Lấp “khoảng trống” vào chông chênh

(Sóng trẻ) - Trong vài năm gần đây, gap year (năm tạm dừng) là một xu hướng được nhiều người trẻ ưa chuộng. Trải nghiệm gap year mang những cơ hội mới, những góc nhìn cuộc sống mới cho tuổi trẻ đầy chênh vênh. 

anh-1-gap-year-la-quyet-dinh-quan-trong-cua-nguoi-tre-nguon_-istock.jpg
Gap year là quyết định quan trọng của người trẻ. (Nguồn: iStock)

“Gap year” là khoảng thời gian người trẻ gác lại việc học để nghỉ ngơi, thực hiện những dự định dang dở hay khám phá bản thân. Tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ lựa chọn gap year sau khi hoàn thành kỳ thi THPTQG: phần muốn ôn tập lại để cải thiện thành tích thi vào năm sau; phần còn mông lung trước ngưỡng cửa cuộc đời, chần chừ chưa quyết được nghề nghiệp tương lai. 

Một bộ phận khác, trong đó có Chi Mai, lại chọn gap year sau một thời gian trải nghiệm môi trường đại học. Mai chia sẻ: “Mình không thích nghi được với trường. Chương trình học rất nặng, thi cử lại gấp khiến mình kiệt sức. Hơn nữa, đi học suốt mười hai năm mà không tìm được đam mê làm mình mắc kẹt về mặt tâm lý. Mình thấy cuộc sống ảm đạm, tiêu cực”. 

Thời gian cân nhắc tương lai, cơ hội tích lũy vốn sống và phát triển bản thân – những lợi ích ấy của gap year mở ra cho người trẻ hướng đi mới giữa lúc họ phải vật lộn với áp lực tuổi trưởng thành. Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận thấy năm khoảng trống là thời cơ “vàng” để người trẻ chuyển hướng tích cực.

TS. Nguyễn Nga Huyền chia sẻ: “Đối với những người cần “khởi động lại” tâm trí, gap year là lúc họ tăng cường học hỏi, trải nghiệm để nhìn nhận mình đúng đắn, từ đó bổ sung các thiếu sót cả về kỹ năng lẫn thái độ. Lợi ích lớn nhất của gap year là cho người trẻ cơ hội tự hỏi và tự trả lời về con đường mình đang theo đuổi: có nên tiếp tục đi không? Hay sẽ rẽ sang một hướng khác?”.

Tuy nhiên, gap year không hoàn toàn “màu hồng” mà cũng đi kèm nhiều mặt trái. Trong bối cảnh xu hướng này chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam, đánh giá của xã hội về người trẻ gap year còn tồn tại nhiều định kiến. Với suy nghĩ truyền thống coi đại học là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công, cha mẹ Việt thường ngăn con dẹp sách vở nghỉ học. Sự vênh lệch tư duy giữa hai thế hệ làm bùng nổ mâu thuẫn gay gắt, càng phóng đại tâm lý căng thẳng, chông chênh ở người trẻ, khiến họ dễ ra quyết định thiếu chín chắn. Chi Mai cho biết thái độ cực đoan của gia đình từng làm bạn có suy nghĩ “giả vờ đi học”. 

Còn với Bích Ngọc (20 tuổi, Hà Nội), gap year là khoảng thời gian nhạy cảm đến nỗi sự tò mò của những người xung quanh cũng được coi là một thách thức: “Mình e ngại câu hỏi “vì sao không đi học?”, bởi chính mình cũng thường xuyên nghi ngờ quyết định của bản thân”.

anh-2-bich-ngoc-hien-la-sinh-vien-dai-hoc-lao-dong-va-xa-hoi-nguon_-nvcc.jpg
Bích Ngọc hiện là sinh viên Đại học Lao động và Xã hội. (Nguồn: NVCC)

 Áp lực người trẻ tự đặt lên vai mình cũng nặng nề không kém áp lực từ bên ngoài. Trước quyết định tạm dừng hay bước tiếp, họ trăn trở nhiều cả về đam mê, thời gian, lẫn tiền bạc, công sức… “Liệu để trống một năm có đúng đắn hay không? Hay sau gap year mình càng mất phương hướng?”, Bích Ngọc nhớ lại những hoài nghi của mình. 

