Kinh nghiệm làm tiểu luận thành công

(Sóng Trẻ) - Làm tiểu luận là một trong những hình thức đánh giá chất lượng học tập cuối kỳ khá phổ biến ở bậc đại học. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm bắt được các kỹ năng để có một bài thi tiểu luận hoàn chỉnh và chất lượng. Phóng viên Sóng trẻ có bài phỏng vấn các giảng viên và các sinh viên có thành tích học tập tốt nhằm thu thập, sẻ chia với bạn đọc kinh nghiệm để có được một tiểu luận đúng chuẩn, hấp dẫn, có hiệu quả lý luận và thực tiễn cao.

 Hãy bắt đầu bằng tư duy khoa học

Sở hữu rất nhiều điểm 8, điểm 9 cho các bài tiểu luận, bạn Đỗ Ṇc Bích – Lớp phó Học tập lớp Báo mạng Điện tử K.29 cho biết: “Mình thường bắt đầu bằng việc lập dàn ý chính, chia các mục lớn theo mẫu chuẩn. Các phần nhỏ phải đảm bảo kín kẽ, bao quát hết nội dung; luôn có đầy đủ cơ sở lý luận, lý thuyết nền tảng, sau đó là hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp. Với mình, nghiên cứu không phải là để vứt xó, đóng bụi mà là nghiên cứu để vận dụng tốt cái lí thuyết học được, và rút ra cái gì đó có ích cho thực tế, nên phần giải pháp luôn là phần được đầu tư nhất.

Lập được dàn ý chung, rồi dàn ý chi tiết, mình mới bắt tay vào viết từng phần một; điều đó làm tiểu luận trở nên khoa học, mình làm chủ được dung lượng từng phần, không bị quá dài dòng, lan man cũng không bị quá thiếu. Do đó, mình thường mất cả tháng để tìm tài liệu, đọc tài liệu, mất cả tuần thảo ra cái dàn ý nhưng rồi chỉ viết tất cả trong một ngày thôi. Viết xong, đọc lại một lượt sửa chính tả, diễn đạt, chứ không sửa cấu trúc (vì cấu trúc đã được nhất quán ấn định từ đầu).”

Nhiều bạn sinh viên khi làm tiểu luận chỉ chú trọng mặt nội dung, cố gắng sưu tầm và sử dụng thật nhiều tài liệu tham khảo mà lại coi nhẹ mặt hình thức. Trong khi đó Ṇc Bích lại cho rằng, chính hình thức hấp dẫn, mạch lạc đã giúp tiểu luận của bạn “nâng điểm” trong mắt giảng viên:

“Mình rất chú trọng trình bày. Nài việc căn lề, để phông chữ, cỡ chữ đúng chuẩn cho đẹp, dễ nhìn, mình luôn luôn đưa mục lục lên đầu để người đọc nắm bắt được nội dung tiểu luận ngay từ đầu, nhận xét được kết cấu của nó. Mình dùng ảnh phù hợp để minh họa, chứ không dùng ảnh để lấp chỗ trống, "ăn gian" dung lượng. Có những đoạn mình chèn biểu đồ thay cho diễn giải dài dòng, biểu đồ cũng sử dụng in màu để bắt mắt và rõ ràng hơn. Một số trường hợp, do đề tài mang tính cá nhân cao, mình còn xin phép giáo viên sử dụng bìa tùy ý, và mình tự thiết kế bìa phù hợp với nội dung tiểu luận làm tiểu luận vừa thú vị, "muốn đọc" vừa không bị lẫn lộn.”

Cô sinh viên có ba kì liên tiếp đạt loại Giỏi nhấn mạnh: “Mình luôn quan niệm, tiểu luận dù được bao nhiêu điểm thì vẫn là tâm huyết của mình, không ỷ lại quan điểm rằng cứ làm tiểu luận là điểm cao để làm qua loa, sao chép. Điều đó cho mình cảm giác dù được bao hiêu điểm thì mình vẫn thực sự thu được kiến thức gì đó cho môn học, thu được kĩ năng nghiêm cứu và hài lòng với sự cố gắng của bản thân”.

Cùng quan điểm với Ṇc Bích, Đinh Hồng Anh – sinh viên lớp Báo mạng Điện tử K.28 vừa bảo vệ thành công Khóa luận tốt nghiệp với số điểm 9,5 chia sẻ:

“Theo mình, để đạt được điểm cao trong các môn tiểu luận thì cần phải chú ý vào ba mặt: nội dung, hình thức và cách làm.

Khai thác sâu, phân tích kĩ, nhiều chiều, bao quát nhưng phải cô đọng. Sâu không đồng nghĩa với dài, bởi nếu cứ viết lan man, dài dòng thì đó không phải là sâu mà chỉ là dài về dung lượng văn bản. Điều quan trọng ở đây là mình phải xoáy sâu vào nội dung, phân tích kĩ, không lan man sang các vấn đề khác.”

Bàn về hình thức trình bày của tiểu luận, Hồng Anh khẳng định : “Trong tiểu luận, nên kết hợp giữa chữ viết, hình ảnh, biểu đồ… tăng tính khoa học cho bài viết, đồng thời cho người đọc những quãng nghỉ, giúp việc tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn, ý đồ được diễn đạt sáng rõ hơn.”

