Không có bột sao gột nên hồ

(Sóng Trẻ) - Cô bé đứng ngẩn người một lúc lâu vẫn không thể tìm ra đáp án của phép tính. 25 trừ 16 bằng bao nhiêu? Mọi người lắc đầu ngao ngán, thương thay một học sinh tiên tiến lớp 4 mà không làm được phép trừ đơn giản. 25 -16 = ? vẫn còn là một ẩn số đối với em.

Đó là câu chuyện của ba năm về trước. Cô bé là Hoàng Minh Cúc - học sinh lớp bốn, trường tiểu học xã Lương Năng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Trong suốt bốn năm học em luôn là học sinh tiên tiến của trường. Nghỉ hè năm đó, cô bé được lên chơi nhà người thân trên thành phố, Cúc tíu tít với cô chị họ: “Chị dạy em học đi”.

“25 trừ 16 bằng bao nhiêu?” – câu hỏi của cô chị làm Cúc ngẩn người ra một lúc. Cô bé đứng trân trân trước tấm bảng đen nhìn vào hai con số tưởng chừng như rất dễ dàng đối với một học sinh lớp bốn. Người chị ngạc nhiên nhìn dáng người bé nhỏ, đen đúa của Cúc rồi lắc đầu chán nản.

“Ở quê cô giáo thỉnh thoảng còn dạy sai cơ. Có lần cô cho cả lớp một bài toán rồi để bọn em ngồi giải. Một bạn xung phong lên, rõ ràng là giải rất đúng nhưng cô cứ khăng khăng là giải sai. Sáng hôm sau, cô lên lớp bảo với bọn em: bài hôm qua bạn giải đúng và đọc cho bọn em chép lại. Chắc tối qua cô về xem sách giải rồi mới biết mình sai” – Ân vừa cười vừa kể lại.

Câu chuyện đó cũng vào khoảng ba năm về trước, cậu bé Hoàng Văn Ân lúc đó vừa tốt nghiệp lớp 9 trường THCS xã Lương Năng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Quả thực, chưa nói đến chất lượng dạy học của trường, chỉ cần nhìn vào việc một học sinh nhiều năm liền đạt danh hiệu tiên tiến mà ngay cả phép tính đơn giản cũng không biết thì liệu cái danh hiệu tiên tiến ấy dựa vào đâu mà xét?

Ba năm trôi qua -  những câu chuyện tương tự có còn tồn tại?


Từ sau cuộc vận động “Hai không” của Bộ Giáo dục – nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục – thì những câu chuyện vui ít buồn nhiều như trên đã phần nào được hạn chế. Tuy nhiên, việc hổng kiến thức nền của các em ngay từ khi mới học tiểu học là điều khó có thể cứu vãn được.

Hãy xem xét những hệ lụy của điều đó để có thể thấy rõ ảnh hưởng không nhỏ của nó đối với các em như thế nào?

Cậu bé Hoàng Văn Vũ (cũng ở xã Lương Năng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) mới mười lăm tuổi đã bỏ học để lấy vợ vì không muốn học nữa. Em dè dặt nói “biết mình học lên cũng không biết gì thì học làm gì”. Có lẽ cũng vì thế mà nạn tảo hôn ở nơi đây vẫn đang diễn ra và trở thành “phong trào”.

Còn như một số em khác cố gắng theo học đến cấp ba thì đáng buồn thay một phương trình tìm x đơn giản nhất cũng không giải nổi, thử hỏi con đường học tập sau này của các em sẽ đi được đến đâu? Thậm chí, một vài bậc phụ huynh lại cố gắng bằng mọi cách cho con theo học những trường trên thành phố mong được mở mày mở mặt mà đâu biết điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chính các em.

22250fb73_khongbot001.jpg
Những cô bé lấy chồng, sinh con khi mới 15, 16 như thế này không còn quá hiếm hoi.


Bởi thế mới thấy nơi đây rất cần đến những giáo viên vừa có tâm lại vừa có tài để có thể chung tay giúp đỡ các em cải thiện việc học hành sao cho đến nơi đến chốn.

Khoan nói đến cái tài, hãy nghĩ đến cái tâm


Trường cấp một, cấp hai xã Lương Năng, huyện Văn Quan nằm trên hai bãi đất rộng gần đường lớn, cách nhau hơn một cây số. Giáo viên của trường hầu hết tốt nghiệp từ trường cao đẳng Sư phạm của tỉnh. Trình độ trung cấp có, cao đẳng có. Theo ông Hoàng Văn Nhân, giảng viên toán khoa Tiểu học, trường Cao đẳng Sự Pham Lạng Sơn cho biết: “Chất lượng đầu vào của trường nói chung chưa cao, bởi trường chỉ xét tuyển dựa vào điểm thi đại học đối với sinh viên đăng kí hệ cao đẳng và nài cao đẳng, riêng trung cấp thì xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra đều tốt, đảm bảo theo chuẩn đào tạo của Bộ”.

Nhưng không phải tất cả những giáo viên đạt chuẩn đều “chịu” về công tác  ở những vùng quê nghèo như nơi đây. Cũng vì lẽ đó mà giáo viên dù không đạt chuẩn, dù đã về hưu vẫn được huy động về dạy cái chữ cho các em, được chừng nào hay chừng ấy. Thậm chí, có những giáo viên chỉ học hết lớp chín rồi học thêm ba năm, có khi chỉ ba hè sư phạm tại chỗ - vẫn gọi là hệ sư phạm  9 cộng 3 - cũng được huy động đến mức tối đa.

Trường tiểu học Lương Năng có ba phân trường thì chỉ có duy nhất phân trường chính là dạy đến lớp năm. Mỗi ngày đi học, các em phải cuốc bộ gần chục cây số để đến trường, hè cũng như đông, nhìn từng tốp học trò tung tăng đến lớp trên những con đường đất với đôi chân trần gầy guộc lại thấy chạnh lòng.

22258823d_khongbot002.jpg
Các em nhỏ vẫn hằng ngày đi trên con đường đất quanh co để đến trường.

Điều kiện học tập chẳng được là bao, các em chỉ tranh thủ học những lúc ánh mặt trời còn sáng rõ bởi về đêm một ánh đèn dầu le lói liệu có đủ để thắp sáng cả gian nhà? Ngày nghỉ thì lại tất bật với những công việc phụ giúp gia đình. Chăn trâu, hái củi…là những việc làm quen thuộc đối với mỗi em nhỏ nơi đây.

Bà Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng trường tiểu học Lương Năng chia sẻ: “Giáo viên trong trường cũng rất quan tâm đến việc học của các em nhưng khổ nỗi trường cách nhà quá xa, đường sá thì khó khăn, thậm chí ở phân trường Pá Hà và Bản Chầu còn chưa có cả đường dân sinh. Bảo sao các em vẫn hay nghỉ học vào những ngày trời mưa gió, thậm chí là nghỉ học vào cả những ngày lễ riêng của dân tộc mình”.

Không chỉ vây, đồng bào nơi đây đã quen giao tiếp bằng ngôn ngữ của họ. Đó cũng là một trong những lí do khiến cho việc học của các em gặp nhiều khó khăn. Nhưng thiết nghĩ, nếu như các em nhỏ nơi đây được học dưới sự kèm cặp của những giáo viên thực sự tâm huyết và dạy giỏi thì có lẽ việc hổng kiến thức nền sẽ phần nào được hạn chế.

Tuy vậy, một người, hai người chấp nhận chịu kham chiu khổ sinh sống và giảng dạy tại những vùng quê như thế này cũng không thể giúp được hết tất cả các em nắm vững kiến thức. Đội ngũ giáo viên dạy giỏi có lẽ rất cần tại những xã nghèo như ở đây. Hi vọng một ngày không xa, các em sẽ được học hành trong điều kiện tốt nhất, được có những giờ phút vui chơi trong môi trường tốt nhất bởi các em cũng chính là những mầm non tương lai của đất nước.

Hoàng Quyên
Báo Mạng ĐT K27

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN