Người dân Đắc Sở thu bạc tỷ nhờ trồng Phật thủ
(Sóng trẻ) - Càng cận kề ngày Tết Nguyên đán, các hộ gia đình tại xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội lại càng tất bật với công việc chăm sóc và thu hoạch Phật thủ trong các vườn cây của mình. Đây được xem như là “ngành mũi nhọn kinh tế” của địa phương, giúp người dân đổi đời và làm giàu trên mảnh đất nông nghiệp một cách bền vững.
“Trái tâm linh” biến vùng quê nghèo trở nên giàu có
Bao đời, người dân Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn sống với nghề trồng lúa truyền thống, cuộc sống không khỏi vất vả, khó khăn. Thế rồi gần đây, họ bỗng dưng đổi đời, nhà nhà mua xe, sắm sửa vật dụng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Họ giàu lên chính là nhờ “bàn tay Phật" – trái Phật thủ.
Nhà nhà ăn “lộc Phật” nên bây giờ đến Đắc Sở người ta không còn thấy cảnh đầu làng cuối ngõ rơm rạ vần vũ, quanh năm tất bật với hạt thóc, bắp ngô. Cái dần thay thế cảnh tượng đó giờ đây là vườn cây xanh mướt mát, lấp ló những trái quả màu vàng chanh hình “bàn tay Phật”. Quả Phật thủ thực sự đã giúp họ đổi đời và có cuộc sống khấm khá hơn.
Mặc dù thu hoạch và bán rải rác vào các dịp rằm, mồng một hàng tháng, nhưng “mùa gặt hái” của người trồng Phật thủ tập trung vào dịp cuối năm để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Đắc Sở có hàng trăm người buôn bán Phật thủ, họ chia địa bàn, chuyển quả đi khắp cả nước.
Một vườn Phật thủ xanh mướt, sai trĩu quả ở Đắc Sở
Trồng phật thủ “thu” bạc tỷ
Hiện nay, có thể nói tại Hà Nội, Đắc Sở là nơi cung ứng lượng Phật thủ tương đối lớn ra thị trường vào dịp Tết Nguyên Đán hằng năm. Tại đây hiện có hàng chục hộ gia đình có thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng từ Phật thủ, hơn 10 hộ có nhu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Vườn Phật thủ nhà anh Tạ Văn Tâm ở thôn Đông Hạ là một trong 10 hộ trồng Phật thủ thành công nhất, được thành phố Hà Nội chọn làm mô hình trình diễn của xã Đắc Sở. Trong vườn của anh, có khoảng vài chục quả đẹp nhất về hình thức như có nhiều ngón tay, các ngón tay tỏa tròn xếp thành nhiều vòng như hình bông hoa... Những trái Phật thủ như vậy sẽ được bán với giá từ 1,5 triệu – 3 triệu đồng/quả. Những “đại gia chịu chơi” sẽ không ngần ngại mở hầu bao để có thể sở hữu những quả Phật thủ đẹp mắt nhất. Anh Tâm cho biết thêm, những quả đẹp hạng hai trong vườn của anh có khoảng 700 trái có giá từ 200 – 500 nghìn đồng/quả, còn lại những quả ở mức thường có giá dao động từ 20 000 – 100 000 đồng/trái. Như vậy, cứ sau mỗi mùa thu hoạch, gia đình anh Tâm có thể thu về được hàng trăm triệu đồng nhờ Phật thủ. Điều khiến giúp cho cuộc sống của gia đình anh ngày càng đầy đủ, sung túc.
Không chỉ có gia đình anh Tâm, có rất nhiều hộ gia đình khác cũng thành công trong việc trồng cây Phật thủ. Người dân ở đây cho biết, không chỉ Tết mà bất cứ thời điểm nào Phật thủ cũng bán đắt như tôm tươi. Những trái Phật thủ đẹp mắt và đạt yêu cầu có giá đến vài triệu. Nhờ thu nhập “khủng” từ trái Phật, nhiều hộ gia đình đã có thể xây nhà cao, mua sắm đồ dùng sinh hoạt tiện nghi... mặc dù trước đó chỉ là một người nông dân chân lấm tay bùn. Có thể nói quả Phật thủ đã làm cho người nông dân đổi đời đến mức không thể tin được”.
Trồng Phật thủ giúp người dân thu về bạc tỷ
Đắc Sở có quỹ đất không nhiều, mỗi nhân khẩu chỉ được chia chưa đầy 300 mét vuông đất trồng màu nên người dân Đắc Sở đi thuê cả đất các xã lân cận chỉ để trồng cây Phật thủ. Quả Phật thủ giống như bàn tay Phật. Có lẽ vì quan niệm là quả của Phật nên loại trái cây này đang mang phúc lành đến cho người dân nơi đây.
Vùng đất Đắc Sở dường như đã bén duyên với “trái Phật”, để rồi giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều tài lộc và may mắn giống như ý nghĩa tâm linh của loại quả này vậy. Hi vọng trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, trái Phật thủ sẽ tiếp tục giúp cho người dân xã Đắc Sơn thu về lợi nhuận cao hơn nữa để cuộc sống ngày càng sung túc, đầy đủ.
Ý nghĩa tâm linh của quả Phật thủ Đối với người Á Đông, quả Phật thủ tượng trưng cho sự may mắn, cát tường, là lễ vật quý báu và linh thiêng để cúng dâng Phật, gia tiên, thần thánh trong những dịp lễ Tết. Trái Phật thủ có hình dáng độc đáo, kì lạ mà không ở một loại quả nào có được. Phật thủ giống như một bàn tay với rất nhiều ngón tay thuôn dài và vì vậy được ví như bàn tay của Phật. Theo truyền thuyết Trung Quốc xưa, quả Phật thủ là hiện thân của bàn tay công chúa Diệu Thiện, con gái của vua Diệu Trang Vương. Công chúa đã dùng chính hai con mắt và hai cánh tay của mình để làm thuốc chữa bệnh cho vua cha. Về sau trong nồi thuốc còn sót lại một bàn tay của công chúa, thái y liền mang ra vườn và từ bàn tay đó mọc lên cây Phật thủ. Quả Phật thủ - loại quả không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên các dịp lễ, Tết Quả Phật thủ có màu vàng ngà, mùi hương thơm ngát và luôn được bày trang trọng ở giữa mâm ngũ quả như hội tụ mọi tinh hoa, phước lành đem lại nhiều điều may mắn đến cho mọi người. |
Thanh Nga - Thùy Linh
Báo Mạng điện tử K33
(ảnh: Internet)
Cùng chuyên mục
Bình luận