Khổ như…xóm không có điệ
(Sóng trẻ) - 8 giờ tối, nếu có một chiếc flycam chụp lại quang cảnh xã Kim Thành (Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) hẳn sẽ không ai nghĩ xóm Nhà Đũa thuộc xã này là nơi có người sinh sống. Bởi tầm giờ này, cả xóm không còn chút ánh sáng nào được thắp lên. Quá nửa số người dân nơi đây vẫn xa lạ với ánh điện, số còn lại phải dùng điện theo giờ.
Xóm Nhà Đũa (xóm 8) được ví như “một bộ lạc bị lãng quên” dù đây là nơi sinh sống của 30 hộ dân với 127 nhân khẩu. Người dân nơi này chủ yếu làm nông, lâm nghiệp. Có người sống ở đây từ những năm 50 của thế kỉ trước, có người mới nhập “bản” từ đầu những năm 2000 nhưng điểm chung ở họ là không có điện phục vụ sinh hoạt.
“Kể khổ cả ngày cũng không hết”
Nơi này dù trên lí thuyết chỉ cách trung tâm thị trấn huyện 20km nhưng đường đi khá quanh co, chủ yếu là dốc núi. Người lớn hiếm khi rời “bản” trừ những trường hợp đặc biệt. Trẻ em đi học gặp nhiều rất nhiều khó khăn. Học sinh Tiểu học và Mẫu giáo phải chấp nhận cảnh đi học ở các xã lân cận. Những trường hợp không có bán trú, phụ huynh phải gửi con em ở trọ buổi trưa tại những nhà gần trường. Trong khi đó, những gia đình có con học cấp 2, cấp 3 phải tìm cách gửi các cháu ở nhà người quen, có người quen ở nơi nào thì cho con em đến đó học: “Ở đây không có điện các cháu không học được, thôi đành chấp nhận cho chúng nó đi học xa để học hành cho tử tế”, ông Nguyễn Văn Hòa - trưởng xóm Nhà Đũa chia sẻ.
Xóm không có điện, hơn 50 đứa trẻ ở trẻ ở tuổi đến trường phải chịu cảnh học hành khó khăn, bất tiện.
Năm 2014, 13 trong tổng số 29 hộ dân lúc bấy giờ rủ nhau góp tiền mua điện từ xã khác về để cải thiện cuộc sống. Mỗi nhà bỏ ra hơn 10 triệu, tự đầu tư tất cả các chi phí gồm dây điện, cột điện, chi phí lắp đăt,… nhưng do điều kiện địa lí xa ngái nên điện về đến xóm “có cũng như không”.
Thời gian đầu, 12 hộ dân này mua sắm các thiết bị điện tử về để dùng nhưng điện chập chờn, lúc dùng được lúc không nên đồ điện hỏng hóc liên tục. Hiện tại điện có ổn định hơn nhưng đến giờ cao điểm, các hộ dân vẫn phải ngắt toàn bộ hệ thống điện để tránh chập chờn, hư hỏng máy móc. Bởi thế, những người dân này gần như phải dùng điện theo giờ, có việc gì cần dùng đến điện thì phải tranh thủ khi ít người sử dụng.
18 hộ còn lại, việc phụ thuộc vào đèn dầu đã trở thành nếp sống quen thuộc. Với những người này, cuộc sống có điện là điều xa xỉ, không dám mơ tới.
Năm nay, nhiều hộ “quyết” đầu tư bình ác quy để dùng vào việc thắp sáng. Nói là thắp sáng nhưng thực chất chỉ có một chiếc bóng đèn led kẹp bình ác quy được dùng đến. Mỗi ngày, những hộ gia đình này chỉ dám “chi” ra 2 giờ dùng điện, hầu hết để phục vụ cho việc ăn tối và học hành của con cái. Tầm 7 rưỡi đến 8 giờ, các gia đình đồng loạt tắt đèn để tiết kiệm điện.
Ông Hoàng Đăng Khoa cho biết, nhà ông mua bình ác quy được hơn hai tháng nay, trung bình mỗi tháng ông đi nạp điện một lần. Do đường đi khá xa nên cả nhà ông phải dùng tiết kiệm hết mức có thể: “Chỉ dùng điện để thắp sáng, không dùng vào mục đích chi (gì) nữa cả. Mà cụng (cũng) có chi cần dùng đến điện nữa mô (đâu), đồ điện trong nhà có mỗi cái đèn led ni (này) thôi”.
Thật vậy, trong căn nhà hai gian của ông Khoa không có một thiết bị điện nào. Cái điện thoại “cục gạch” vứt chỏng chơ trên giường cũng không có lấy một vạch pin, ông bảo hai hôm nay bận việc ruộng nương nên chưa đi nạp điện được, “sáng mai nhờ đứa cháu lớp 2 đi học nó nạp hộ cho luôn”.
Kể chuyện cuộc sống bên nài, những hộ dân nơi này đều lắc đầu bảo không biết, không hay, không rõ. Cũng dễ hiểu, họ hoàn toàn không có phương tiện để tìm hiểu và tiếp cận với xã hội, với những tin tức mà báo đài vẫn đưa tin hàng ngày. Ông Khoa nói, vợ chồng ông cũng từng mơ đến việc sắm sửa chiếc ti vi để xem tin tức nhưng chẳng biết đến bao giờ mới thực hiện được, đến cả loa phát thanh của xã cũng không nghe được vì xa quá, cách cả chục cây số. Họa chăng cả tháng có việc xuống ủy ban xã, ông xin mấy số báo về đọc cho khỏi quên chữ, cũng coi như cập nhật tin tức theo tháng.
Ngay cả việc ăn tối với nhiều hộ gia đình ở đây cũng diễn ra trong cảnh chật vật, tối tăm
Ngày thường không có điện đã đủ khổ, ngày Tết với những người dân xóm Nhà Đũa càng khổ hơn gấp bội. Các xóm khác, ánh điện lung linh, loa đài, âm nhạc rộn ràng. Qua mấy ngọn núi, xóm Nhà Đũa như lẻ loi, lạc lõng giữa rừng núi hoang vu. Ông Khoa kể khổ: “Tết với chúng tôi cũng như ngày thường, có khi còn buồn hơn. Ra chợ người ta mua đèn nháy, đổi cái tivi mới, mua sắm cái nọ cái kia còn dân xóm Nhà Đũa thì đi mua thêm hũ dầu về thắp cho qua tết, hộ nào có bình ác quy rồi thì ôm bình đi nạp”. Nói đến đây, ánh mắt ông rưng rưng nhìn về đứa cháu nại 7 tuổi đang dắt trâu trên cánh đồng trước nhà.
Cuộc sống không có điện cũng sinh ra nhiều chuyện bi hài. Điều dễ nhận ra ở các ngôi nhà trong xóm này là những ô cửa sổ hầu hết không có cánh. Nếu có, chỉ đến mùa đông họ mới lắp vào, còn mùa hè thì tháo tung cho ánh sáng vào. Những số điện thoại hay những thông tin cần ghi nhớ, người ta viết nguệch nạc bên nài những bức tường. Họ bảo: “Viết ở tường bên trong thì nhiều khi tối quá không thấy được, viết trong sổ sách thì sợ khi gấp quá kiếm không ra, viết trong điện thoại thì nhỡ hết điện mà cần gấp cũng không làm sao gọi được. Thôi viết trên tường như ri (thế này) cho dễ nhìn, lỡ điện thoại hết điện thì mượn điện thoại ai về cũng bấm được số mà gọi”.
Vào tầm 5 giờ chiều, những tưởng các hộ gia đình ở đây phải nấu ăn sớm khi còn ánh sáng mặt trời. Thế nhưng lúc này, mọi người vẫn lo việc nuôi trồng, chẳng ai lo đến chuyện cơm nước. Hỏi ra mới biết, việc sinh hoạt, cụ thể là nấu ăn trong bóng tối với họ đã trở thành kĩ năng. “Lấy gạo, múc nước, thổi lửa giừ (giờ) không có điện chúng tôi cũng làm được hết, khổ quen rồi mà” - bà Vinh, một phụ nữ đứng tuổi trong xóm nói.
Nấu ăn trong bóng tối đã trở thành "kĩ năng" của bà Vinh
Người ở đây tự ví mình như “tộc”, như người của “một bộ lạc bị lãng quên”. “Xuống núi”, họ vẫn đùa với mọi người: “Chúng tôi nói được tận hai thứ tiếng, tiếng của người Kinh và tiếng của “tộc” người không có điện. Nói loại tiếng thứ hai, thách các ông, các bà hiểu được”. Dăm ba câu đùa miệng nhưng cũng là nỗi lòng đau đáu của người dân nơi này. Kêu khổ mãi cũng chán, họ đành lấy cái khổ của mình làm chút chuyện cười, bông phèn cùng nhau.
Gần 6 giờ tối, thấy khách đến nhà, ông Nguyễn Văn Hải lật đật vào bếp rang mấy củ lạc. Trời nhá nhem, điện không có, ông sắp mấy thanh củi củi vào bếp, bật cái bật lửa rồi cúi đầu thổi mạnh, tro bay tứ tung bám vào vạt áo cũ nhăn nheo ông đang mặc. Ở một góc khác trong căn bếp tồi tàn là chiếc đèn pin xếp xó vì không ai đi nạp điện cho và vài ba cái hộp đựng dầu hỏa bám bụi than đen kịt…
Hỏi về việc chuyển đi nơi khác sinh sống, người dân xóm Nhà Đũa đều lắc đầu: “Chẳng ai nghĩ đến chuyện chuyển đi đâu cả, sống ở đây còn có mảnh rừng, còn có cái nhà chứ đi nơi khác thì tiền đâu mà xây nhà, kiếm tiền đâu ra mà sống”.
“Cái khổ của dân xóm này thì kể mãi không hết”, ông Hòa - trưởng xóm nói.
Thực trạng khó giải quyết
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, người dân xóm Nhà Đũa tham gia đóng các khoản xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ nhưng vẫn phải chịu cảnh không có điện. Nhiều lần xóm đã làm đơn đề nghị gửi trực tiếp lên chính quyền huyện và tỉnh nhưng vẫn không có hồi âm.
Theo lời người dân, UBND xã Kim Thành hứa hẹn đến năm 2030 sẽ có điện phục vụ bà con. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, người dân tin chắc phải chờ đến năm…3000.
Trao đổi với Sóng trẻ, ông Phan Thanh Cao – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Yên Thành cho biết: “Việc giải quyết vấn đề không có điện của xóm Nhà Đũa là rất khó khăn và phức tạp”.
Xã Kim Thành có diện tích tự nhiên tương đối rộng, xóm nhà Đũa (kí hiệu số 2) nằm cách xa trung tâm xã (các số 1, 3, 4, 5, 6 ,7, 8, 9)
Ông Cao cũng nói thêm, nếu kéo điện cung cấp cho 30 hộ dân thuộc xóm Nhà Đũa, kinh phí dự kiến lên đến 7 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, nằm nài khả năng của huyện. Huyện Yên Thành cũng đã làm văn bản gửi Sở Công thương tỉnh Nghệ An đề nghị đưa xóm Nhà Đũa vào đề án Phát triển hạ tầng cung cấp điện trọng yếu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đồng thời làm tờ trình gửi lên UBND tỉnh Nghệ An, Điện lực tỉnh Nghệ An và điện lực Huyện Yên Thành đề nghị giải quyết vấn đề của xóm Nhà Đũa. Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan nói trên.
Xã Kim Thành là xã miền núi thuộc khu vực 2 của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Với tổng diện tích tự nhiên là 2346,9 ha, xã có 8 xóm với 4956 nhân khẩu, trong đó xóm Nhà Đũa (xóm 8) hiện là xóm khó khăn nhất của xã. Trước đây, xóm này thuộc xã sự quản lí của Tổng đội TNXP 6 tỉnh Nghệ An, đến năm 2008 thì được sát nhập vào xã Kim Thành. Do cách xa trung tâm nên việc cung cấp điện cho người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, UBND huyện Yên Thành đang tham mưu với các cơ quan chức năng để tìm hướng giải quyết, cung cấ điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân xóm Nhà Đũa.
|
ThủyTiên
Cùng chuyên mục
Bình luận