Hồng Anh cũng nhấn mạnh vai trò tư vấn, giúp sức và cộng tác của giảng viên và các sinh viên khác trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành khóa luận của mình: “Tham khảo ý kiến của thầy cô, các anh chị khóa trước cũng là một điều cần thiết. Vì họ có thể cho mình những góp ý đúng đắn, hoặc giúp mình giải quyết những băn khoăn gặp phải. Phần kết luận thể hiện được khả năng, năng lực tổng hợp, đánh giá, khái quát vấn đề, vì cần phải chú trọng, có kết luận xác đáng cho vấn đề, không thể viết đại khái, qua loa.”



Lí luận vững vàng kết hợp khảo sát thực tiễn tốt sẽ giúp tiểu luận của bạn có chất lượng (ảnh minh họa)

Hãy khảo sát thực tiễn thật tốt!

Để làm được một bài tiểu luận chất lượng, khách quan và sâu sắc, khâu quan trọng là phải khảo sát tốt vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên trong thực tế các bài tiểu luận của sinh viên lại thường nặng về lý thuyết mà nội dung khảo sát lại rất yếu. Đây cũng là hạn chế chung của nhiều bạn sinh viên khi thực hiện tiểu luận của mình.

Là một người được các giảng viên đánh giá cao về khả năng nghiên cứu, khảo sát vấn đề trong khóa luận tốt nghiệp, bạn Trần Thành Công – Lớp Báo mạng Điện tử K.28 chia sẻ bí quyết khảo sát của mình: “Theo mình, để khảo sát tốt thì trước hết nên chọn chuyên mục, vấn đề mà mình am hiểu, hiểu sâu hoặc hay đọc. Vì khi mình hiểu, biết được vấn đề ấy thì việc phân tích, đưa ra quan điểm đánh giá sẽ sát và trúng.”

Thành Công nhấn mạnh: “Điểm mấu chốt trong quá trình khảo sát là việc bạn phải phân tích được đối tượng cần nghiên cứu, chỉ ra được thành công và hạn chế còn tồn tại. Muốn làm được điều ấy thì phải “mổ xẻ” vấn đề, đi càng sâu, càng kĩ càng tốt. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì không nên bổ dọc vấn đề mà nên chia theo từng khía cạnh nội dung nhỏ. Các bạn có thể khảo sát theo thể loại như tin, bài phản ánh, phỏng vấn… hay tít, sapo… chứ không nên khảo sát theo từng ngày, từng tuần.”.

Về phương pháp thực hiện khảo sát, Công cho rằng: “Nên kết hợp với việc phỏng vấn sâu, sử dụng phiếu điều tra xã hội học, để việc đánh giá vấn đề của mình sẽ sâu, mang tính khách quan. Đồng thời kết hợp với việc đưa các biểu đồ, bảng biểu, hình minh họa vào văn bản.”

Những kinh nghiệm quý báu trên đã giúp cho Thành Công đạt điểm gần như tuyệt đối cho Khóa luận tốt nghiệp của mình.

Lời khuyên thiết thực của giảng viên

Thầy Vũ Thế Cường -  giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình: Đứng ở góc độ giảng viên, người hướng dẫn theo tôi, trước hết các em cần thiết lập mối quan hệ với thầy cô giáo. Khi tạo lập được mối quan hệ ấy, em có thể nắm bắt được những yêu cầu cụ thể. Ví dụ như đề tài này cần phải có những gì, vấn đề đó là gì, tôi muốn em làm sáng tỏ vấn đề này, chứ không phải là lan man nói những cái “râu ria” không cần thiết. Hơn nữa, em có thể trao đổi với thầy cô giáo để biết được những tiêu chí mà thầy cô đưa ra là gì để mình có phương hướng làm, xoáy sâu vào vấn đề, tiêu chí chấm của thầy cô.

Sau khi em biết, hiểu được vấn đề thì cần phải lập một đề cương rõ ràng xác định cách làm, nội dung như thế nào. Đây là một khâu rất quan trọng bởi em sẽ tự xây dựng một cái sườn cho bài làm của mình, khi nhận xét, đánh giá thấy cô có thể giúp em chỉnh sửa, đi đúng hướng và đáp ứng được những yêu cầu mà thầy cô đưa ra. Từ đó mà các em sẽ tự phát triển vấn đề, đi giải quyết các yêu cầu.”

Giảng viên Thế Cường cũng không quên nhắc nhở các bạn sinh viên: “Việc sử dụng điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu thì tùy từng đề tài, vấn đề mà em có thể áp dụng. Áp dụng được nó là tốt vì nó sẽ soi sáng giữa vấn đề lý thuyết và thực tiễn như thế nào, từ đó mà ta có cái nhìn khách quan về vấn đề để phân tích, nhận xét. Trước khi khảo sát thì em cần phải lập ra đề cương câu hỏi, định hình trong đầu mục đích mình thực hiện là gì để đạt được hiệu quả, tránh việc đưa những câu hỏi lan man, không đúng trọng tâm.”

Hy vọng với những chia sẻ hữu ích trên đây, các bạn sẽ tích lũy cho mình được kinh nghiệm làm tiểu luận, và cao hơn là khóa luận tốt nhất. Chúc các bạn thành công trong kì thi sắp tới!

Nhóm PV Sóng Trẻ
(Hồng Nhung – Thu Thủy)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN