Người lao động “bám trụ” Thủ đô dịp lễ 30/4 - 1/5
(Sóng trẻ) - Dịp lễ 30/4 - 1/5, dù được nghỉ dài ngày nhưng nhiều người lao động vẫn quyết định ở lại Hà Nội làm việc. Thay vì về quê hay nghỉ ngơi, họ bám trụ với công việc để mưu sinh, tranh thủ từng cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Vào các dịp lễ, nhiều người lao động công tác trong những nhóm ngành đặc thù. Họ vẫn phải duy trì liên tục tiến độ công việc để đảm bảo hoạt động phục vụ xã hội không bị gián đoạn.
Anh Nguyễn Đức Công - trực ban chạy tàu tại trạm Long Biên (ga Hà Nội, thuộc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) chia sẻ rằng ngành đường sắt làm việc theo chế độ ban kíp, nhân viên được phân ca cụ thể và phải lên ban đúng giờ, kể cả vào các dịp nghỉ lễ. “Càng vào dịp lễ chúng tôi lại càng bận rộn. Chi nhánh đã tăng thêm số chuyến tàu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nên khối lượng công việc cũng nhiều và vất vả hơn”, anh Công cho biết.

Khi được hỏi về chế độ đãi ngộ trong kỳ nghỉ lễ, anh Công cho biết Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam luôn quan tâm, động viên tinh thần nhân viên. “Chúng tôi được thăm hỏi, hỗ trợ thêm một khoản phụ cấp. Chính sự quan tâm đó đã khích lệ anh em yên tâm công tác, nỗ lực phục vụ người dân tốt hơn trong những ngày cao điểm”.
Bên cạnh ngành đường sắt, nhiều ngành dịch vụ khác như tại nhà hàng, quán cà phê… cũng rất cần người lao động đi làm vào dịp lễ để duy trì hoạt động. Nhiều chủ cửa hàng đã chi trả mức lương gấp 2-3 lần cho nhân viên khi đi làm vào những ngày này.
Bạn Ngô Thị Phương (20 tuổi, nhân viên tại một quán cà phê) cho biết: “Tất cả các quán cà phê vào dịp lễ thường sẽ trả cho nhân viên mức lương cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Cụ thể làm việc vào những ngày lễ như này thì mình sẽ được trả khoảng 50.000 - 60.000 đồng/giờ”.

Làm việc vào những ngày nghỉ lễ có thể mang lại cho người lao động mức thu nhập cao hơn so với ngày bình thường. Tuy nhiên, điều ấy cũng không thể xoa dịu nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình khi họ không được sum họp với người thân trong một kỳ nghỉ dài.
Là người bán hàng rong trên phố Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Đào Thị Hồng (45 tuổi, Thanh Hoá) tâm sự: “Tất nhiên là tôi có nhớ gia đình nhưng đó cũng là động lực để tôi ở lại đây trong những ngày nghỉ lễ, cố gắng kiếm thêm ít tiền để gửi về cho các con ăn học”.

Dẫu biết rằng dịp nghỉ lễ là thời gian để sum vầy, nghỉ ngơi, nhưng với nhiều người lao động, mưu sinh vẫn là ưu tiên hàng đầu. Những gánh hàng rong, những ca trực thâu đêm trong các ngày lễ là minh chứng cho nỗ lực "bám trụ" Thủ đô để trang trải cuộc sống của người lao động. Ẩn sau lựa chọn lặng lẽ ở lại thành phố mưu sinh là những câu chuyện về trách nhiệm, sự hy sinh thầm lặng để vun vén cho gia đình.