm học kịch bản cho tới khuya để cho kịp ngày mai ghi hình.
“Nhưng tất cả đều làm mình vui”, sự phấn khích hiện rõ trên nét mặt Giang khi được kể về câu chuyện của những giấc mơ. Bởi, khi được làm người dẫn chương trình, Giang cảm nhận được mình là người kết nối, kết nối những câu chuyện, kết nối những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Nhiều người vẫn luôn hỏi Giang, một vị trí MC cho kênh chuyên về người khuyết tật sẽ thật phù hợp với Giang. Nhưng, đó lại không phải là điều Hương Giang mong muốn. Chỉ khi hoà nhập với xã hội, được là một phần của cộng đồng, làm những công việc bình thường thì Giang mới thật sự theo đuổi được đam mê. Chính vì vậy, Giang không ngừng cố gắng, tham gia các cuộc thi về MC để khẳng định giá trị của bản thân. Và trái ngọt đã đến với nữ MC thông minh này khi Giang xuất sắc dành giải nhất trong cuộc thi “The Next MC”.
Một cơ duyên thật đặc biệt khác cũng đã đến với Giang vào đầu tháng 6 vừa qua, để khi nhắc lại vẫn luôn khiến cô gái này bồi hồi: “Mình không nó có phải là một điều may mắn hay không, mà đó là một kỉ niệm đẹp”. Điều ước thứ 7 số 144 đã cho Giang cơ hội được dẫn chương trình cùng MC Lê Anh trong “Cafe sáng với VTV3”. Những con người trong ekip Điều ước thứ 7 đã truyền một nguồn cảm hứng rất lớn cho Giang tiếp tục trên chặng đường trở thành MC.
Với Giang, Điều ước thứ 7 là một mối duyên đẹp. Còn với tôi, Điều ước thứ 7 đến với Giang như một điều tất yếu, bởi những gì mà Giang đã làm, đã vượt qua và đã sai. Trên hành trình của giấc mơ, Giang không phải là “một kẻ khờ mơ mộng” bởi Giang đã chuẩn bị rất lâu để hiện thực hoá nó. Giang bảo rằng: “Mình cứ thử, rồi sai, rồi mình lại thử. Mình còn trẻ, chẳng có gì là không thể nếu mình dừng cố gắng”.
Anh Trịnh Công Thanh – Hội trưởng Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam nhắc đên Gianh như một niềm tự hào: “Giang là tấm gương trong việc chủ động tìm kiếm ước mơ và cơ hội trong cuộc sống cho thanh niên khuyết tật ở Việt Nam. Những điều Giang làm, Giang chia sẻ thật sự đã mang lại ánh sáng cho những người khiếm thị”. Với những bạn trẻ khuyết tật khác, nữ MC Lê Hương Giang là người đã truyền cảm hứng mỗi ngày cho họ.
Nhưng, khi được hỏi về điều này, Giang đã cho tôi một câu trả lời khá bất ngờ: “Nhiều người nói với mình rằng, mình là người đã truyền cảm hứng cho họ, để họ thay đổi cuộc sống và sống một cách tích cực hơn. Nhưng đối với cá nhân mình, chính họ đã là người tiếp thêm cho mình động lực để đi tiếp trên con đường này”. Giang xem đó là một may mắn, một cơ hội để cô có thể tiếp tục được truyền một nguồn cảm hứng nào đó cho chính những người giống như Giang.
Giang quan niệm mỗi người khuyết tật, họ không phải là sản phẩm “thừa” của xã hội, hay phiên bản “lỗi” của bất cứ ai. Đó cũng không phải là một khiếm khuyết, mà là một điều đặc biệt. Là một người khiếm thị, điều đó không thể cản trở Giang đến gần với giấc mơ. Mỗi một người sẽ có cách cảm nhận về cuộc sống khác nhau. Và khi Giang không nhìn cuộc sống bằng thị giác thì cô vẫn có thể cảm nhận cuộc sống bằng nhiều giác quan khác. Việc giao tiếp ánh mặt, trang điểm, ăn mặc thật đẹp mỗi khi lên hình, Giang đều có thể làm và làm rất tốt. Việc quan trọng là học tập và không ngừng cố gắng.
Lê Hương Giang hay bất cứ ai, họ sinh ra trên đời đều có một lý do. Không phải để tan biến đi như một hạt cát, mà là để toả sáng rực rỡ theo cách riêng của mình. Vì, ai cũng đều đặc biệt. Nhưng làm sao để mình thật đặc biệt, thì đó lại là hành trình của đam mê và cố gắng.
Hành trình theo đuổi ước mơ của nữ MC khiếm thị đầu tiên dẫn chương trình truyền hình trực tiếp Lê Hương Giang vẫn còn dài, vẫn còn đó những khó khăn. Nhưng với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, sự cố gắng không ngừng sẽ giúp cô gái có nụ cười tươi luôn nở trên môi thành công theo cách mà Giang đã chọn và bước tiếp.
Đặng Linh
Cùng chuyên mục
Bình luận