Tuy nhiên, khi đã quyết tâm, bạn trẻ biết cách tận dụng tối ưu thời gian gap year để thực hiện những dự định hằng ao ước. “Trống nhưng không rỗng”, người trẻ lấp đầy năm tạm dừng bằng các hoạt động sôi nổi, đa dạng. Đọc nhiều sách, biết thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực là một thành tựu chung của các bạn học sinh, sinh viên gap year. Đây cũng là khoảng thời gian quý giá để họ cải thiện quan hệ với những người xung quanh.

Bích Ngọc cho biết cô “gặp được nhiều người hợp với mình, thấy bớt cô đơn, có cảm giác thuộc về”. Còn Chi Mai tham gia một dự án tình nguyện, thử sức với ba công việc bán thời gian, đi du lịch, tự học thêm một số kỹ năng mềm, cố gắng rèn thói quen tập thể dục và ăn uống lành mạnh. 

Đặc biệt, gap year còn giúp Mai khám phá bản thân và chữa lành những tổn thương tâm lý trong quá khứ. “Đây dường như là năm đầu tiên mình thực sự sống. Lâu lắm mình mới tìm được điều gì đó khiến mình thấy vui vẻ. Mình tin tưởng và yêu quý chính mình hơn” - Mai tâm sự.

anh-3-chi-mai-trong-chuyen-du-lich-chau-au-nam-2023-nguon_-nvcc.jpg
Chi Mai trong chuyến du lịch châu Âu năm 2023. (Nguồn: NVCC)

Gap year là khoảng lặng để người trẻ bình tĩnh trưởng thành, học cách lắng nghe bản thân, nên cũng đồng thời là bước chạy đà cho tương lai bay xa. Lùi một bước lại tiến ba bước, gap year là khi người trẻ chọn xuất phát chậm hơn so với các bạn đồng lứa để vững vàng, kiên định tiến về phía trước. 

Tuy nhiên, năm tạm dừng rất dễ bị lãng phí nếu chỉ xuất phát từ cảm xúc bồng bột. Cả Ngọc và Mai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lên kế hoạch, đặt ra tầm nhìn, định hướng cho gap year. “Gap year không màu hồng đâu. Cần lên kế hoạch tỉ mỉ mới đạt được mục tiêu” - Bích Ngọc nói. Chi Mai cũng khẳng định “có định hướng mới nên gap year”.

Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền cho biết:“Nếu không có định hướng, mặt tích cực nhất của gap year sẽ trở thành mặt tiêu cực nhất. Không trả lời được câu hỏi “mình cần gì?” tức là bạn đã phí hoài thời gian dừng lại”.

anh-4-tien-si-nguyen-nga-huyen-khuyen-nguoi-tre-lap-ke-hoach-khi-gap-year.png
Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền khuyên người trẻ lập kế hoạch khi gap year. (Ảnh: Hải Ly)

“Để tránh điều đó, trước khi gap year, bạn phải có sự chuẩn bị về thủ tục, đảm bảo việc dừng lại không ảnh hưởng đến việc quay lại. Thứ hai, bạn cần lập kế hoạch một cách rõ ràng, chiến lược. Hãy tìm kiếm lời khuyên từ những người có chuyên môn, thầy cô, bạn bè, gia đình nếu bạn còn mông lung. Đừng tùy tiện gap year mà không có mục tiêu cụ thể. Sự chuẩn bị tốt sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian gap year, để gap year thực sự mang lại lợi ích mà không trôi qua phí hoài” - Cô Huyền chia sẻ.

Bản lĩnh làm chủ quyết định, chấp nhận rủi ro, hậu quả, lòng tin tưởng và cả sự đấu tranh với chính mình mới có thể lấp đầy chênh vênh bằng “khoảng trống”. Khi đó, năm gap year sẽ thực sự xứng đáng là trải nghiệm đẹp, cho người trẻ nhiều niềm vui, nhiều chiêm nghiệm quý giá. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN