Học sinh nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19: Nên thi hay xét tốt nghiệp THPT?
(Sóng trẻ) - Những ngày qua trên truyền thông báo chí có nhiều bài viết, ý kiến khác nhau về việc nên xét hay thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020 sắp tới trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT đã hai lần điều chỉnh kế hoạch năm học 2019-2020. Lần điều chỉnh mới nhất, chương trình năm học kết thúc giữa tháng 7. Trên thực tế, học sinh lớp 12 mới chỉ hoàn thành chương trình học kỳ I. Việc này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận trong thời gian gần đây về cách tổ chức thi hay xét tốt nghiệp THPT.
Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc thi hay xét tốt nghiệp THPT
Xét tốt nghiệp liệu có đủ điều kiện vào đại học?
Thầy Đậu Hoàng Hưng, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh) cho rằng phương án xét tốt nghiệp có tính khả thi vì thực sự với thời gian nghỉ kéo dài như hiện nay, giãn cách giữa 2 học kỳ nhiều, việc ôn tập để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cho rằng việc dùng kết quả THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng hợp lý, cô Phạm Tùng Lâm, giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) lý giải, do hiện nay các trường đều có những phương thức tuyển sinh riêng. Việc xét tốt nghiệp về bản chất vẫn đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh. Kết quả học tập được nhìn nhận là một quá trình chứ không chỉ qua một kỳ thi.
“Nài ra, nếu dịch bệnh còn kéo dài thì việc hạn chế tập trung đông người như hiện nay cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi. Việc HS dùng kết quả THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng hợp lý vì hiện nay các trường đều có những phương thức tuyển sinh riêng”, cô Lâm chia sẻ thêm.
Em Nguyễn Hoài Thương, HS lớp 12D2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Q.3, TP.HCM), chia sẻ: “Với tình hình dịch bệnh có chiều hướng tăng lên như hiện nay thì việc nghỉ học có thể kéo dài. Chính vì vậy, dù thời gian kết thúc năm học sẽ được giãn ra thì HS cũng không thể tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn được”.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 (Ảnh: Internet)
Có con gái là học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp, xét tuyển vào đại học, ông Phan Quang Huy, cho rằng nếu được thì việc xét tốt nghiệp trong hoàn cảnh hiện tại là phương án tốt nhất. Tuy nhiên, khi xét rồi thì học sinh vẫn phải tham gia kỳ thi tuyển sinh bởi những trường Đại học tốp đầu chắc chắn sẽ không thể thực hiện xét học bạ đơn thuần.
Các trường đại học ảnh hưởng ra sao khi không thi THPT quốc gia?
Theo như dự tính, học sinh trên cả nước sẽ trở lại trường học vào đầu tháng 4 thì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 8 vẫn có thể diễn ra. Nhưng nếu dịch phức tạp kéo dài hơn nữa thì sự tồn tại của kỳ thi này và các phương án khác thay thế cần được tính đến.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay: “Do vậy việc có hay không có kỳ thi THPT quốc gia sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cần dự tính đến các phương án trong tình huống xấu nhất dịch bệnh kéo dài”.
Về kết quả kỳ thi này, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, sẽ có tác động khác nhau tới việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Trong đó, về xét tốt nghiệp, ông Nghĩa nói: “Qua số liệu các năm cho thấy tỷ lệ tốt nghiệp rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét thì tỉ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy dù không có kỳ thi này thì hầu hết HS đã tốt nghiệp”.
Theo ông Nghĩa, thống kê số liệu xét tuyển ĐH các năm vừa qua cho thấy nguồn tuyển từ kỳ thi này chủ yếu tác động tới khoảng 100 trường ĐH lớn. Các trường khác, đặc biệt là khối trường tư thục, chủ yếu xét tuyển từ học bạ. Do vậy, việc không có kỳ thi này sẽ ảnh hưởng tới việc tuyển sinh của các trường lớn, và các trường này tuyển sinh theo phương thức nào khi không có nguồn tuyển từ đây sẽ là vấn đề lớn.
Theo Luật Giáo dục hiện hành (2015), học sinh bắt buộc phải dự thi mới được xét tốt nghiệp. (Ảnh: Internet)
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng kỳ thi THPT quốc gia có ảnh hưởng lớn đến việc tuyển sinh các trường Đại học, các phương thức tuyển sinh dự kiến đã công bố, hầu hết các trường đều xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi này.
Do đó, cần tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và dù tổ chức muộn hơn mọi năm các trường vẫn đợi để xét tuyển. “Tất nhiên, kỳ thi này cần có cách thức tổ chức để phù hợp với thực tế việc nghỉ học kéo dài của HS phòng tránh dịch bệnh”, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nhấn mạnh.
Việc tạm ngừng hiệu lực Điều 34, Luật Giáo dục sửa đổi không cần dùng cơ chế khẩn cấp quốc gia như triệu tập họp Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định, nhưng trước đó phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nội dung: Điều 34 Luật Giáo dục sửa đổi tạm thời không áp dụng trong năm học này.
Học sinh nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19 liệu có nên chỉ xét tốt nghiệp hay vẫn phải tổ chức thi THPT quốc gia như mọi năm?
Xin mời bạn đọc cùng bình luận, đưa ra quan điểm của mình về vấn đề “Học sinh nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19: Nên thi hay xét tốt nghiệp THPT?”
Nhóm PV
Lớp Báo mạng điện tử K36A2
Cùng chuyên mục
Bình luận