Khó hiểu nội dung truyện cổ tích cho trẻ em
Từ ngôn ngữ khó hiểu
Truyện cổ tích là một trong những nhân tố góp phần hình thành tính cách trẻ thơ, vì thế mà tính nhân văn, tính giáo dục luôn phải được đề cao thông qua hình ảnh, ngôn ngữ. Nhưng ngày nay để tìm được một quyển truyện cổ tích có ý nghĩa thực sự là một điều khó khăn với mỗi phụ huynh.
Chị Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi đau đầu khi đi mua truyện cổ tích cho cô con gái 5 tuổi của mình: “Tôi đã tìm suốt mấy ngày nay mà vẫn chưa mua được quyển nào ưng ý, truyện nào hình ảnh cũng đẹp nhưng nội dung thì khó hiểu quá, không phù hợp với trẻ nhỏ”
Trong truyện “Alađanh và cây đèn thần” của nhà xuất bản Lao Động, có những từ ngữ vượt quá tầm hiểu biết của trẻ em như “trong hầm có cơ man là vàng bạc châu báu”, “lão phù thủy dã man đó đã được trừng trị”,… Những câu truyện cổ tích xưa kia thường dùng từ “độc ác” dành cho phù thủy, vậy mà giờ đây, phù thủy lại “dã man”. Phải chăng phù thủy cũng có sự tăng tiến về sự độc ác theo thời đại?
Ngôn từ trong alađanh bị "biến hóa"
Chị Thu Trang (Lạc Long Quân, Hà Nội) cho hay: “Từ ngữ trong truyện cổ tích ngày nay khó hiểu, đọc một câu chuyện cho con mà tôi phải dừng lại vài lần để giải thích những từ cháu không hiểu. Trong truyện Sọ dừa, tại sao người ta lại không viết “người phụ nữ tuổi đã cao” thay cho “người phụ nữ luống tuổi?”.
Đến sai lệch nội dung
Truyện cổ tích thường là những cấu chuyện dân gian được truyền miệng, vì vậy việc bị “tam sao thất bản” là không thể tránh. Tuy nhiên, truyện cổ tích hiện nay không những không giữ được nguyên bản mà còn xuyên tạc, bịa đặt nội dung, bóp méo giá trị đạo đứa vốn có.
Nhiều phụ huynh phát hoảng khi trong truyện “Hoàng tử ếch” có đoạn “Ăn uống no nê xong ếch bảo: “Ta thấy mệt và buồn ngủ. Nàng hãy đưa ta về phòng, ta muốn ngủ cùng với nàng”, còn công chúa thì đỏng đảnh cùng lời nói “ta ghét ngủ với một con ếch xanh lè và ướt nhoét như ngươi” và ếch biến thành hoàng tử vì bị công chúa hất xuống giường thay vì bởi nụ hôn của công chúa. Một câu chuyện cổ tích ca ngợi tình người, tình yêu trong sáng đã trở nên khô cứng và thô tục.
Không chỉ vậy, những câu chuyện cổ tích đã trở thành kinh điển, thu hút trẻ em nhiều thế hệ cũng bị biến hóa đến biến dạng. Truyện “Công chúa ngủ trong rừng” bây giờ chỉ còn lại 7 bà tiên thay vì 13 bà tiên như nguyên bản, còn truyện “Chú mèo đi hia” thì nhân vật chính là chú mèo chỉ được xuất hiện ở đoạn cuối.
Truyện cổ tích như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong tuổi thơ của mỗi chúng ta. Cổ tích đưa ta đến những miền đất lạ, là nơi kẻ ác bị trừng trị, ở hiền thì gặp lành. Thiết nghĩ, cần phải có những biện pháp cụ thể về việc kiểm soát về nội dung truyện cổ tích trước khi cho xuất bản. Hãy để truyện cổ tích mang đúng giá trị của nó chứ không phải làm méo mó đi giá trị ấy.
Nguyễn Diệu Linh
Lớp Báo mạng điện tử K.30