Hò khoan Lệ Thủy - Đứa con tinh thần của người nông dân Quảng Bình
(Sóng trẻ) - Làn điệu dân ca hò khoan bắt nguồn từ mảnh đất Lệ Thủy (Quảng Bình) - dải đất hẹp nhất của đoạn thắt Quảng Bình dọc, ngang chỉ 40 km. Hò khoan được xem như đứa con tinh thần của người nông dân Quảng Bình từ bao đời nay.
Từ lâu, người dân Quảng Bình được biết đến với tinh thần kiên cường chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Cuộc sống khó khăn, lam lũ không khiến họ nản chí mà ngược lại tinh thần họ trở nên sắt đá không phải nơi nào cũng có. Vừa lao động, vừa sáng tác nghệ thuật, mộc mạc giản dị nhưng bên trong mỗi câu hò là chất chứa bao nhiêu nỗi niềm.
Một tiết mục do các nghệ nhân Câu lạc bộ Hò khoan biểu diễn.
Hò khoan là của người lao động gắn liền với lao động. Từ những công việc thường ngày mà sáng tác ra lời hò, giai điệu hò khoan, thậm chí là ứng tác, bắt miệng ngay tại chỗ. Khi đã hình thành, hò khoan lại quay lại phục vụ cho cuộc sống lao động.
Hò khoan Lệ Thủy quy ước rõ kiểu cách tham gia của từng thành viên, bao giờ cũng có “hò cái” và “hò con”. Khi hò, hò cái là người “lĩnh xướng”, còn “hò con” là người “đế” “xố”. Mỗi câu hò thường thì chỉ có một người “lĩnh xướng” , còn người “xố” thì tất cả đám đông có mặt tham gia, gọi là “hội xố”. Điều thú vị ở chỗ nó mang tính quần chúng, thu hút đám đông mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng rộn ràng mà không làn điệu dân ca vùng nào có được.
Buổi giao lưu với sự tham gia của đông đảo các khách mời, các bạn trẻ đến từ Quảng Bình và trên địa bàn Hà Nội.
Hò khoan Lệ Thủy có hình thức diễn xướng rất phong phú qua các điệu hò sông nước, hò cạn, hò đưa linh, hò bài chòi,… Nhiều hình thức diễn xướng trong đó được sắp xếp thành lớp lang rất nhuần nhuyễn, hình thức diễn xướng này được thể hiện đặc sắc qua ca khúc “Hò giã gạo”.
Các tiết mục do chính những người dân lao động của mảnh đất miền trung đầy nắng gió thể hiện đã góp phần bộc lộ những nét đẹp tinh thần đáng quý của họ. Bên cạnh đó, những câu hò cũng giúp mọi người hiểu hơn về cái hay, cái đẹp, cái riêng của Hò khoan Lệ Thủy.
Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Bích thành viên của Câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy có niềm đam mê với làn điệu dân ca hò khoan Lệ Thủy từ nhỏ.
Hò khoan Lệ Thủy diễn ra phong phú mọi lúc, mọi nơi trong những ngày lễ hội của làng, trong đua thuyền truyền thống trên sông, do đó nhạc cụ cũng rất đơn giản. Hò ở sân đình, ở rạp thì có trống đại, trống chầu, người đi hò giao du có đôi sanh. Những nơi đông người mà không có chuẩn bị trước thi đôi tay vỗ vào nhau nhịp nhàng đúng nhịp tạo ra âm thanh hấp dẫn làm nền cho câu hò vừa hay, vừa nhộn làm cho người hò, người nghe thú vị, sảng khoái.
Vừa qua hò khoan đã đến với công chúng của thủ đô Hà Nội tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Buổi công diễn được đông đảo mọi người tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Trước đó đoàn đã có buổi công diễn tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Qua đó, mang những nét đẹp truyền thống về làn điệu hò khoan đến với người dân trên khắp đất nước.
Trần Hoa
Cùng chuyên mục
Bình luận