Mạng xã hội “xoay chuyển” mối quan hệ thầy - trò?
(Sóng Trẻ) - Sự bùng nổ của mạng xã hội những năm gần đây khiến “nền tảng ảo” này trở thành không gian lý tưởng để mỗi cá nhân đăng tải và phát tán thông tin về mọi phương diện, trong mọi bối cảnh của đời sống; giáo dục cũng không nại lệ. Với những “điểm sáng” và “góc tối”, mạng xã hội đã tác động đáng kể đến mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Vạch trần sai phạm hay “bới bèo ra bọ”?
Sự bùng nổ của mạng xã hội những năm gần đây khiến nền tảng này được xem như một công cụ tối ưu để thỏa mãn nhu cầu tự do ngôn luận của mỗi cá nhân. Bên cạnh những thông điệp tích cực, mạng xã hội cũng là không gian lý tưởng cho các vụ “đấu tố” - vạch trần, lên án, lan truyền những thông tin tiêu cực.
Năm qua, giáo dục đã trở thành cái tên luôn “sôi sục” bởi những sự vụ “đình đám” như “Bị tố phạt học sinh 50 cái tát: Giáo viên nói học sinh tự tát nhau”, “Cô giáo bắt học sinh lớp 3 súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng”, “Hiệu trưởng Đinh Bằng My ấu dâm hàng chục nam học sinh ở Phú Thọ”,... Nhờ sức mạnh của dư luận xã hội, những sai phạm trên đã bị lên án và xử lý kịp thời, góp phần không nhỏ trong việc “thanh lọc” môi trường giáo dục.
Hình ảnh hai cô giáo coi thi đánh hàng loạt học sinh ở Hải Phòng (8/5/2019 - Ảnh: Vietnamnet)
Lắng nghe quan điểm từ phía phụ huynh, chị Lê Thúy Hằng (Hội Phụ huynh lớp 7A3 trường THCS Đoàn Thị Điểm) tâm sự: “Từ trước đến nay việc quản lý, dạy dỗ các con, phụ huynh đều trông cậy vào nhà trường. Tuy nhiên, khi mạng xã hội xuất hiện, không ai có thể phủ nhận chức năng phản ánh, lên án những tiêu cực trong xã hội của nó. Chúng tôi nhờ vậy cũng phần nào yên tâm hơn. ”
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhu cầu “yên tâm” của phụ huynh bị đẩy đi quá xa. Ngày 3/12/2018, tại Bạc Liêu xảy ra tranh cãi giữa mẹ học sinh và thầy giáo Hồ Văn Khánh về việc “chiếc quần short bị bỏ quên trong hộc bàn”. Được biết, học sinh dọn vệ sinh lớp học, mang lên để trên bàn giáo viên và thầy Hồ Văn Khánh cho phép học sinh bỏ sọt rác. Chiều 3/12, bà D. N. A đến trường tìm thầy Hồ Văn Khánh để đòi trả chiếc quần của con gái hoặc đền tiền bằng nhiều lời lẽ xúc phạm và quay clip đăng tải trên Facebook với tiêu đề “Một thầy giáo biến chất ở Trường Trần Huỳnh, Bạc Liêu”. Sau khi sự việc xảy ra, do tác động quá lớn từ dư luận, chị A đã chủ động gỡ clip trên trang cá nhân, đại diện gia đình xin lỗi thầy giáo và nhà trường.
Chồng nữ phụ huynh (nài cùng bên phải) xin lỗi thầy giáo Hồ Văn Khánh (thứ hai từ phải sang) trước Hội đồng Nhà trường (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Cô Vũ Thị Nguyệt Nga (Giáo viên ngữ văn, Trường THPT Công Nghiệp Việt Trì) cho rằng: “Mạng xã hội vốn có tính chất hai mặt tích cực và tiêu cực điều này quyết định bởi cách sử dụng của mỗi người. Thực tế cũng cho thấy sự tác động của mạng xã hội đến công tác giảng dạy của giáo viên và mối quan hệ thầy trò là điều không thể phủ nhận.
Về mặt tình cảm, mạng xã hội giúp giáo viên và học sinh tương tác, chia sẻ nhiều hơn so với môi trường lớp học. Từ đó mối quan hệ thầy trò cũng trở nên gắn bó, cởi mở hơn. Đồng thời, mạng xã hội cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc giảng dạy giúp giáo viên vận dụng linh hoạt trong việc giao bài, hỗ trợ giải đáp thắc mắc của học sinh một cách thuận lợi và nhanh chóng.
Tuy nhiên, nếu cả học sinh và giáo viên đều không kiểm soát tốt các thông tin được đăng tải lên mạng xã hội sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của cả người giảng dạy và người học. ”
Người giáo viên cảm thấy thế nào khi những thông tin, hình ảnh trong môi trường học đường của họ có thể dễ dàng bị phát tán và lan truyền? Họ nghĩ gì khi chính người học trò của mình là tác giả của những bình luận, chia sẻ tiêu cực về nhà giáo? Mối quan hệ thầy - trò, trước sự tác động của tự do ngôn luận trên mạng xã hội, sẽ biến chuyển ra sao?
Tự do ngôn luận - Tự do trong khuôn khổ
Không thể phủ nhận những thuận tiện mà mạng xã hội mang lại cho giáo dục khi trở thành “cầu nối” giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh và học sinh. Tuy vậy, chúng ta cũng khó “làm ngơ” trước những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đến môi trường học đường nói chung và mối quan hệ thầy - trò nói riêng.
Trao đổi về vấn đề trên, Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Lan Nguyên (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng:
“Các bạn học sinh thường đăng tải lên mạng xã hội những phàn nàn về chất lượng giảng dạy của giáo viên khi cảm thấy chưa hài lòng. Trong khi đó học sinh hoàn toàn có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên. Có lẽ do tâm lý các bạn thường sợ làm mất lòng giáo viên nên việc ẩn danh trên mạng xã hội giúp các bạn thoải mái bày tỏ quan điểm. Điều này tạo nên một tác động tiêu cực đến giáo viên, khi chuyên môn hay phong cách giảng dạy bị đưa lên mạng xã hội và trở thành chủ đề bàn tán.
Thông tin trên mạng xã hội có thể đúng hoặc sai nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo thể sàng lọc thông tin một cách đúng đắn. Mạng xã hội cho mọi người quyền ẩn danh nên sinh viên, học sinh cũng có thể sử dụng nài mục đích học tập như bình phẩm và có những lời lẽ chưa đúng mực về giáo viên. Nhiều phụ huynh tin tưởng, chiều chuộng con cái nên chỉ tin những lời không hay từ con mà phán xét các thầy cô chưa chính xác. Từ đó, sự tin tưởng của phụ huynh nơi thầy cô mất đi, mối quan hệ thầy trò có nhiều rạn nứt. ”
Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Lan Nguyên (Ảnh: Sóng Trẻ)
“Tự do đăng tải thông tin là tốt, nhưng cần hạn chế những thông tin tiêu cực. " Tiến sĩ Truyền thông Mai Linh (Giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) nhận định:
Tiến sĩ Mai Linh - Giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Ảnh: Sóng Trẻ)
“Thật ra, quyền được nêu ý kiến hay quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Tự do trên mạng xã hội cũng vậy, con người có quyền đưa ra quan điểm riêng để tạo dư luận. Vấn đề đặt ra là sẽ có những dư luận xã hội tốt và dư luận xã hội xấu. Vì vậy, mạng xã hội như một con dao hai lưỡi: có những điều thầy cô muốn các em chia sẻ, nhưng có những điều thầy cô không muốn các em phát tán.
Việc học sinh ghi hình cách giảng dạy, xử phạt của giáo viên tung lên mạng xã hội khiến giáo viên cảm giác như bị ‘theo dõi, soi xét’, chịu nhiều sức ép từ dư luận, từ nhà trường và từ cộng đồng phụ huynh học sinh. Nhiều thông tin sai lệch nhưng với sức mạnh của mạng xã hội đã bị biến tấu và lan truyền với tốc độ chóng mặt, không thể kiểm soát, mất rất nhiều thời gian để giải quyết. Song, danh dự và uy tín của giáo viên và nhà trường cũng đã phần nào bị hủy hoại một cách không thể cứu vãn.”
Mục đích cuối cùng của giáo dục là dạy học sinh biết tôn trọng cái chân, thiện, mỹ mà biểu hiện cơ bản chính là sự tôn trọng đối với giáo viên. Có người cho rằng, mạng xã hội giúp học sinh tự do phát biểu ý kiến cá nhân, từ đó giáo viên hiểu rõ học sinh cần gì và muốn gì, như vậy mối quan hệ thầy trò thêm gần gũi. Ngược lại, có người cho rằng việc tự do đăng tải thông tin trên mạng xã hội sẽ tạo môi trường cho những biểu hiện xấu như xúc phạm, tung tin đồn sai sự thật,...làm suy giảm lòng tôn trọng của học sinh với giáo viên, từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ thầy - trò.
Còn theo bạn đọc, từ khi thông tin về học đường được tự do đăng tải trên mạng xã hội, mối quan hệ giáo viên - học sinh đã thay đổi như thế nào?
BBT Sóng Trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận